Giá sắn củ tăng cao, tinh bột sắn khó tiêu thụ ở Nghệ An

Văn Trường 11/03/2024 09:46

(Baonghean.vn) - Trong khi giá sắn củ tăng cao từ 2,7-2,8 triệu đồng/tấn (tăng từ 500.000 - 600.000 đồng/tấn), thì từ sau Tết, thị trường tinh bột sắn lại khó tiêu thụ khiến một số nhà máy, cơ sở chế biến bột sắn bị ứ đọng hàng hoá.

bna-van-truong-2-1682.jpg
Một cơ sở chế biến sắn tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Nông dân phấn khởi vì giá sắn tăng cao

Thời điểm này về huyện Nghĩa Đàn, thấy bà con đang tích cực thu hoạch sắn củ cuối vụ để bán cho các nhà máy chế biến. Một hộ dân trồng sắn ở xã Nghĩa Lộc cho biết: Gia đình có 1 ha sắn, hiện đã thu hoạch gần xong, sắn đạt năng suất 17 tấn/ha, các cơ sở chế biến sắn thu mua với giá 2,7 triệu đồng/tấn (tăng hơn với mọi năm khoảng 500.000 đồng/tấn), ước tính gia đình thu về gần 46 triệu đồng. Việc tiêu thụ sắn cũng khá thuận lợi khi hầu hết các cơ sở chế biến sắn đến tận nơi thu mua cho bà con.

Ông Cù Ngọc Thắng - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: Sắn là loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân. Xã có trên 91 ha, năng suất bình quân đạt 17-18 tấn/ha, hiện đã thu hoạch được trên 90% diện tích. Với giá bán tăng cao như hiện nay người dân rất phấn khởi, bởi lâu nay giá sắn thường thấp. Hiện tại, xã đang chỉ đạo các xóm triển khai làm đất tái trồng vụ mới. Một số nhà máy sắn thu mua ở địa bàn hỗ trợ nông dân một phần kinh phí để làm đất, tiền mua cây giống …

48931627-14122021-982.jpg
Sau khi thu hoạch, bà con tập kết sắn và đóng thành từng bì để nhập cho thương lái ngay bên đường. Ảnh tư liệu: Quang An

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Toàn huyện Nghĩa Đàn hiện có khoảng trên 500 ha sắn tập trung ở các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Đức, Nghĩa LộcLâu nay, do sắn chủ yếu được trồng ở vùng đất xấu, cao cưỡng nên bà con ít chăm sóc đầu tư, năng suất bình quân đạt thấp. Với việc giá sắn tăng cao như hiện nay, huyện không mở rộng thêm diện tích mà khuyến khích bà con đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào trồng, đầu tư chăm sóc đúng quy trình nhằm nâng cao sản lượng, tăng giá trị kinh tế.

Đối với địa bàn huyện Thanh Chương, đến nay vẫn duy trì trên 2.000 ha sắn, hàng năm đạt sản lượng 70.000 - 80.000 tấn sắn củ. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được trên 90% diện tích, hầu hết giá sắn được nhà máy sắn Thanh Chương tiêu thụ hết với giá tăng cao từ 500.000-600.000 đồng/tấn nên giúp người nông dân cải thiện được cuộc sống.

Để nâng cao giá trị kinh tế cho cây sắn, huyện đã phối hợp với nhà máy sắn Thanh Chương hỗ trợ đầu tư các mô hình trồng sắn giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao hơn, nhà máy hỗ trợ nông dân cây giống và vay phân bón không lãi suất. Đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân đảm bảo quy hoạch diện tích, sản lượng, cung cấp ổn định cho nhà máy.

bna-van-truong-1-6304.jpg
Tinh bột sắn ứ đọng tại một cơ sở chế biến ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết, vụ sắn năm 2023-2024, riêng diện tích sắn cao sản có gần 10.0000 ha, số diện tích này hầu hết nằm trong vùng sắn nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn, chủ yếu tập trung ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tương Dương, Yên Thành.

Hầu hết diện tích sắn trên địa bàn tỉnh lâu nay bà con có thói quen ít đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp từ 17-20 tấn, một số vùng trồng thâm canh đạt trên 30 tấn/ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương hướng dẫn quy trình trồng và thâm canh sắn để tăng năng suất, có các giải pháp cải tạo nhằm phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

Tinh bột sắn khó tiêu thụ

Trong khi giá sắn lên cao thì thời điểm sau Tết, thị trường tinh bột sắn lại khó tiêu thụ khiến nhiều cơ sở chế biến bị tồn kho. Đại diện một cơ sở chế biến sắn ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Thời điểm sau Tết, thị trường Trung Quốc đã hạn chế thu mua tinh bột sắn nên cơ sở chúng tôi đang bị ứ đọng trên 400 tấn hàng. Hiện tại, cơ sở vẫn đang thu mua sắn cho bà con huyện Nghĩa Đàn và Tân Kỳ với giá 2.700 đồng/kg, số sản phẩm ứ đọng tồn kho đang được bảo quản cẩn thận để chờ cơ hội xuất bán. Địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có 4 nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn, do quá khó khăn về đầu ra nên ngay từ sau Tết đã có 2 cơ sở tạm dừng hoạt động.

bna-van-truong-3-9103.jpeg
Dây chuyền sản xuất đường glucose từ tinh bột sắn tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Văn Trường

Để đối phó với tình trạng khó khăn, một số nhà máy sắn trên địa bàn Nghệ An đã tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đó là đa dạng hoá sản phẩm để bán thị trường mới, không phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Ông Lê Huy Chương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn (Nhà máy sắn Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) chia sẻ: Để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nhà máy đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến sâu tinh bột sắn sang các sản phẩm khác để bán với thị trường rộng hơn.

Cụ thể là hàng năm đơn vị chế biến trên 10.500 tấn tinh bột sắn thành đường lỏng glucose, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Mỹ, Nam Phi, Úc, Hungary… Đặc biệt là sản phẩm đường lỏng glucose bán cho các công ty nước ngoài đóng tại thị trường Việt Nam để chế biến các loại thực phẩm, bánh kẹo gồm: Ajinomoto, Koryo, Paldo, Massan, Acecook, chè Medion, Vifon, Micoem Nội địa, Orion, Hải Hà, Eikodo, IDP, Tràng An 3, Masan, Cholimex, Nutifood, Vinamilk…

Theo các nhà chuyên môn, để phát triển vùng nguyên liệu sắn ở địa bàn Nghệ An bền vững, tiêu thụ ổn định cần phải có các giải pháp căn cơ; tập trung chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ sắn phù hợp với nhu cầu chế biến trong nước và của các thị trường nhập khẩu. Theo đó, ngoài sản xuất tinh bột, cần gia tăng sản lượng sắn lát khô. Các nhà máy đầu tư áp dụng công nghệ chế biến sâu để đa dạng hoá sản phẩm từ sắn có chất lượng và giá trị gia tăng cao, như tinh bột biến tính, đường gluco, đường maltodextrin, cồn, lysin... Từ đó xuất bán phục vụ cho nhiều thị trường, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường (Trung Quốc) như hiện nay.

Mới nhất

x
Giá sắn củ tăng cao, tinh bột sắn khó tiêu thụ ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO