Giá lúa gạo tăng kỷ lục trong hơn 10 năm qua: Nông dân hưởng lợi

Phú Hương 07/08/2023 07:15

(Baonghean.vn) - Giá lúa gạo tăng mạnh và dự báo sẽ còn tăng là cơ hội để nông dân tăng thu nhập, nhất là khi lúa hè thu sẽ bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Tuy nhiên, giá lúa gạo tăng cũng kéo theo mức tăng chi phí người tiêu dùng và một số vấn đề khác đáng quan tâm.

Giá gạo tăng từng ngày

Với 3 thế hệ sống cùng nhau, mỗi tháng gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở khối 11, phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh phải mua hơn 50 kg gạo. Nếu bình thường, 1 kg gạo quê chị vẫn mua ở chợ Bến Thủy với giá 15.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 17.000 đồng. “Giá tăng chưa quá nhiều nhưng với dân lao động như chúng tôi, mỗi thứ góp vào một ít thì đó cũng là một khoản tiền khá đáng kể. Chưa nói phải mua thêm những loại gạo ngon như gạo tám thơm, ST25 cho người già ăn thì giá còn cao hơn nhiều”, chị Hiền chia sẻ.

bna_ khách hàng. Ảnh- Phú Hương.jpg
Gạo là mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Ảnh: Phú Hương

Theo đà tăng giá của thị trường lúa gạo chung, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gạo các loại đều có mức tăng khá rõ. Mỗi tháng bán từ 2,5- 3 tạ gạo ST25, chị Bùi Thị Xuân - tiểu thương ở phường Lê Lợi cho hay: Mỗi năm chị gái tôi ở Đắc Lắc sản xuất khoảng 12- 15 tấn gạo ST25. Sau khi bán cho thương lái, chị thường để lại khoảng 3 tấn để bán lẻ. Thời gian qua, do giá lúa gạo tăng nên giá nhập về cũng tăng từ 22.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Sau khi tính các khoản chi phí, hiện tại tôi bán lẻ với giá 30.000 đồng/kg, vì chủ yếu là anh em, bạn bè quen, chứ trên thị trường hiện tại giá gạo ST25 bán lẻ đã xấp xỉ 40.000 đồng/kg.

Đã làm nghề thu mua lúa về xay xát, nhập cho các đại lý lớn ở huyện Diễn Châu và Nghĩa Đàn từ nhiều năm nay, nhưng vừa qua là thời điểm bà Cao Thị Tý ở xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành thấy khó gom mua lúa nhất. Có một “mạng lưới” thu gom ở hầu khắp các xã trong vùng, bình thường mỗi ngày gia đình bà thu mua vài ba tấn lúa, có những ngày ít hơn.

“Mấy tuần qua giá lúa gạo tăng liên tục, cách đây 5 ngày, giá lúa Thái Xuyên 111, TBR225 mua vào tăng đến 8.000 đồng/kg thì hiện đã tăng lên 8.500 đồng/kg; nếp các loại bình quân 8.000- 8.200 đồng/kg. Thế nhưng, bà con cũng ít bán vì muốn giữ chờ giá lúa lên cao hơn nữa. Trong khi đó, vụ hè thu nhiều gia đình bỏ không sản xuất hoặc để lúa chét, phục vụ nhu cầu của gia đình nên khả năng là thời gian sắp tới sẽ còn khó thu mua hơn nữa”, bà Tý lo lắng.

bna_ bà Tý. Ảnh- Phú Hương.jpg
Mỗi ngày, đại lý của gia đình bà Cao Thị Tý ở xã Tân Thành (Yên Thành) thu mua bình quân 2- 3 tấn lúa trong dân. Ảnh: Phú Hương

“Nổi tiếng” với nghề tráng bánh mướt, những ngày cao điểm, khách đặt sự kiện nhiều, chị Hà Thị Hương ở xóm 3, xã Xuân Thàn, huyện Yên Thành nhập tới gần 100 kg bánh, còn ngày bình thường cũng 20- 30 kg. Để làm 10 kg bánh mướt, lượng gạo cần có là 3- 4 kg, và như vậy, mỗi tháng chị phải mua hàng tạ gạo.

