Gia hạn START, Mỹ 'cài đặt' lại quan hệ với Nga?

Diệp Khanh 28/01/2021 07:37

(Baonghean.vn) - Ngay sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Điện Kremlin đã ra thông báo hai bên đạt thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (Hiệp ước START mới). Gia hạn Hiệp ước START mới là quyết sách đối ngoại lớn đầu tiên của Joe Biden với Nga, và tính chất tích cực của quyết định này khiến nhiều người liên tưởng tới một bầu không khí thiện chí hơn trong quan hệ Mỹ - Nga dưới thời ông Joe Biden. Nhưng những người theo trường phái thận trọng lại cho rằng, chỉ với Hiệp ước START, kỳ vọng vào khả năng “cài đặt” lại quan hệ Mỹ - Nga là quá sớm.

Quyết sách đúng thời điểm

Theo thông báo của Điện Kremlin, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự hài lòng khi hai bên đã trao đổi công hàm về việc đạt được thỏa thuận gia hạn Hiệp ước START mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đệ trình lên Duma Quốc gia Nga dự luật phê chuẩn thỏa thuận gia hạn START mới, và trong những ngày tới, hai bên sẽ khẩn trương rà soát các thủ tục cần thiết để hoàn tất gia hạn hiệp ước trước ngày 5/2 - thời điểm hiệp ước hết hạn.

Khi còn là Phó Tổng thống của ông Barack Obama, ông Joe Biden từng gặp gỡ ông Vladimir Putin vào năm 2011. Ảnh: AP
Khi còn là Phó Tổng thống của ông Barack Obama, ông Joe Biden từng gặp gỡ ông Vladimir Putin vào năm 2011. Ảnh: AP

Đây là một bước tiến nhanh và đột phá nếu nhìn lại sự bế tắc trong quá trình đàm phán gia hạn hiệp định trong suốt những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

Khi đó, Mỹ đã đưa ra các điều kiện mà phía Nga cho rằng không thể chấp nhận liên quan đến sự tham gia của Trung Quốc hay bổ sung các chế độ kiểm chứng việc thực thi thỏa thuận. Tuy nhiên, chính quyền mới của ông Joe Biden đã có sự thay đổi căn bản về cách tiếp cận trong vấn đề START, phù hợp với định hướng đối ngoại chung của Mỹ trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Tổng thống mới. Đó là giai đoạn mà ông Joe Biden phải tập trung giải quyết các vấn đề trong nước như dịch bệnh Covid-19, khôi phục kinh tế và hàn gắn chia rẽ xã hội.

Việc nhanh chóng gia hạn START mới được cho là quyết định mang tính thời điểm của ông Joe Biden, khi hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2 tới. Nếu để hiệp ước hết hiệu lực, kéo theo khả năng xuất hiện cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới sẽ là một bất lợi, gây thêm một khó khăn không cần thiết cho chính quyền mới của ông Joe Biden.

Phía Mỹ cũng tính toán rằng, nhiều điểm trong Hiệp ước START đã lỗi thời và bộc lộ những bất cập, vì vậy, việc gia hạn thêm 5 năm sẽ giúp các nhà đàm phán Nga - Mỹ có thêm thời gian xây dựng một hiệp ước mới, có thể có thêm các quốc gia khác cùng tham gia như Pháp, Anh, và xa hơn có thể cả Trung Quốc.

START mới là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga và Mỹ, do đó, khung pháp lý của hiệp ước có thể là cơ sở và nền tảng duy nhất để hướng tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Ông Joe Biden (ngoài cùng bên phải) tới Liên Xô để bàn về kiểm soát vũ khí năm 1988. Ảnh: Getty
Ông Joe Biden (ngoài cùng bên phải) tới Liên Xô để bàn về kiểm soát vũ khí năm 1988. Ảnh: Getty

Dù vậy, trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng có những ý kiến trái chiều về quyết định của ông Joe Biden, coi đây là một quyết định thiệt thòi cho Mỹ. Ông Marshall Billingslea - Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí của ông Donald Trump cho rằng, quyết định của ông Joe Biden “thể hiện sự thiếu kỹ năng đàm phán một cách trầm trọng” và đội ngũ của tân Tổng thống đã lãng phí ưu thế quan trọng nhất mà Mỹ có được với Nga.

Theo ông Billingslea, cách tiếp cận tốt hơn của Nga là gia hạn START trong một thời gian ngắn dựa trên các điều kiện về giới hạn sản xuất số lượng đầu đạn mà Tổng thống Putin đã chấp nhận. Nhưng nhận định này cũng vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia khi cho rằng, chính quyền của ông Biden vẫn có thể tìm được những cách thức khác để gây sức ép lên Nga liên quan đến những quan ngại về “vũ khí hạt nhân chiến thuật” – những loại vũ khí mà Nga có thể triển khai tại các khu vực xung đột gần biên giới, khác với các loại vũ khí chiến lược chủ yếu nhằm vào Mỹ.

Ngoài ra, đề xuất của Tổng thống Joe Biden cũng được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm khẳng định vai trò của Mỹ trong thực hiện mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Giữ nguyên hiện trạng

Việc gia hạn Hiệp ước START mới được đánh giá là bước đi tích cực giúp cải thiện niềm tin giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở mức rất thấp, có thể mở đường cho các sáng kiến giúp 2 nước quay lại giải quyết các hiệp ước quan trọng khác, ví dụ như Hiệp ước Bầu trời Mở mà cả Nga và Mỹ đều đã tuyên bố rút lui.

Nhưng theo giới phân tích, việc gia hạn Hiệp ước START mới xuất phát từ chính lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, vì thế, vẫn còn quá sớm nếu nhìn vào bước đi này để nhận định về khả năng “cài đặt” lại quan hệ Nga - Mỹ dưới thời ông Joe Biden.

Nga – Mỹ đạt thỏa thuận gia hạn Hiệp ước START mới. Ảnh: Anxios
Nga – Mỹ đạt thỏa thuận gia hạn Hiệp ước START mới. Ảnh: Anxios

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng đã khẳng định sau cuộc điện đàm giữa 2 Tổng thống, đó là ngay cả khi hợp tác với Nga để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, thì Mỹ vẫn luôn nỗ lực để buộc Nga phải “chịu trách nhiệm về những hành động đối địch và liều lĩnh” của mình.

Cuộc điện đàm hôm 26/1 giữa ông Biden và ông Putin đã phần nào chứng minh nhận định này khi bên cạnh Hiệp ước START, ông Joe Biden đã đề cập một cách trực diện hàng loạt vấn đề nóng khác trong quan hệ song phương, trong đó, có hành động của Nga tại Ukraine - một đồng minh quan trọng của Mỹ.

Không chỉ nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền của Ukraine, ông Joe Biden đã thẳng thừng cáo buộc vai trò của Nga trong 4 vấn đề mà Mỹ coi là “mối đe dọa an ninh cấp cao”, cho dù phía Nga luôn phủ nhận: Đó là cuộc tấn công mạng của công ty công nghệ SolarWinds của Nga nhằm các công ty tư nhân và cơ quan Chính phủ Mỹ; đó là nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ, trong đó, có lan truyền thông tin sai lệch về ông Joe Biden và con trai là Hunter Biden; đó là cáo buộc Nga cung cấp tiền thưởng cho các tay súng cực đoan ở Afganistan để sát hại binh lính Mỹ; là cáo buộc Nga đầu độc đối thủ chính trị Alexei Navalny.

Những nội dung trong cuộc điện đàm đầu tiên đã chuyển tải thông điệp rõ ràng của ông Biden, đó là Mỹ sẽ hành động một cách cương quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước các hành động của Nga, bao gồm cả thực hiện các biện pháp trừng phạt để đảm bảo Nga sẽ không bao giờ có thể hành động thiếu cẩn trọng mà không tính tới hậu quả. Ngay trước khi điện đàm với ông Putin, ông Biden cũng đã điện đàm cho Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg để khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thiết lập “bức tường thành chống lại sự xâm lược của Nga”.

Ông Biden được cho là có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump. Ảnh: Getty
Ông Biden được cho là có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump. Ảnh: Getty

Thực ra ngay từ đầu, rất nhiều người tỏ ra thận trọng với quan hệ Mỹ - Nga dưới thời ông Joe Biden. Mặc dù mới nhậm chức tuần trước, nhưng ông Joe Biden đã có lịch sử lâu dài làm việc với Nga và hầu hết là khá lạnh nhạt. Ngay từ năm 1988, thời điểm gần kết thúc Chiến tranh Lạnh, ông Joe Biden lúc đó còn là một Thượng nghị sĩ đã tới Liên Xô để đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí.

Sau này, khi làm Phó Tổng thống cho ông Barack Obama, ông Joe Biden càng có nhiều cơ hội làm việc với Nga hơn, và ông Biden từng có nhận xét về Tổng thống Putin mà truyền thông nhắc đi, nhắc lại rất nhiều, đó là “tôi không nghĩ ngài có linh hồn”. Bản thân Nga cũng không trông chờ vào khả năng cải thiện quan hệ với Mỹ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống. Ngay khi ông Joe Biden còn đang tranh cử, Điện Kremlin đã lên án “luận điệu chống Nga” của ông. Một số quan chức cấp cao hiện nay của Nga cũng thừa nhận rằng Tổng thống Biden có khả năng duy trì lập trường thù địch hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump, vì thế Nga “không mong đợi điều gì tốt đẹp”.

Dù Nga và Mỹ vẫn còn quá nhiều hoài nghi về đối thủ, song giới phân tích cho rằng, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, ông Joe Biden sẽ có cách tiếp cận “giữ nguyên hiện trạng”, nghĩa là không gây thêm tổn hại trong mối quan hệ song phương với Nga, nhưng cũng không có nhu cầu cấp thiết để hàn gắn những tổn hại hiện có.

Những tuyên bố của cá nhân ông Joe Biden và các quan chức ở Washington đến thời điểm này cho thấy, phía Mỹ cũng không hy vọng “cài đặt” lại quan hệ với Nga, và thay vào đó sẽ kiểm soát tốt những khác biệt, tránh đẩy lên nấc thang căng thẳng mới vì lợi ích của chính nước Mỹ.

Mới nhất

x
Gia hạn START, Mỹ 'cài đặt' lại quan hệ với Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO