Gia cảnh éo le của cặp vợ chồng sắp cưới tử vong trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
(Baonghean.vn) - Do hoàn cảnh quá khó khăn, nên dù đã về nhà chồng ở và có với nhau đứa con trai 7 tháng tuổi, nhưng cặp đôi trẻ vẫn chưa thể tổ chức đám cưới. Cả 2 dự định sau chuyến vào miền Nam làm thuê này sẽ về làm đám cưới, nhưng không may gặp nạn giữa đường.
Dự định dang dở
Chiều 12/3, chính quyền địa phương và gia đình đã tổ chức mai táng cho anh Cụt Văn S. (20 tuổi, bản Khe Nạp, xã Bảo Nam, Kỳ Sơn). Anh S. là một trong 2 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào 2 ngày trước. Nạn nhân còn lại là vợ sắp cưới của Sơn, chị Cụt Thị Ph. (17 tuổi).
Mặc dù cả hai đã có với nhau cậu con trai 7 tháng tuổi, chị Ph. cũng đã dọn về nhà anh S. ở gần 1 năm nay, nhưng do chưa làm thủ tục đám cưới nên đám tang của 2 vợ chồng xấu số diễn ra hai nơi. Chiếc xe cấp cứu sau khi chở thi thể người chồng về xã Bảo Nam lại phải vội vã quay xe, ngược lên xã Phà Đánh cách đó hơn 50km để bàn giao thi thể chị Ph. cho bố mẹ đẻ lo mai táng.
Trong căn nhà sàn xiêu vẹo nằm chênh vênh trên sườn núi, là những tiếng khóc nấc nghẹn của vợ chồng ông Cụt Phò Bảy, bố mẹ đẻ của S. “Trước khi lên xe khách vào Nam làm thuê, vợ chồng nó còn vui vẻ kể về những dự định. Không ngờ, tất cả mãi dang dở”, ông Bảy nói, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ.
Ở xã Bảo Nam, gia đình ông Bảy thuộc diện đặc biệt khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Cũng như những cặp vợ chồng người Khơ Mú khác ở bản Khe Nạp, vợ chồng ông Bảy sinh nhiều, tới 5 người con. Trong đó, S. là con trai thứ 2. Mặc dù năm nay mới 42 tuổi, nhưng ông Bảy đã có tới 3 cháu nội. Người con trai cả kết hôn đã lâu, 2 con nay đã học tiểu học. Tuy nhiên, vì gia cảnh khó khăn, nên cả đại gia đình hơn 10 người vẫn phải sống chung trong căn nhà sàn chật chội.
Mới đây, gia đình ông Bảy được Bộ Công an tặng căn nhà lắp ghép bằng tôn. Lúc này, vợ chồng người con trai đầu mới có chỗ để ra ở riêng, còn cả gia đình vẫn sống trong nhà sàn làm bằng ván gỗ tạp, tranh tre.
Ông Bảy kể, vì gia cảnh khó khăn nên S. bỏ học từ nhỏ, theo cha mẹ lên rẫy để phụ giúp. Lớn hơn một chút, S. theo thanh niên trong bản vào tận Bình Phước để cạo mủ cao su thuê. Cách đây 2 năm, S. quen với Cụt Thị Ph. khi cả 2 cùng làm việc trong nông trường cao su. “2 đứa cũng muốn cưới lắm, nhưng không có tiền. Sau khi mang bầu, Ph. dọn đến nhà chúng tôi sống luôn. Chúng tôi đã coi nó như con dâu từ lâu, dù chưa làm thủ tục gì. Cả hai dự định, chờ con trai cứng cáp gửi lại cho ông bà nội chăm, rồi tiếp tục vào Bình Phước cạo mủ cao su thuê, kiếm tiền về tổ chức đám cưới. Ai ngờ, áo tang lại thay áo cưới”, ông Bảy nói.
Theo ông Cụt Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam, gia đình ông Bảy thuộc diện khó khăn nhất nhì xã. “Gia cảnh của nạn nhân rất éo le. Dù có con rồi nhưng vẫn không có tiền để tổ chức đám cưới. Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND xã đã đến động viên, thăm hỏi, trao quà hỗ trợ. Xã cũng cắt cử cán bộ hỗ trợ gia đình tổ chức mai táng”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, tại xã Phà Đánh, chính quyền địa phương và gia đình cũng đã tổ chức mai táng cho chị Cụt Thị Ph. vào chiều 12/3. Theo bà Vi Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Phà Đánh, bố mẹ đẻ của chị Ph. cũng thuộc diện khó khăn nhất của xã. “Rất buồn là 2 vợ chồng lại phải tổ chức đám tang 2 nơi, không được chôn cất gần nhau. Mặc dù họ có con với nhau, sống với nhau như vợ chồng rồi nhưng do chưa tổ chức đám cưới, chưa làm các thủ tục nên phong tục địa phương, vẫn phải đưa người vợ về nhà bố mẹ đẻ”, bà Thanh nói.
Ph. là con gái đầu trong gia đình có 4 chị em. Nhiều năm nay, bố mẹ Ph. thường xuyên vào miền Nam cạo mủ cao su thuê. 4 chị em đành phải nương tựa nhau trong căn nhà sàn dột nát. Cũng vì trọng trách chăm lo cho các em, Ph. chín chắn hơn so với những đám bạn cùng trang lứa. Học chưa hết cấp 2, Ph. cũng theo bố mẹ vào miền Nam làm thuê, các em gửi lại cho hàng xóm trông nom.
