Giá lúa gạo hôm nay 7/1/2025: Lúa gạo tiếp tục giảm mạnh
Giá lúa gạo hôm nay 7/1/2025: Giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh trước vụ thu hoạch Đông Xuân. Tuy nhiên, dự báo năm 2025 nhu cầu vẫn ở mức cao, nên cần có giải pháp chặn đà rơi của giá lúa gạo để chờ cơ hội ở giai đoạn sau.
Giá lúa gạo trong nước
Theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang hiện gạo nguyên liệu IR 504 giảm 1.200 đồng/kg dao động ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giảm 300 đồng/kg dao động ở 10.000 - 10.200 đồng/kg.
Ghi nhận tại các địa phương hôm nay, lượng có ít, giá gạo các loại giảm so với cuối tuần trước, giao dịch mới chậm. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp) lượng về lai rai, các kho xuất vẫn mua cầm chừng, thậm chí ngưng mua, gạo nguyên liệu các loại giá chưa ổn định, giảm nhẹ tiếp.
Tại An Giang, thị trường giao dịch mới chậm, giá gạo giảm. Tại Lấp Vò - Vàm Cống (Đồng Tháp), lượng về khá, các kho ít mua nên dồn gạo, giá giảm so với cuối tuần.
Kênh chợ Sa Đéc (Đồng Tháp), lượng có ít, các ghe khó bán, các kho gạo chợ mua chậm, gạo các loại kho mua giá giảm. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), về lượng lai rai, thương lái mua chậm, ít gạo đẹp, giá gạo các loại giảm.
Tại các chợ lẻ, gạo bình giá so với hôm qua. Gạo thường dao động ở mốc 16.000 - 17.000 đồng/kg. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg. Gạo thơm chào giá cao dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 21.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.500 đồng/kg.
Tương tự, với mặt hàng lúa, giao dịch mới tiếp tục chậm, nông dân chào giá giảm. Theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động ở mốc 8.400 - 8.500 đồng/kg; lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 8.700 - 8.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 8.800 – 8.900 đồng/kg; lúa OM 380 ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại nhiều địa phương hôm nay, giao dịch lúa ngưng trệ do giá gạo biến động liên tục và giảm sâu. Tại Sóc Trăng, vắng người mua, giao dịch ngưng trệ. Tại Đồng Tháp, thương lái bỏ cọc lúa nhiều, nông dân chào bán lại giá thấp nhưng vẫn vắng người mua.
Tại Bạc Liêu, giao dịch lúa mới ngưng trệ, thương lái chủ yếu lấy lúa, xin giá. Tại Kiện Giang, giao dịch lúa mới ngưng trệ, nông dân chào bán giá lúa thấp nhưng không có người mua.
Giá phụ phẩm các loại hôm nay ghi nhận biến động trái chiều với giá tấm thơm và cám khô, dao động trong khoảng 6.000 - 7.600 đồng/kg. Hiện, giá cám khô tăng 50 đồng/kg, ở mức 6.000 - 6.050 đồng/kg; tấm thơm giảm 200 - 400 đồng/kg, dao động 7.400 – 7.600 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay giảm đến 51 USD/tấn với gạo 100% tấm, chỉ còn 332 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% giữ ở mức 473 USD/tấn; gạo 25% tấm hiện ở mức 438 USD/tấn.
Giá lúa gạo giảm khiến nông dân lo lắng, nhưng về cơ bản nhu cầu năm nay vẫn cao. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, nhu cầu tiêu thụ và thương mại gạo năm 2025 của thế giới vẫn ở mức cao.
Đặc biệt thị trường lớn nhất thế giới là Philippines sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu gạo và đạt đến con số kỷ lục là 5,4 triệu tấn. Bên cạnh đó là sự tham gia trở lại thị trường của khách hàng lớn như Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và DN, thị trường đang bị tác động mạnh bởi yếu tố chính trị từ các nước nhập khẩu lớn.
Do gạo là mặt hàng lương thực quan trọng nên các chính phủ đều muốn kiểm soát giá và đưa về mức thấp nhất có thể. Như Philippines, giữa năm ngoái chính phủ nước này giảm thuế nhập khẩu với mục đích giảm giá gạo nội địa nhưng thời gian qua giá gạo vẫn không giảm. Để đối phó vấn đề này, Philippines đã tiến hành điều tra một số DN lớn.
Bên cạnh đó, nước này không cho phép DN dán nhãn gạo chất lượng cao với sản phẩm nhập khẩu nhằm tránh tình trạng nâng giá bán. Những yếu tố này làm ảnh hưởng nhiều đến sức mua của thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Đối với nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, họ chiếm lĩnh thị trường châu Phi với giá thấp nên gạo VN cũng khó cạnh tranh.
Với Indonesia, nước này liên tục tuyên bố sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2025. Cũng không loại trừ khả năng đó là một đòn tâm lý trên thị trường của các nhà làm chính trị nhằm hạ cơn sốt giá gạo những năm gần đây.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Philippines có thể quay trở lại thị trường, giúp giảm áp lực giá.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới trong năm 2025, với lượng nhập khẩu kỷ lục 5,4 triệu tấn, tạo cơ hội phục hồi giá cho gạo Việt Nam.