Giá vàng tăng liên tiếp 3 tuần
Đóng cửa ngày 21/5, giá vàng tăng phiên thứ 7 liên tiếp và là tuần tăng giá thứ 3 của kim loại quý.
Theo đó, giá vàng giao ngay trên thị trường New York chốt tuần tăng 4,1 USD, lên 1.880 USD mỗi ounce. Tính cả tuần, giá vàng tăng hơn 2% và khép lại tuần tăng thứ 3 liên tiếp, theo tính toán của Dow Jones Market Data. Và đây là chuỗi tăng giá dài nhất của vàng tính từ tháng 7/2020.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại quỹ Insignia Consultants, ông Chintan Karnani, cho rằng việc các quỹ ETF tăng cường mua vàng có thể coi như tín hiệu tích cực cho giá kim loại quý trong tuần tới.
Chuyên gia quản lý quỹ tại GraniteShares, ông Jeff Klearman cũng phân tích: "Bất ổn tăng cao liên quan đến động thái chính sách sắp tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed sẽ là yếu tố tích tác động đến giá vàng".
Ngoài ra, việc nhiều đồng tiền số trong thời gian qua giảm giá sâu cũng khiến cho dòng tiền vào vàng nhiều hơn, theo nhận định của ông Klearman.
Sự yếu đi của đồng USD cũng đẩy giá vàng tăng. Chỉ số Dollar Index giảm 1% tính từ đầu tháng đến nay.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày 21/5, các chỉ số chính của thị trường diễn biến trái chiều. Trong tuần qua, tâm lý thị trường không khỏi lo lắng về định hướng chính sách của Fed trong bối cảnh áp lực lạm phát dâng cao.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 34.207,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.155,8 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,5% xuống 13.470,99 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 0,5% và 0,4% còn Nasdaq tăng 0,3%.
Như vậy tính đến hết tuần, chuỗi 4 tuần giảm điểm của chỉ số Nasdaq chính thức kết thúc; trong khi đó, S&P 500 và Dow Jones có tuần giảm điểm thứ 2. Chỉ số Dow Jones đã giảm 4/5 tuần gần nhất.
Tuần giao dịch vừa qua, tâm lý nhà đầu tư Mỹ chịu tác động từ đồn đoán về chính sách của Fed và các thông tin kinh tế trái chiều. Theo phân tích của chuyên gia quản lý đầu tư tại Villere & Co ở New Orleans, bà Sandy Villere, phiên giao dịch ngày cuối tuần khá trầm lắng tuy nhiên lạm phát vẫn là mối lo lớn nhất của nhà đầu tư, nhiều thành viên thị trường đang cố gắng tính toán xem Fed có thể cố gắng duy trì lãi suất thấp được bao lâu.
Thông tin kinh tế Mỹ tuy nhiên phát đi tín hiệu trái chiều. Chỉ số IHS Market tăng lên mức cao kỷ lục 68,1 điểm trong tháng 5. Trong bộ chỉ số này, chỉ số của ngành dịch vụ tăng lên mức cao kỷ lục 70,1 điểm trong tháng 5 từ mức 64,7 của tháng 4. Trong khi đó, chỉ số của ngành dịch vụ tháng 5 lập kỷ lục 61,5 điểm, cao hơn so với mức 60,5 điểm của tháng trước đó.
Tuy nhiên, số lượng từ thị trường nhà đất không mấy tích cực. Doanh số bán nhà đang sử dụng trong tháng 4/2021 giảm 2,7%, theo Hiệp hội nhà đất Mỹ./.