Giá nước sắp thành bản sao của giá điện
Tiền nước lại sắp được tính theo kiểu lũy tiền giống như tiền điện. Người tiêu dùng lo ngại những hệ lụy mà họ phải gánh với tiền điện giờ lại lan sang tiền nước.
PV “Góc nhìn thẳng” có cuộc trao đổi với ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa quý vị và các bạn, tiền nước lại sắp được tính theo kiểu lũy tiến giống như tiền điện. Người tiêu dùng lo ngại những hệ lụy mà họ phải gánh với tiền điện giờ lại lan sang tiền nước. PV “Góc nhìn thẳng” đã có cuộc trao đổi với ông Võ Nguyên Phong – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa ông, ngành điện đã vấp phải nhiều hệ lụy từ việc tính tiền lũy tiến và họ sắp thay đổi cho phù hợp hơn. Vậy vì sao cách tính tiền nước lại học theo cách tính như vậy?
- Việc xác định giá nước được thực hiện theo quy định của Nghị định 117/2007 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng nước sạch. Đồng thời thực hiện theo thông tư 75 của liên bộ tài chính xây dựng nông nghiệp phát triển nông thôn. Trong đó giá nước được xây dựng trên cơ sở là tính đúng tính đủ đảm bảo chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất cung ứng cũng như là tiêu thụ nước sạch.
Trên địa bàn cả nước tất cả các địa phương đều thực hiện xây dựng giá nước trên cơ sở nghị định và thông tư 75 cũng đều tính theo phương án lũy tiến tức là càng dùng nhiều đơn giá nước sẽ tăng.
Tại Hà Nội, thực hiện theo Nghị định 117 và thông tư 75, TP đã giao cho Sở Tài chính chủ trì cùng với các ngành có liên quan: Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động thương binh và Xã hội và Công ty Nước sạch Hà Nội để xây dựng phương án giá trình Sở Tài chính thẩm định và thông qua Hội đồng nhân dân TP. UBND TP ban hành quyết định 38/2013 về giá nước sạch theo lộ trình năm 2013 – 2015, trong đó sẽ có lộ trình tăng giá từng năm.
Năm 2015, bắt đầu từ ngày 1/10 là lần tăng thứ 3 của cuối lộ trình tăng giá nước theo quyết định 38 và 39 của UBND TP. Cho nên việc tính lũy tiến đã được triển khai thực hiện từ năm 2013 và thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đồng thời đã được các Sở ngành xem xét và UBND TP thông qua tại quyết định 38 và quyết định 39 ngày 19/9/2013. Và năm nay là năm cuối cùng để thực hiện theo quyết định đó.
- Thực tế cho thấy so với thu nhập hiện tại thì cái gì người dân cũng phải tiết kiệm chứ không phải riêng tiền điện, tiền nước. Đặt ra vấn đề tính tiền nước lũy tiến có phải chỉ là tăng thu không, thưa ông?
- Tôi xin khẳng định, thứ nhất là việc xây dựng phương án giá là thực hiện theo quy định và việc thực hiện lộ trình này đã được xác định tại quyết định 38 và 39 của UBND TP. Việc điều chỉnh giá nước lần này cũng là để đảm bảo thực hiện để các đơn vị cung ứng nước sạch có thể đảm bảo chi phí trong quá trình sản xuất cũng như truyền tải và đến được các hộ tiêu thụ. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đơn vị có được kinh phí để tiếp tục phát triển nguồn, phát triển mạng cũng như để nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước đến người dân.
Cho nên, việc điều chỉnh giá nước lần này cũng là nằm trong lộ trình để đảm bảo chi phí cho sản xuất cũng như là việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Các ông dự kiến với những hộ dân sử dụng trung bình 100- 200.000 đồng/tháng tiền nước, lực lượng đông đảo nhất hiện nay sẽ phải tăng thêm bao nhiêu tiền một tháng nếu áp dụng cách tính mới này, thưa ông?
- Giá nước lần này điều chỉnh trung bình sẽ tăng khoảng 19% thì đối với các hộ dân sử dụng nước theo tiêu chuẩn bình quân hiện nay trên địa bàn TP là 125 lít/người/ngày đêm tức là tương đương với một hộ gia đình 4 người khoảng 15m3/tháng thì tiền nước tăng thêm là 15.140 đồng .
Xin cảm ơn ông!
Theo Zing.vn