“Lâu lắm rồi giá gạo mới tăng cao như hiện nay. Bình thường mua gạo Khang Dân chỉ 10.500- 11.000 đồng/kg, nhưng hiện đã tăng lên 12.500 đồng/kg, gạo 504 tăng từ 13.000 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg. Theo thông tin từ các đại lý gạo thì giá gạo vẫn sẽ còn tiếp tục tăng chứ chưa dừng lại, nhưng tôi cũng phải chấp nhận làm đến đâu mua đến đó chứ không có tiền mua lúa, gạo để trữ”, chị Hương chia sẻ. Do giá gạo tăng, giá bánh mướt chị Hương nhập sỉ cũng tăng lên 15.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng so với cách đây vài tuần.

bna_ bà Tý 2. Ảnh- Phú Hương.jpg
Để có nguyên liệu cho nghề tráng bánh mướt, chị Hà Thị Hương ở xã Xuân Thành (Yên Thành) thường xuyên mua gạo ở các đại lý trên địa bàn với mức giá biến động theo thị trường. Ảnh: Phú Hương

Với 346 ha đất lúa, mỗi năm, xã Xuân Thành (Yên Thành) có tổng sản lượng lúa khoảng hơn 45.000 tấn. Bà Đỗ Thị Quý - cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Trên địa bàn có khoảng gần 200 hộ có diện tích sản xuất từ 0,4- 0,5 ha lúa, và lượng lúa gạo những hộ này bán ra chiếm khoảng 2/3 sản lượng thu được.
Tuy nhiên, hiện tại lúa vụ xuân cơ bản đã được bà con bán cho thương lái và các đại lý trên địa bàn ngay sau khi thu hoạch nên hiện tại mặc dù giá lúa tăng nhưng lúa gạo tích trữ trong dân không còn nhiều để bán. Vụ xuân bà con chủ yếu sản xuất các giống lúa chất lượng như TBR225, NA6… để ăn, còn riêng vụ hè thu sẽ có tới gần 300 ha sản xuất giống lúa Khang Dân năng suất cao chủ yếu bán làm bún, bánh. Vì vậy, việc mua bán lúa gạo trên địa bàn sẽ rất sôi động khi lúa hè thu được thu hoạch, và giá lúa tăng cao là tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân 1 nắng 2 sương.

bna- TB3. Ảnh- Phú Hương.jpg
Doanh nghiệp tiến hành thu mua, sơ chế sản phẩm gạo. Ảnh: Phú Hương

Đảm bảo an ninh lương thực

Từ tháng 7, giá lúa gạo tại các địa phương trên cả nước đồng loạt có xu hướng tăng giá, giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nỗi lo về an ninh lương thực sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Trên thị trường xuất khẩu, gạo Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với mức tăng 20 USD/tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương 2,6 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Và trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần tranh thủ thời cơ, mang lại giá trị, hiệu quả cho người sản xuất, người kinh doanh, đồng thời mở rộng thị trường…

bna_ sx. Ảnh- Phú Hương.jpg
Mỗi năm, Nghệ An sản xuất trên 11 triệu tấn lúa. Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, như cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, điều hết sức quan trọng là phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Để bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo cũng như kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, các địa phương cần chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán với giá bình ổn; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định, sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung - cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Với trên 91.000 ha lúa xuân và khoảng 81.000 ha lúa hè thu- mùa, mỗi năm Nghệ An có sản lượng lúa đạt trên 1,1 triệu tấn. Trong đó, phục vụ nhu cầu lương thực trong dân chỉ chiếm khoảng 1/3, số còn lại được bà con bán cho các doanh nghiệp, thương lái thu mua và bán lẻ. Giá lúa gạo tăng những ngày qua trước hết đã đem lại lợi ích cho nông dân, một số hộ vẫn đang găm giữ lúa hy vọng giá tiếp tục tăng. Dự báo mức tăng giá lúa gạo từ nay đến cuối năm vẫn duy trì sẽ là tín hiệu vui với nông dân Nghệ An khi bước vào thu hoạch lúa vụ hè thu- mùa sắp tới.

Mới nhất
x
Giá lúa gạo tăng kỷ lục trong hơn 10 năm qua: Nông dân hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO