GDP 6 tháng đầu năm 2011 tăng 5,57%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2011 ước tính tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó quý I tăng 5,43%; quý II tăng 5,67%.
Con số này thấp hơn 0,59% so với cùng kỳ năm ngoái và mức ước đoán 5,6% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cách đây ít ngày.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,9%; khu vực dịch vụ chiếm 37,33%.
GDP 6 tháng đầu năm 2011 thấp hơn 0,59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhìn chung CPI tháng 6/2011 vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng chậm lại và là mức tăng thấp nhất trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, CPI tháng 6/2011 tăng 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính bình quân 6 tháng, chỉ số CPI tăng 16,03% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 6 tháng đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không kể tái xuất vàng thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng dệt may đạt 6,1 tỷ USD; dầu thô đạt 3,4 tỷ USD; giày dép đạt 3 tỷ USD; hàng thủy sản đạt 2,6 tỷ USD; gạo đạt 2 tỷ USD…
Về nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, tính chung 6 tháng, chúng ta vẫn nhập siêu đến 6,7 tỷ USD. Trong đó, hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với con số ước tính 11 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2010.
Tổng cục Thống kê đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý với mức tăng quý II cao hơn quý I. Chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối quý II tăng chậm lại và có xu hướng giảm dần. Sản xuất một số ngành, lĩnh vực đạt khá.
Tuy nhiên, mức lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn do lãi suất vay tín dụng cao và ảnh hưởng bởi sự tăng giá nguyên liệu đầu vào; nhập siêu vẫn ở mức cao; thu hút đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm.
Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao làm chi phí đầu vào tăng cao tác động đến sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, 6 tháng cuối năm, tình hình - kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế và diễn biến khó lường từ bên ngoài. Lạm phát, mặt bằng lãi suất đang ở mức cao; nhập siêu còn lớn gây sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán; khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tài khoá, tiền tệ; an sinh xã hội, đời sống của một bộ phận người nghèo, đối tượng chính sách còn khó khăn…
Theo Dân trí