Giá không tăng, sức mua vẫn giảm

17/10/2012 16:14

(Baonghean) - Năm nay, cùng với những biến động suy thoái của nền kinh tế, các mặt hàng kinh doanh thiết yếu cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi trên thị trường về giá cả và sức mua. Bước vào tháng 10, các mặt hàng phong phú về chủng loại, giá cả không lên nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm.

Thời điểm này, tại  Siêu thị Big C (TP.Vinh), hàng hóa bắt đầu đổ về nhiều, hình thức phong phú, nhiều chương trình khuyến mãi, tuy nhiên, sức mua vẫn yếu. Chị Trần Thị Hiền, nhân viên bán quần áo, giày dép trẻ em tại Siêu thị Big C, cho biết: Năm nay quần áo trẻ em khó bán hơn mọi năm, khách hàng đến thưa, chỉ tập trung vào dịp lễ, trung thu. Đa số họ đều hỏi mua quần áo cho con có nhãn mác Việt Nam sản xuất với giá bình dân. Các mặt hàng áo quần nhập khẩu của Trung Quốc, Thái Lan giá cao hơn không thấy khách hỏi nhiều như trước”.



Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá thu hút khách hàng tại Siêu thị Big C

Các mặt hàng xuất nhập khẩu nông sản và hàng hóa thực phẩm công nghệ như đường kính, dầu ăn, thuốc lá, diêm, các hãng bia, rượu Hà Nội, Sài Gòn, bánh kẹo Hữu Nghị, nước uống..., hiện nay tuy chưa có kế hoạch chỉ tiêu giao của tỉnh về nguồn hàng cụ thể cho dịp mua sắm cuối năm, song, theo nhận định của nhiều người, xu thế năm nay sức tiêu thụ hàng hóa ra thị trường giảm từ 5-10% so với mọi năm, nhất là các mặt hàng gạo tẻ, đường, bia rượu…dù giá thành hạ nhẹ như đường trắng đầu năm nay giá 17,5 ngàn /kg nay hạ còn 15 ngàn đồng/kg, gạo tẻ giá 10 ngàn/kg xuống còn 8 ngàn đồng/kg... Lãnh đạo Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản cho biết: Hàng năm công ty được tỉnh giao dự trữ 2 mặt hàng bình ổn giá, đó là khoảng 100 tấn đường kính và từ 15-30 ngàn lít dầu ăn. Năm nay, sức tiêu thụ các sản phẩm kém, chậm, nên kế hoạch chỉ tiêu cụ thể cho việc kinh doanh cuối năm không có gì biến động.

Nguyên nhân của thực trạng trên được đánh giá do yếu tố suy giảm của nền kinh tế liên quan đến thu nhập và đồng tiền mặt trong dân không có, điều này khiến doanh nghiệp, công ty không dám găm hàng đợi thời cơ, nhất là các mặt hàng công nghệ nông sản. Theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm thương mại Hữu Nghị thì xu thế thị trường năm nay “sốt” cục bộ, nghĩa là người tiêu dùng đổ xô mua tùy đợt và tập trung vào các dịp lễ... Đa phần tâm lý người dân đã bắt đầu thờ ơ với những mặt hàng nhập ngoại, nhất là các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc, chuyển sang xu thế lựa chọn các mặt hàng thiết yếu do Việt Nam sản xuất vì giá rẻ, lại đảm bảo an toàn về chất lượng sản phẩm.

Cũng theo ông Thái, để ứng phó với những khó khăn về tình hình biến động của thị trường và tài chính, các mặt hàng kinh doanh của công ty như bia rượu, bánh kẹo, thuốc lá, nước uống.. .từng chiếm lĩnh thị trường chợ Vinh thì đến nay công ty phải xây dựng và mở rộng mạng lưới bán lẻ tới vùng sâu của các huyện như Quỳ Hợp, Mường Xén để tăng doanh thu. Công ty đầu tư xe vận tải, hỗ trợ giao hàng tận nơi và có thế chấp hỗ trợ vốn cho khách hàng, đại lý. Đặc biệt, để khắc phục những khó khăn về thị trường , các doanh nghiệp và nhà sản xuất đã và đang đưa ra nhiều gói kích cầu, khuyến mãi để hấp dẫn thị trường.

Hiện nay, các đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu và thương mại đang tập trung chuẩn bị nguồn tài chính để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Với sức mua yếu, dự báo giá hàng hóa của các mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng vào dịp Tết.


Lương Mai

Mới nhất
x
Giá không tăng, sức mua vẫn giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO