Giá lúa gạo hôm nay 11/12/2024: Tăng giảm trái chiều
Giá lúa gạo hôm nay 11/12/2024: Tăng giảm trái chiều, biến động nhẹ với gạo, tăng cao với lúa tươi.
Giá lúa gạo trong nước
Tại nhiều địa phương hôm nay, nguồn ít, giao dịch chậm, giá giữ mức cao. Tại Bạc Liêu, nông dân chào bán nhiều lúa thơm, giá lúa tương đối bình ổn, nhu cầu hỏi mua ít. Tại An Giang, giao dịch mua bán chậm, nguồn ít, giá neo cao.
Tại Sóc Trăng, nguồn lúa có lai rai, rải rác tại một số huyện, giao dịch mua bán chậm, giá chững. Tại Long An, giá ít biến động, sức mua mới yếu. Tại Đồng Tháp, lúa Đông Xuân sớm giao dịch ít, giá lúa nông dân chào cao.
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa (tươi) hôm nay tiếp tục biến động mạnh. Cụ thể, giá lúa OM 18 (tươi) tăng 200 đồng dao động ở mốc 9.200 - 9.400 đồng/kg; Lúa Đài Thơm 8 (tươi) tăng 300 đồng dao động ở mốc 9.200 - 9.400; Lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động ở mốc 8.600 - 8.800; lúa OM 380 dao động ở mức 7.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 dao động ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; Lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu IR 504 giảm 50 đồng/kg dao động ở mức 10.150 - 10.300 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở mức 12.300 - 12.400 đồng/kg.
Ghi nhận tại các địa phương hôm nay, gạo về lai rai lượng ít, giá các loại kho mua giảm nhẹ, giao dịch chậm. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp) gạo nguyên liệu các loại giá giảm nhẹ. Tại Lấp Vò (Đồng Tháp), gạo về lai rai lượng ít, giá các loại kho mua vững giá, gạo ngang và OM 5451 kho mua giảm nhẹ, gạo thơm bình giá.
Kênh chợ Sa Đéc, lượng ít, kho chợ mua đều gạo thơm, giá các loại kho mua vững. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), gạo có lai rai, giá giảm 200 đồng/kg so với hôm qua, đa số mặt gạo yếu, gạo chung chung, ít gạo đẹp
Tại các chợ lẻ giá gạo đi ngang so với hôm qua. Gạo thường dao động ở mốc 17.000 - 18.000 đồng/kg. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg. Gạo thơm chào giá cao dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 21.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.500 đồng/kg.
Với phụ phẩm, giá các mặt hàng phụ phẩm dao động trong khoảng từ 5.900 - 9.100 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm dao động ở mốc 9.000 - 9.100 đồng/kg; giá cám khô giảm 50 đồng/kg dao động ở mốc 5.900 - 6.000 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay giảm nhẹ so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 100% tấm ở mức 405 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 513 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 480 USD/tấn.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, với gần 8,5 triệu tấn, trị giá 5,31 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% về lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây là một thành công ấn tượng, bởi trong năm 2023, xuất khẩu gạo của cả nước chỉ đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,67 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường gạo đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt, đặc biệt là phân khúc gạo cấp thấp.
Gạo cấp thấp, như gạo 5% tấm và 25% tấm, đang bị điều chỉnh giảm mạnh do ảnh hưởng của việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và xả kho gạo giá rẻ. Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện chỉ còn 513-517 đô la Mỹ/tấn, giảm 56 đô la Mỹ/tấn so với trước khi Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu trở lại vào cuối tháng 9-2024. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7-2023. Tình hình tương tự cũng xảy ra với gạo của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Pakistan, khiến giá gạo cấp thấp trên thị trường thế giới giảm đồng loạt.
Mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2024 đạt kết quả ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp trong ngành dự báo rằng thành tích này sẽ khó được duy trì trong năm 2025. Ông Thành, đại diện của Angimex, cho rằng khi vụ đông xuân 2024-2025 bước vào giai đoạn thu hoạch, giá gạo sẽ chịu ảnh hưởng từ việc Indonesia và Philippines giảm mua vào do đã đạt lượng nhập khẩu kỷ lục trong năm 2024. Thêm vào đó, việc nông dân chuyển sang sản xuất gạo chất lượng cao sẽ làm tăng nguồn cung và tạo áp lực giảm giá.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi, cũng nhận định rằng gạo giá rẻ từ Ấn Độ sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Nhu cầu gạo công nghiệp tại Việt Nam có thể vẫn phải dựa vào nguồn cung từ Ấn Độ, và sự dịch chuyển sản xuất của nông dân sang các giống lúa chất lượng cao cũng có thể khiến giá gạo giảm, thậm chí có thể kéo giá gạo thơm và chất lượng cao giảm theo.
Trong bối cảnh này, kịch bản xấu nhất là giá gạo chất lượng cao có thể giảm mạnh, thậm chí xuống mức ngang bằng với giống gạo cấp thấp như IR 50404 hoặc OM 380, điều này đã từng xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn kỳ vọng vào kịch bản lạc quan hơn, với hy vọng giá gạo sẽ giảm, nhưng không quá sâu. Trong khi đó, với triển vọng nhu cầu gạo trên thế giới giảm, một kỳ tích xuất khẩu gạo Việt Nam như năm 2024 có thể khó được lặp lại trong năm 2025.