Ghi nhận từ Hội thi Hát dân ca trong trường học tỉnh Nghệ An 2023
(Baonghean.vn)- Đến thời điểm này, Hội thi Hát dân ca trong trường học đã đi được nửa chặng đường, qua đó, phát hiện nhiều nhân tố mới, chọn ra những tiết mục xuất sắc để tham gia hội thi cấp tỉnh.
Nhiều tiết mục dàn dựng công phu
“Lời ru non nước”, tiết mục đơn ca của em Khánh Vy - học sinh lớp 8C, Trường THCS Hưng Dũng cùng đội múa đến từ Trường THCS Trung Đô (TP. Vinh) là 1 trong 2 tác phẩm được trao giải Nhất tại Hội thi Hát dân ca trong trường học do thành phố Vinh tổ chức.
Đây cũng là lần thứ 2 Khánh Vy đến với hội thi này và hình ảnh của một nữ sinh trên khấu, vừa duyên dáng, vừa đằm thắm, với chất giọng đặc biệt trên làn điệu hát xẩm thực sự đã tạo được ấn tượng với người xem và được ban giám khảo ghi nhận, đánh giá cao.
Các tiết mục biểu diễn tại Hội thi Hát dân ca trong trường học thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Khánh Vy mê hát dân ca và có năng khiếu từ những ngày còn nhỏ. Vì thế, khi tổ chức hội thi ở vòng cụm với các trường đến từ các phường Trung Đô, Hưng Dũng, Hưng Lộc, Lê Mao, Bến Thủy, Nghi Đức... cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên dạy Âm nhạc ở Trường THCS Trung Đô, Đội trưởng Đội thi hát dân ca của cụm không khó khăn khi phát hiện ra nhân tố đặc biệt này. Điều khó khăn lúc bấy giờ đó là sau nhiều năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hội thi hát dân ca bị gián đoạn nên Vy và nhiều thành viên khác trong đội tuyển không được cọ xát và tập luyện thường xuyên. Khi lựa chọn tác phẩm tham gia hội thi trên làn điệu hát xẩm, cô giáo Thanh Tâm và các học trò cũng tự chọn con đường khó cho mình. Tuy nhiên, cô tin vào học trò và biết rằng, với năng khiếu riêng, Khánh Vy sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho ban giám khảo.
Để chuẩn bị cho tiết mục này, Khánh Vy và đội văn nghệ có gần 1 tháng tập luyện nghiêm túc. Bài hát được dàn dựng khá công phu, có múa, có dàn nhạc “sống” với nhiều nhạc cụ truyền thống do các học sinh nam phụ họa.
Nói về quá trình thực hiện, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: Lời bài hát “Lời ru non nước” do Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh viết lời rất ý nghĩa và dễ đi vào lòng người. Nhưng ở độ tuổi học sinh, để cảm thụ đầy đủ bài hát rất khó và các em thường hát theo bản năng. Vì thế, trước khi để các em hiểu bài hát, hát tốt và truyền được cảm xúc tôi phải thổi hồn vào các em và giúp các em có nhiều cảm xúc về bài hát. Qua “Lời ru non nước”, các em cũng cảm nhận được tình cảm gia đình, tình mẹ con, tình yêu quê hương, đất nước và cả nỗi nhớ thiết tha khi nghĩ về mẹ.
Tiết mục biểu diễn "Sắc nắng thành Vinh" do các giáo viên và học sinh thành phố Vinh biểu diễn. Ảnh: Mỹ Hà |
Ngoài “Lời ru non nước”, tổ khúc 8 phút về các làn điệu dân ca “Sắc nắng thành Vinh” cũng đã được các học sinh và giáo viên đến từ các Trường THCS Trung Đô, Hưng Dũng, Lê Mao, Bến Thủy đánh giá cao và góp phần đưa đội thi đạt giải Nhì chung cuộc.
Là người chủ trì, dẫn dắt đội tuyển, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm thực sự vui mừng, bởi hơn ai hết, chị là người gắn bó với dân ca, yêu dân ca và khát khao được truyền dạy dân ca đến với học trò.
Qua hơn 20 năm làm công tác giảng dạy, đến với rất nhiều hội thi hát dân ca ở các trường học, cô cũng cho rằng, đây là một hội thi nhiều ý nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay: Dân ca Nghệ Tĩnh rất khó và học sinh ngày nay hiểu và hát được dân ca rất ít. Vì lẽ đó, trong quá trình dạy ở trường, tôi rất hay hát dân ca để có thể “khơi nguồn” cho học trò. Cùng với đó, tôi tổ chức các câu lạc bộ hát dân ca trong nhà trường, thường xuyên dàn dựng các tiết mục hát dân ca trong các hội diễn để các em có cơ hội được thể hiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, phong trào hát dân ca ở các nhà trường bị chững lại và tôi mong rằng, các hội thi hát dân ca ở trong nhà trường sẽ được tổ chức thường xuyên - là một hình thức để lưu giữ và bảo tồn Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đó cũng là cách để Dân ca ví, giặm không bị mai một mà sẽ tiếp tục được lan tỏa.
Hội thi hát dân ca trong trường học của huyện Nam Đàn - đơn vị đang giữ vị trí “Quán quân” trong mùa thi trước cũng đã để lại những dư âm đẹp cho giáo viên, học sinh toàn ngành.
Một tiết mục tham gia Hội thi Hát dân ca trong trường học huyện Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà |
Hội thi diễn ra trong điều kiện nắng nóng nhưng hội trường của huyện đã chật cứng người tới theo dõi và cổ vũ. Với 20 tiết mục xuất sắc được tuyển chọn từ các hội thi cấp trường, cấp cụm, các đội thi đã đem đến nhiều chương trình hấp dẫn. Nét mới của hội thi là các tiết mục được dàn dựng công phu, nhiều tiết mục được viết lời mới với nội dung trong sáng, lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi học đường.
Thông qua hội thi nhằm giữ gìn, phát huy, lan tỏa, nâng cao nhận thức về các làn điệu Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và tiếp tục duy trì phong trào hát dân ca trong các nhà trường, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, đất nước. Những tiết mục xuất sắc nhất cũng đã được ban tổ chức lựa chọn để tham dự hội thi cấp tỉnh.
Chia sẻ về lần tham dự này, cô giáo Nguyễn Thị Lan - 1 trong 2 giáo viên chính tổ chức chương trình cho các trường thuộc cụm 3 (Kim Liên - Nam Giang - Nam Cát) cho biết: Phần trình diễn của đội chúng tôi gồm 4 bài hát, đó là bài “Khúc ca ngành Giáo dục Nam Đàn”, “Thiếu nhi làm theo lời Bác”, “Lời mẹ hát” và bài “Xứ Nghệ quê mình”. Tất cả tiết mục đều có sự liên kết với chủ đề chính là dạy dân ca trong nhà trường, giúp học sinh cảm nhận và yêu thêm các làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Trong các tiết mục này, tiết mục “Thiếu nhi làm theo lời Bác” do cô giáo Lê Thị Bích Thủy viết lời từ chính thực tế những việc làm ý nghĩa của các em ở nhà trường... Đây cũng là tiết mục giành giải Nhất của huyện Nam Đàn tại hội thi năm nay và điều đặc biệt, tất cả các tiết mục chủ yếu là do học sinh ở bậc tiểu học biểu diễn. Qua đó, cũng cho thấy, việc dạy và hát dân ca ở huyện Nam Đàn được các nhà trường rất quan tâm và bồi dưỡng, vun đắp từ khi các em còn rất nhỏ.
Góp phần lan tỏa, gìn giữ Dân ca ví, giặm xứ Nghệ
Đến thời điểm này, Hội thi Hát dân ca trong trường học đã được hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh tổ chức. Hội thi không chỉ tạo dấu ấn ở vòng thi cấp huyện, mà đã tổ chức sôi nổi từ các hội thi cấp trường, cấp cụm với nhiều cách làm sáng tạo.
Tại Trường Tiểu học Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), ngay sau khi có kế hoạch của thị xã, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các bậc học cùng triển khai và lên kế hoạch tập luyện. Từ khoảng 3 tuần trở lại đây, vào thứ Hai hàng tuần, giờ chào cờ của nhà trường sẽ trở thành Hội thi Hát dân ca giữa các khối lớp. Riêng tiết mục hay nhất sẽ được quay clip để gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã lựa chọn để tham dự hội thi cấp thị xã.
Tiết học Âm nhạc của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nghi Hương. Ảnh: Mỹ Hà |
Cô giáo Trương Hà Thương Hoài - giáo viên dạy Âm nhạc cho biết: Việc dạy và hát dân ca đã trở thành hoạt động thường xuyên của trường và được chúng tôi tổ chức theo hình thức ngoại khóa. Tôi cho rằng, để lan tỏa phong trào, không chỉ có vai trò của giáo viên dạy Âm nhạc mà còn của tất cả các giáo viên khác và nếu được tuyên truyền, được tổ chức thường xuyên thì việc dạy và hát dân ca sẽ hiệu quả. Hơn thế, dân ca vào trường học cũng rất phù hợp, vì dân ca không chỉ là âm nhạc mà còn có ý nghĩa giáo dục, dạy làm người, là cốt cách, là đạo đức của người xứ Nghệ.
Những bài hát dân ca lời mới góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước. Ảnh: NTCC |
Từ thành công của các hội thi cấp cơ sở, Ban Tổ chức cũng kỳ vọng hội thi cấp tỉnh dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 5 sẽ đem đến nhiều tiết mục hay và ý nghĩa. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ và thông qua các bài hát sẽ gieo vào tâm hồn các thế hệ học trò tình yêu gia đình, yêu thầy cô, bạn bè và yêu quê hương, đất nước./.