Giá như có một cây cầu
Vẫn biết các em miề
Vẫn biết các em miền núi đi học gặp nhiều khó khăn nhưng có tận mắt chứng kiến các em ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) đến trường thì mới thấm thía nỗi gian nan vất vả đó. Hàng ngày trên những chiếc thuyền nhỏ có hàng trăm học sinh cắp sách tới trường tìm con chữ...
Sáng sớm tinh mơ, khi con gà chưa cất tiếng gáy chào bình minh thì cũng là lúc các em ở xóm bến Hương, bến Mươi xã Nghĩa Khánh gọi nhau đến trường. Gặp em Lê Thị Hằng, học sinh Trường cấp 3 Tây Hiếu tay mang cặp, tay xách đùm cơm nắm chuẩn bị cho bữa trưa, em tâm sự "4 giờ sáng là em phải dậy chuẩn bị cơm nước và thu xếp để kịp chuyến đò đầu tiên mới không chậm học.
Trẻ em xã Châu Hạnh ( Quỳ Châu ) tới trường phải qua chiếc cầu cheo leo rất nguy hiểm. Ảnh: Trần Ngọc Lan |
Trường em cách nhà 15 km chú ạ". Ngày thường đã vậy nhưng ngày mưa gió thì vất vả hơn nhiều. Các em ở xóm bến Mươi khổ hơn, có nhiều em vì lỡ đò mà chậm học, nhiều em không chịu được đã bỏ học và quanh năm gắn bó với ruộng đồng.
Gương mặt hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ nhìn chúng tôi, em Long - học lớp 2A Trường Tiểu học Nghĩa Khánh, nói: "Bữa mô cháu cũng phải qua sông đi học, buổi sáng mẹ nấu cơm rồi gói lại cho cháu. Nhiều khi mưa gió trời tối, cháu và các bạn đi ra đò mà trời vẫn chưa sáng, đi mà sợ lắm".
Bận bịu với công việc đưa người sang sông của mình nhưng anh Nguyễn Đình Đạo vẫn dành cho chúng tôi một chút thời gian để tiếp chuyện. Anh cho biết: "Tôi gắn bó với mái chèo và con nước đã 4 năm nay. Buồn vui lẫn lộn. Nghề chèo là nghề làm dâu thiên hạ.
Hiện nay tiền công chèo đò tính theo lúa nhưng mỗi năm phải đóng thuế cho xã 12 triệu, mà bà con nơi đây làm lúa phụ thuộc vào tự nhiên nên nhiều năm mất mùa bà con lại nợ, đến mùa sau mới trả". Nhìn tay chèo rắn chắc của anh chúng tôi có cảm giác an toàn khi đi trên chuyến đò ấy. Tuy tiền chèo đò chỉ đủ trang trải nhưng anh vui nhất là góp phần đưa bao nhiêu thế hệ qua sông học chữ.
Cùng với các em vượt 5 km đến Trường Tiểu học xã Nghĩa Khánh. Trường vinh dự vừa được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 năm 2010. Chúng tôi được tiếp xúc với cô giáo Lê Thị Vinh, người đã có gần 30 năm trong nghề.
Lớp của cô Vinh có 70% học sinh bên kia sông, tất cả các em đều học tốt, có một số em đạt danh hiệu học sinh giỏi của huyện, 100% các em đạt hạnh kiểm loại khá xếp loại học tập tốt. Thành tích là vậy, nhưng cô vẫn ngậm ngùi "giá như có một cây cầu cho các em đến trường đều đặn hơn không phải chịu cảnh cơm nắm cơm đùm thì chắc là tỷ lệ học sinh khá, giỏi không dừng lại ở đó".
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm gặp ông Lê Viết Xường- Phó Bí thư thường trực xã Nghĩa Khánh, được biết: Toàn xã hiện có hơn 200 học sinh ở các cấp học và hàng trăm hộ dân thuộc các xóm bến Hương và bến Mươi, hàng ngày phải đi thuyền qua sông để đến trường, lao động sản xuất.
Biết là nhân dân đang hết sức gian nan, vất vả với đò ngang, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhưng do ngân sách địa phương quá hạn hẹp, việc huy động sức dân còn hạn chế nên ước muốn xây dựng một cây cầu bắc qua sông dù đã ấp ủ từ bấy lâu nay (thậm chí đã có dự án xây dựng) nhưng trên vẫn chưa cấp kinh phí.
Thiết nghĩ, nếu tại các bến sông có được những cây cầu vững chãi bắc qua, thì chắc hẳn không chỉ việc học của con em mà cuộc sống của người dân nơi đây sẽ thuận lợi hơn và không bị cô lập, ám ảnh mỗi khi lũ về.
Đức Thanh