Giâc mộng đổi đời trong thùng xe đông lạnh

Chấn động. Shock. Choáng. Xót xa… Đó là những cảm xúc đang tràn ngập trên mạng xã hội mấy ngày nay khi nói về 39 thi thể được phát hiện trên chiếc xe container tại Anh. Khi mà lần lượt những tình tiết được lật mở như tin nhắn cuối cùng của em Phạm Trà My – cô gái được nghi ngờ là một trong số 39 nạn nhân. Từ một nạn nhân nghi là người Việt, đến chiều nay, con số tăng lên 7 rồi 12 khi mà những gia đình có con tại Anh không liên lạc được con đã báo chính quyền. Tất cả đều tập trung tại Nghệ An- Hà Tĩnh, 2 nơi có nhiều người ra nước ngoài theo con đường bất hợp pháp nhất. Và rất nhiều tin đồn rằng 39 người tử nạn đều là người Việt…

Khi tôi thảng thốt đưa lên Facebook của mình trường hợp của Trà My, cô gái đã phải đi vay mượn một khoản tiền lên tới 30.000 bảng Anh để có thể tham gia đường dây vượt biên dạng này, tôi đã nghĩ về cái nghèo, cái quẫn khiến nhiều người trẻ lựa chọn cách thoát nghèo như thế. Nhưng rồi, những bình luận hồi đáp của chính các bạn đọc của tôi lại cho tôi thấy một bức tranh khác: Giấc mộng đổi đời.

Trà My chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp đã vay mượn 30.000 bảng Anh (tương đương gần 900 triệu tiền Việt) để sang Anh bởi viễn cảnh trồng cần sa lậu sau 3 tháng là đủ trả nợ, 3 tháng sau là rủng rỉnh tiền. Sống chui tại Anh nhưng vẫn sướng hơn nhiều so với sống tử tế ở Việt Nam là viễn cảnh mà những đường dây đưa người vượt biên trái phép đã vẽ ra. Lại thêm những bài báo về những làng tỉ phú khi mà nhà nào cũng có con đang sống chui bất hợp pháp tại nước ngoài và gửi tiền về đều đặn cho gia đình. Cứ như thể chuyến xe 39 người tử nạn kia chỉ là một “tai nạn”, vẫn còn hàng chục, hàng trăm chuyến xe trót lọt khác vậy.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến hàng triệu người Việt liều mạng vượt biển trên những chiếc thuyền gỗ thô sơ khi tìm cách vượt biên trái phép. Vậy mà, sau chưa đến 30 năm, chúng ta lại chứng kiến những đường dây vượt biên trái phép qua đường bộ, trong những chiếc xe container như thế này. Khi tôi sang Hàn Quốc, nghe rất nhiều câu chuyện về những sinh viên Việt sang Hàn không phải để du học mà là để đi kiếm tiền, làm quần quật ở các xưởng may, trốn chui trốn lủi sau khi bị nhà trường cho thôi học vì nghỉ quá nhiều, chấp nhận làm dân nhập cư trái phép “cùng lắm là bị trục xuất về nước”. Cứ bám trụ được càng lâu thì số tiền kiếm được sẽ theo đó mà nhân lên.

Thật buồn khi phải chứng kiến những giấc mơ đổi đời như vậy. Những giấc mơ phải đánh đổi không chỉ tính mạng như 39 nạn nhân vừa được phát hiện, mà còn là những người cha, người mẹ đi vay mượn để cho con mình “đánh cược với số mệnh” đi theo những đường dây đưa người vượt biên. Tối nay, trên chương trình thời sự, tôi thấy những gương mặt người cha, người mẹ ướt đầm nước mắt. “Giấc mơ đổi đời” khiến nhiều người vợ dứt con mới sinh, bỏ lại chồng để sang Đài Loan lao động xuất khẩu. “Giấc mơ đổi đời” khiến nhiều người trẻ bỏ cả tương lai của mình chấp nhận lên đường sống chui lủi xứ người. “Giấc mơ đổi đời” khiến nhiều người Việt từ bỏ quê hương và cho rằng chỉ có vượt biên trái phép mới khiến họ giàu có lên được.

Nhìn lại không chỉ Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn là hàng chục tỉnh thành, địa phương khác nữa tạo thành những Làng Hàn Quốc- Làng Đài Loan- Làng Đức- Làng Pháp- Làng Anh… ngay trên đất nước mình, nơi mà số đông người trong làng đang sống chui tại Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp, Anh… Sự giàu có sung túc hay những ngôi nhà khang trang trong những ngôi làng đó đã “tiếp lửa” cho những người trẻ mới lớn khác chờ đủ tuổi lại lên đường…

Nhìn lại không chỉ là câu chuyện vượt biên trái phép, nhập cư trái phép, sống chui xứ người mà còn là câu chuyện của giấc mộng đổi đời nhanh chóng của nhiều người. Đáng trách không phải là những kẻ buôn người – những đường dây đưa người vượt biên. Đáng trách là tư duy làm giàu, kiếm tiền bằng việc đẩy con em mình, vợ mình, chồng mình tham gia những đường dây đó. Để có tiền con cái gửi về, vợ hoặc chồng gửi về đỡ phải lao động vất vả…

Dù trước khi bài viết này được đăng tải, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh vẫn thông tin rằng chưa có chứng cứ xác thực có người Việt trong số 39 nạn nhân tử nạn. Nhưng trong những chuyến xe container đông lạnh kia, đã có bao nhiêu người Việt từng đi rồi và giờ đang sống chui tại Anh… Chỉ mong là sau vụ việc này, sẽ không còn những người Việt như thế nữa…

kỹ thuật: Chôm Chôm