Giá trâu bò thấp, nông dân chuyển hướng chế biến thịt giàng đặc sản
Dịp cao điểm mua sắm chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ, song thị trường mua bán trâu, bò vẫn ảm đạm khi giá không tăng. Bên cạnh đó, trâu bò nhập ngoại giá rẻ hơn cũng khiến người buôn bán hạn chế nhập hàng, chuyển hướng chế biến thịt giàng.
Giá trâu, bò thấp kỷ lục
Những ngày áp Tết nguyên đán Ất Tỵ, ở các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, đồng bào các dân tộc đã bắt tay vào chuẩn bị các hoạt động vui chơi đón Tết. Người chăn nuôi trồng trọt cũng rao bán sản phẩm, chuẩn bị thực phẩm Tết. Nhiều hộ gia đình bán trâu, bò, lợn, gà để mua sắm, chuẩn bị cho các lễ cúng đầu Xuân, cho các hoạt động lễ hội sum vầy.
Ông Hờ Tồng Xùa ở bản Na Ni, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cho biết, gia đình ông cũng bán bò để chuẩn bị Tết. Ông Xùa cho hay, ngày 15/1 vừa qua ông bán 2 con bò, gồm một con bò mẹ và một con bò con gần 5 tháng tuổi, được tổng số tiền là 9 triệu đồng. Theo ông Xùa, mấy năm nay giá trâu, bò liên tiếp giảm, gần Tết cũng không có dấu hiệu tăng giá, thậm chí có lúc còn giảm hơn so với ngày thường nên ông phải bán 2 con bò mới đủ lo công việc. Nếu giá trâu, bò cao như cách đây 3 năm thì chỉ cần bán 1 con bò cũng được khoảng 12 - 15 triệu đồng, thoải mái để ông sắm Tết.
Tìm hiểu thông tin về tình hình chăn nuôi trâu, bò và thị trường bán lẻ, bán buôn trâu, bò ở một số huyện miền núi cao cho thấy, tình trạng chững giá mua bán trâu, bò diễn ra phổ biến. Mặc dù đã cận kề Tết Nguyên đán song giá mua bán vẫn thấp so với các năm trước đây.
Ông Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho biết, chăn nuôi trâu, bò là ngành nghề chính mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Song năm nay, giá bò chỉ dao động 5-7 triệu đồng/con trưởng thành. Còn đối với trâu thì giá bán thấp hơn bò 2-3 triệu đồng/con. Toàn xã Huồi Tụ người dân chăn nuôi khoảng 3.000 con trâu, bò, song số lượng trâu, bò 3 năm trở lại nay không tăng, mà có chiều hướng giảm do người dân giảm số lượng nuôi, không tăng đàn vì giá cả liên tục xuống thấp. Chăn nuôi vẫn là mũi nhọn kinh tế của huyện rẻo cao Kỳ Sơn.
Tương tự ở xã Nậm Cắn, ông Hờ Bá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là một trong những hộ gia đình có quy mô chăn nuôi khá lớn với đàn bò duy trì 20-30 con mỗi lứa. Ông Pó cho biết, trước đây chăn nuôi và buôn bán trâu, bò là ngành nghề cho thu nhập chính của hầu hết các hộ dân Nậm Cắn. Vài ba năm trở lại đây đã khác vì giá trâu, bò liên tục giảm.
Nhiều hộ dân ở Nậm Cắn cho hay, thị trường gần Tết âm lịch 2025 này, sức mua trâu, bò vẫn ậm ạch không tăng, thậm chí có thời điểm còn rẻ hơn ngày thường do thương lái không thu mua. Hiện ở Nậm Cắn, giá 1 con bò trưởng thành cũng chỉ bán được mức 6-8 triệu đồng, song hầu như không có thương lái thu mua số lượng lớn như trước đây.
Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, tổng đàn bò của cả huyện ước đạt trên 48.000 con, đàn trâu ước đạt trên 12.500 con. Cùng với đó, đàn lợn trên 38.800 con và hơn 430.000 con gia cầm, mỗi năm ngành chăn nuôi của huyện Kỳ Sơn cung ứng cho thị trường khoảng 3.500 tấn thịt xuất chuồng. Đối với trâu, bò, với tình hình giá cả liên tục giữ mức thấp, người dân Kỳ Sơn không tăng đàn, giữ số lượng chăn nuôi ổn định phục vụ thị trường trong huyện và các hoạt động chế biến thực phẩm phục vụ lễ, Tết.
Tại huyện Tương Dương, Tam Quang là một trong những xã có nghề chăn nuôi khá phát triển, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn duy trì hàng năm gần 5.000 con. Anh Trần Văn Đô ở bản Bãi Xa là một trong những người chăn nuôi có hiệu quả, mang lại thu nhập khá từ đàn bò duy trì khoảng 5-10 con/lứa. Với cách thức nuôi nhốt, vỗ béo bằng thức ăn xanh là phụ phẩm nông nghiệp kết hợp trồng cỏ voi, đàn bò của gia đình anh phát triển khoẻ mạnh và ít khi dịch bệnh.
Anh Đô cho hay, tuy là nguồn thu nhập khá của gia đình, song hơn 2 năm nay anh không tập trung đầu tư tăng đàn chăn nuôi mà mở rộng sang trồng mét và các loại cây vụ đông. Bởi trâu, bò giá cả duy trì mức thấp từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm. Dịp áp Tết Nguyên đán, giá bán trâu, bò tại Tam Quang cũng chỉ dao động mức 8-10 triệu đồng/con.
Chuyển hướng khai thác giá trị
Trước thực trạng giá trâu, bò chững nhiều năm, nguồn thu từ buôn bán trâu, bò giảm, người dân các huyện vùng cao đã bắt đầu chuyển hướng khai thác giá trị chăn nuôi trâu, bò. Hiện nay, ghi nhận tại nhiều huyện miền Tây như Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn cho thấy, chăn nuôi kết hợp chế biến theo chuỗi giá trị đang phát huy hiệu quả tích cực.
“Ngoài các hộ gia đình chung đụng trâu, bò để làm thực phẩm hàng ngày cũng như dịp Tết, ở trên địa bàn xã có khá nhiều hộ gia đình làm thêm nghề chế biến thịt giàng, thịt bò, lợn gác bếp, lạp xưởng để bán. Những mặt hàng này đặc biệt tiêu thụ mạnh dịp cận Tết” – ông Hờ Bá Pó cho biết.
Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, ngoài chợ biên Nậm Cắn, hiện có 850 điểm, quầy, cửa hàng bán lẻ và 4 chợ, bao gồm: chợ Mường Xén và các chợ trung tâm vùng Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý. Đây là những địa điểm giúp tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương, trong đó có thịt trâu, bò, lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt trâu, bò.
Ngoài ra, người dân cũng bán các sản phẩm qua mạng khá sôi động, đặc biệt là các tiểu thương chuyên thu gom thịt trâu, bò, các cơ sở sản xuất thực phẩm và các hợp tác xã như HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, HTX tiểu thủ công nghiệp dịch vụ Hương Sơn, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP…
Gắn với sản xuất, chế biến nông sản, các sản phẩm như lạp xưởng, bò giàng, lợn giàng được sử dụng cung cấp cho khách du lịch, dịch vụ ẩm thực và bán hàng của hợp tác xã. Hiện nay, xu hướng sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ đang cho thấy là hướng đi bền vững, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi, trồng trọt ở các huyện vùng cao.