“Nhà chồng cũng nghèo mà nhà vợ lại càng nghèo hơn. Nên 2 đứa vẫn chưa thể làm đám cưới. Cũng may mới đây bố mẹ đẻ của Ph. được Bộ Công an tặng căn nhà nên có chỗ trú tránh. Còn căn nhà sàn cũ, mỗi lần mưa gió, không có chỗ nào không dột cả”, Chủ tịch UBND xã Phà Đánh nói thêm.
Sáng ngày 10/3, chị Ph. gọi điện thoại cho bố mẹ đẻ, hẹn gặp nhau ở miền Nam rồi cùng chồng lên chuyến xe định mệnh. “Vợ chồng chúng tôi ban đầu cũng định lên chuyến xe đó đi cùng 2 con. Nhưng sau đó có việc nên hoãn lại, định ngày mai bắt chuyến xe khác. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi đang chuẩn bị hành lý để vào Nam thì nghe tin dữ”, ông Cụt Văn Kiệm kể.
Chuyến xe định mệnh
Hơn 2 ngày sau vụ tai nạn, 8 nạn nhân bị thương vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở hai ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Theo các nạn nhân, xe khách 2 chỗ ngồi, 44 chỗ nằm của nhà xe Dương Thảo xuất phát từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn sáng 10/3. Gần 40 hành khách là lao động trẻ người dân tộc Khơ Mú, trú huyện miền núi Kỳ Sơn vào Đông Nam Bộ và Tây Nguyên làm thuê cạo mủ cao su, nhặt hạt điều. 18h30, sau khi dừng ăn tối ở tỉnh Quảng Trị, tài xế Lê Hoàng Quân cho xe giường nằm chạy theo Quốc lộ 9, sau đó rẽ lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Biết cao tốc không có đèn, vừa xảy ra tai nạn nghiêm trọng, tài xế cho xe đi chậm. Đèn trên xe cũng tắt để hành khách chợp mắt sau hành trình dài từ Nghệ An vào.
Khoảng 19h40, trời tối hẳn, mưa lất phất, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vắng dần phương tiện. Đoạn đường này chỉ rộng 12 m, có hai làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, không có đèn đường, tài xế nhận diện làn đường bằng vạch sơn phản quang. Chiếc xe giường nằm đang lao đi thì gặp phải xe tải dừng đỗ chiếm gần nửa làn đường bên phải. Tài xế Quân cho biết bị bất ngờ nên đánh lái sang trái. Tuy nhiên, chỉ đầu xe tránh được, đuôi xe bị xé toạc do va chạm với đuôi ô tô tải. Để tránh cho xe khỏi lật, tài xế vẫn chạy thêm khoảng 500 m mới dừng hẳn.
Nằm ở giường tầng một thứ ba từ dưới lên, chị Lương Thị Bích (23 tuổi, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn), kể về khoảnh khắc va chạm: "Tôi đang thiu thiu ngủ, bất ngờ thấy xe chao đảo mạnh, sau đó là tiếng nổ lớn. Choàng tỉnh, quay lại phía sau tôi thấy đuôi xe trống hoác, cặp vợ chồng trẻ không thấy đâu". Bị mắc kẹt trong đống khung sắt với vết rách ở đầu, chị Bích vẫn cố nhỏm dậy, thấy chồng ôm con trai 2 tuổi đang lại gần. Một số thanh niên ngồi ở đầu xe đã đưa chị xuống vệ đường nghỉ ngơi, chờ xe cấp cứu tới.
Trời tối om, giữa tiếng kêu khóc vì hoảng loạn và đau, mọi người rọi đèn quay lại vị trí va chạm, thấy vợ chồng Cụt Văn S. và Cụt Thị Ph. bị văng xuống lề đường, tử nạn tại chỗ. Mảnh vỡ, đồ đạc rơi khắp đường. Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở hai cho biết, 3 nạn nhân bị thương nặng là anh Cụt Văn Huyên, 25 tuổi, gãy gai sau đốt sống L4; anh Cụt Văn Xuân, 32 tuổi xuất huyết não, gãy xương mũi; chị Cụt Thị Phuôn, 27 tuổi vỡ xương bánh chè. 5 người còn lại bị chấn thương phần mềm.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, thời điểm tai nạn xe tải của doanh nghiệp San Hiền do tài xế Phan Đình Thành, 36 tuổi cầm lái bị nổ lốp nên dừng khẩn cấp. Tài xế Thành đã không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm để cảnh báo các phương tiện khác. Tài xế xe giường nằm Lê Hoàng Quân không chú ý quan sát, không phát hiện ra xe tải phía trước nên đã đâm va. Hai tài xế không có cồn và ma túy. Về tốc độ xe, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin lúc 18h49, cách thời điểm tai nạn khoảng một tiếng, xe giường nằm chạy 51 km/h. Hai phương tiện còn thời hạn kiểm định.
Trong công điện ngày 11/3, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới gia đình nạn nhân tử vong, chỉ đạo Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị với các cơ quan để đánh giá nguyên nhân, khắc phục bất cập trên cao tốc. Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn./.