Gen

GEN

10 cậu bạn sống quanh tôi thì có đến 8 cậu đã từng có ý nghĩ xách con đi giám định ADN. Lòng tin ái tình là thứ gì đó vô cùng kỳ dị trong thế giới đàn ông, nói họ nghi ngờ vợ thì oan cho họ, nhưng nói họ tin tưởng tuyệt đối vợ thì lại “oan” cho họ thêm lần nữa! Mặc dù được phân tích trên cơ sở một bộ dữ liệu vô cùng khắt khe, biết tỏng tòng tong xác suất thất thoát giường chiếu bằng 0 nhưng họ vẫn cứ khao khát được vật ngửa cái bằng chứng giấy trắng mực đen ấy ra mới thỏa mãn, mới đã. Tuy nhiên chỉ là ý định hoặc ý nghĩ thôi, chứ theo tôi biết thì cả 8 gã đàn ông  “cầm tinh Tào Tháo” trên chả ai  tự nhiên là đi làm cái việc ngất ngây ấy cả. Họ cứ đồng hành với một phần tỷ cái thấp thỏm mơ hồ, coi đó như một thứ xúc cảm thường trực vậy. Cuộc sống thật là trần trụi và nhàm chán nếu như tất cả mọi cứ đều tồng ngồng ra ngoài.

Thế giới hiện đại đôi khi có thể lấy của chúng ta những cảm xúc vốn dĩ nguyên thủy nhất. Tựa như công nghệ var trong bóng đá vậy, có nhân danh lẽ phải để bóc trần sự thật, nhưng nếu năm 1986 áp dụng var thì đã không có “bàn tay của Chúa” để ghi vào lịch sử túc cầu.  Các cụ ngày xưa thiệt thòi nhiều thứ, và một trong số đó vẫn là chả có bất kỳ một cơ sở y tế nào xét nghiệm ADN. Người phụ nữ bị oan tình thì trọn đời ngậm đắng nuốt cay, còn đấng mày râu đa nghi thê tử cũng chỉ lấy bồ hòn làm ngọt. Cuối cùng mọi bí mật đều được vĩnh viễn vùi sâu trong đất. Câu “Ngoại gen trội, nội gen lặn” dù là tổng kết khoa học hay nói cho thuận vần thì có lẽ cũng là sản phẩm ngôn ngữ sau thế kỷ 19.

Mặc dù được dùng khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày nhưng gen không phải là một từ gốc Việt hay gốc Hán. Gen là một đoạn xác định của phân tử axit nucleic (ADN hoặc ARN) có chức năng di truyền nhất định. Thuật ngữ này dịch theo phiên âm kết hợp Việt hóa từ tiếng Anh gene, cũng như từ tiếng Pháp gène (phát âm quốc tế đều là /jēn/). Trong sinh học phổ thông cũng viết là gen (đọc là gien hoặc zen).

Tuy nhiên, khi đi vào đời sống xã hội và được dân dã hóa, chữ gen có lúc  không còn bảo toàn cái ý nghĩa đơn thuần về mặt khoa học tự nhiên nữa. Gen đôi khi là từ dùng để mô tả tính cách, năng lực sở trường, bản chất của cá nhân hay cộng đồng nào đó. Khi nói  “Gã ấy có gen ngoại tình” hay “Làng ấy có gen đánh nhau” là một dạng biến thể khá phổ thông của chữ gen. Nói đến đây lại chợt liên tưởng đến hai câu chuyện liên quan đến chữ gen:  Thứ nhất là tuyên bố của chủ tịch đất nước láng giềng, rằng “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”. (Lưu ý là câu nói này được phát biểu tại một diễn đàn lớn ngay tại thời điểm mà giàn khoan Hải Dương đang nằm sâu trong vùng lãnh hải của Việt Nam).

Còn câu chuyện thứ hai:  Theo Tạp chí di truyền quốc tế uy tín Human Mutation (IF 4,5) vừa công bố “Nghiên cứu về bộ gen của người Việt” thì người Việt chúng ta không có nguồn gốc từ người Hán như lâu nay đa phần vẫn lầm tưởng. Thậm chí GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng VRISG, Chủ nhiệm đề tài cho biết “bộ gen người Việt khác xa bộ gen người Hán phía Bắc Trung Quốc”…

Kết quả những nghiên cứu về gen là thành tựu  vĩ đại của khoa học. Câu chuyện cây trồng biến đổi gen làm thay đổi cục diện thị phần đậu tương như thế nào chắc mọi người đã rõ. Gen đang cơ hội để thắp lên hy vọng cho tương lai nền y khoa hiện đại. Người ta đã tìm ra gen làm cho bạc tóc, gen làm cho bệnh chai tay, thậm chí còn có cả gen gây ra bệnh hôi miệng. Tuy nhiên, cái “gen xâm lược” như phát biểu của ai đó thì có lẽ “y học” tạm thời bó tay. Mong sao những người không có gen xâm lược thì cũng sẽ không có gen làm hôi miệng.

Nhân nói về chữ gen theo nghĩa dân dã lại nhớ đến vụ cô gái bị tai nạn thương tâm giữa đêm khuya ven đường. Hàng chục người và xe cộ qua lại, có người đứng xem rồi bỏ đi, không một ai ra tay giúp đỡ cho đến khi cô gái chết thương tâm. Phải chăng họ chỉ có “gen” vô cảm? Một câu chuyện khác, ngày 23/7 tại Hải Dương đã xảy ra một vụ TNGT kép khiến 6 người tử vong. Khởi nguồn của thảm khốc là một người đàn ông đang đạp xe tập thể dục trên Quốc lộ 5 thì bất ngờ bị xe ôtô 16 chỗ tông tử vong. Sau khi vụ TNGT xảy ra nhiều người đi đường đã dừng lại “coi”. Đau đớn thay trong lúc dân làng đang tụm ba tụm bảy đó thì một chiếc xe  tải chạy hướng từ Hà Nội đi Hải Phòng bất ngờ đâm vào dải phân cách và đổ ập vào. Vậy là cộng thêm 5  người chết tại chỗ. Quá đau xót, điều đáng nói đây không phải lần đầu người dân mình chết vì cái “gen”… tò mò!

Biến tấu về chữ gen chắc còn nhiều: kiểu công ty như hút nước ô nhiễm sông đào lên bán giá cắt cổ cho dân thì thật khó để có gen tử tế. Kẻ thấy xe bia đổ lao ra hôi về bỏ tủ lạnh uống dần chắc nhiều gen tham lam. Cấp bìa đỏ cho dân rồi thu, thu xong lại trả, như vậy là có gen tùy tiện. Làm cha, làm mẹ không biết con bị nâng điểm chắc có gen vô tâm và nếu biết mà vẫn cứ khăng khăng chối bỏ thì chắc nhiều gen cãi!

Hay thật, gen nhưng không phải là gen mà là… gen!

Mấy tuần qua, từ khóa “Bãi Tư Chính” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Thêm một lần nữa Trung Quốc lại ngang nhiên kéo tàu thăm dò vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta”.

Tại cuộc họp báo vào chiều 19 tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía Nam Biển Đông. Đó là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các qui định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trong quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và vì ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển của Việt Nam.

Tài, xâm phạm vào tận “sân” nhà người ta mà vẫn nói là mình “không có gen xâm lược”. Vâng, có thể trong máu người ta không có gen xâm lược, nhưng mong sao trong máu người ta có một chút gen… xấu hổ!