Già Y Xài học chữ
(Baonghean) - Vừa rồi, về xã biên giới Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn), chúng tôi có dịp đến thăm lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ người dân tộc Mông trên địa bàn. Lớp học được tổ chức vào ban đêm tại điểm Trường Tiểu học cụm bản Liên Sơn, do 2 nữ trí thức trẻ tình nguyện và các chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn. Trường hợp bà Già Y Xài, đã bước vào độ tuổi 50, con cháu đề huề, vẫn tranh thủ đến lớp học cái chữ khiến chúng tôi thật sự bất ngờ.
Đêm ở Nậm Càn rét căm căm, mưa rơi lất phất, sương giăng bịt bùng. Bà Y Xài là học viên đến lớp sớm nhất, với bộ trang phục truyền thống rất đẹp, trên tay cầm mấy quyển vở, sách giáo khoa và chiếc đèn pin nhỏ. Bà chọn hàng ghế đầu tiên và lật từng trang vở để xem lại những bài học trước. Nội dung buổi học hôm nay là thực hiện phép cộng trong phạm vi 6. Hơn 20 học viên của lớp đều chăm chú nghe giảng và thực hiện các phép tính theo sự hướng dẫn, gợi ý của giáo viên. Bà Y Xài mắt đã kém, ánh sáng của chiếc đèn nê-ông không đủ giúp bà nhìn rõ hàng chữ, con số và những dòng kẻ ô-li trên trang vở. Vì thế, tay phải bà cầm bút viết, tay trái cầm chiếc đèn pin soi vào trang vở để mắt nhìn được rõ hơn. Bà kiên trì viết từng con số, đôi tay đưa bút đã run run...
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn bà Già Y Xài cách cầm bút. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời gian gần đây, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 về giúp đỡ bà con người Mông phát triển kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Khi hay tin có mở lớp học xóa mù chữ, bà liền đăng ký đi học. Lúc đầu, chồng không muốn để bà đi. Nhưng bà phải đi học để biết đọc cái chữ, nếu không thì xấu hổ lắm. Vì các cháu của bà bây giờ học sáng lắm. Chúng cầm cuốn sách, tờ báo đọc cho bà nghe vanh vách. Những lúc như thế, bà rất thèm được biết cái chữ, để đọc sách báo, để biết được những câu chuyện đang diễn ra khắp nơi. Lại còn phải đọc được những tờ giấy hướng dẫn cách gieo trồng, chăm bón các loại giống mới để có được năng suất cao…
Hết giờ giải lao, các học viên vào lớp. Tiết học chuyển sang môn Tiếng Việt. Các giáo viên yêu cầu người học phải ghép được một số vần và viết thạo một số chữ. Cái tay suốt đời cầm dao, cầm cuốc của bà Y Xài đã cứng lắm, chưa thể đưa nét bút theo ý mình. Vẫn một tay cầm đèn pin bật sẵn, một tay cầm bút, bà nhẫn nại và tập trung tâm lực với từng nét viết. Thấy vậy, một giáo viên đến bên cạnh cầm tay rồi giúp bà đưa từng nét bút, nắn nót dòng chữ: Già Y Xài! Mắt bà lấp lánh niềm vui khi lần đầu tiên biết viết tên mình…
Tường Anh