Giải mã nguyên nhân Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công vang dội

Trung Hiếu 13/06/2018 08:12

Bất chấp nhiều sóng gió, Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lịch sử đã thực sự diễn ra vào ngày 12/6. Đâu là nguyên nhân cho thành công đó?

Vậy là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp gặp nhau, mặt đối mặt. Một hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều trong mơ đã thực sự diễn ra một cách an toàn trên đảo Sentosa ở Singapore vào ngày 12/6. Một hội nghị vĩ đại từ các chi tiết nhỏ nhất.

Hai nhà lãnh đạo bắt tay và nói chuyện với nhau rất thân thiện. Không những vậy, họ còn ra được tuyên bố chung.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Tuyên bố chung vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức ở Singapore vào ngày 12/6. Ảnh: Reuters.

Đây là những điều không thể tưởng tượng được trước đây. Thực tế, hồi năm 2014 ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman - chỗ thân quen với ông Kim Jong-un, từng dự báo có ngày ông Trump sẽ đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên gặp ông Kim, và khi đó ông Trump đã bác bỏ và gọi ý tưởng này là điên rồ.

Thậm chí gần đây, triển vọng tổ chức Thượng đỉnh này vẫn còn chút sóng gió khá ly kỳ với việc quan chức Triều Tiên dọa hủy họp và ông Trump sau đó tuyên bố sẽ không dự sự kiện này nữa.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra thành công vào hôm 12/6 là điều vô cùng đáng trân quý trong bối cảnh hai nước từng trải qua vài năm chiến tranh đẫm máu (1950-1953), Mỹ thực hành bao vây cấm vận với Triều Tiên trong hàng thập kỷ, và hai nước đã nhiều lần rơi vào cuộc chiến ngôn từ đầy thù địch.

Hội nghị này cùng Tuyên bố chung Trump-Kim thực sự đã mở ra chương mới trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên và an ninh khu vực Đông Bắc Á cả về ngắn hạn và dài hạn. Hai bên cam kết hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Riêng Triều Tiên tái khẳng định cam kết của họ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Vì sao Hội nghị đã được diễn ra và thành công đến như vậy?

Động cơ của Triều Tiên

Triều Tiên đã phát triển được bom nhiệt hạch có sức công phá cực mạnh và tên lửa đạn đạo liên lục địa đủ sức phóng tới lục địa Mỹ. Nước này giờ sở hữu kho vũ khí hạt nhân tương đối và kho tên lửa đạn đạo đa dạng với nhiều tầm bắn (kể cả tầm trung và tầm ngắn), tương ứng với nhiều mục tiêu như lãnh thổ Hàn Quốc, lãnh thổ Nhật Bản và đảo Guam (Mỹ).

Có thể thấy tương đối rõ ràng mục tiêu chính của Triều Tiên khi phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là để tự vệ. Có lẽ Triều Tiên cũng không muốn phát triển hạt nhân. Vì có sức ép lớn của xu hướng phi hạt nhân hóa. Hơn nữa, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay đều không phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu và sản xuất các vũ khí chiến lược thì có thể xảy ra chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Khi đó với tiềm lực của mình, Hàn Quốc và Nhật Bản đủ sức làm điều tương tự như Triều Tiên, khiến Triều Tiên không còn nhiều lợi thế về mặt vũ khí nữa.

Thực ra chương trình bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên chưa phải đã hoàn hảo và số lượng vũ khí này của họ có thể chưa nhiều, nhưng với mục đích răn đe thì như thế có thể coi là tạm đủ cho nước này. Ngoài ra Triều Tiên đã xúc tiến phá dỡ một bãi thử hạt nhân và bãi thử tên lửa, đồng thời giữ đúng cam kết không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong nhiều tháng qua.

Có thể thấy kinh tế của Triều Tiên vẫn còn nhiều khó khăn. Đến chuyên cơ của nhà lãnh đạo tối cao nước này cũng thuộc loại cổ và có độ an toàn bay không cao. Sang dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore, ông Kim Jong-un đã phải đi máy bay của hàng không Trung Quốc. Và tiền lưu trú của ông ở Singapore đã được nước chủ nhà hỗ trợ một phần.

Lúc họp nội các ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) phấn khởi theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra ở Singapore hôm 12/6. Ảnh: Chính phủ Hàn Quốc

Khi khía cạnh tiềm lực quân sự đã tạm ổn, lẽ dễ hiểu là Triều Tiên sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Để đạt được điều đó thì tự túc là không đủ mà còn phải xóa bỏ bao vây cấm vận kinh tế. Muốn sánh vai với các cường quốc năm châu, không thể khép kín mãi mà cần cải cách mở cửa. Có khả năng Triều Tiên muốn theo cả mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam và kinh nghiệm ngoại giao của Việt Nam trong phá vỡ thế bao vây ngoại giao, bằng việc tạo đột phá trong quan hệ với nước Mỹ.

Tất nhiên vào thời điểm này, Triều Tiên có lợi thế lớn từ kho vũ khí chiến lược đã phát triển đến tầm cao mới. Nhìn hình ảnh ông Kim Jong-un ở Singapore, ta có thể thấy ông này tự tin ngẩng cao đầu bước vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều như thế nào. Chắc chắn lá bài vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã giúp ông tự tin bước sang lãnh thổ Hàn Quốc vào tháng 4, sang lãnh thổ Trung Quốc tới 2 lần (vào tháng 3 và tháng 5), và tự tin bay bằng máy bay Trung Quốc qua cự ly xa để sang đảo quốc Singapore.

Chủ trương của Triều Tiên là phi hạt nhân hóa từng bước, đồng bộ, bảo đảm nhận được những phần thưởng xứng đáng tương ứng từ phía Mỹ.

Động cơ của chính quyền Tổng thống Trump

Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Triều Tiên. Không ít lần ông đe dọa chiến tranh với quốc gia Đông Á này. Nhưng khi Triều Tiên lần lượt thử thành công bom nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn vươn tới thủ đô Mỹ thì giọng điệu của ông Trump dần thay đổi, theo hướng hòa dịu, chấp nhận đối thoại. Vì, thực tế giờ đã khác xưa. Dù muốn hay không thì Triều Tiên đã có những thứ vũ khí hết sức đáng sợ, đe dọa trực tiếp Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Sau khi nghiêng về khả năng đối thoại, ông Trump tiếp tục điều chỉnh thái độ. Lúc đầu, ông ra yêu sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên ngay lập tức, nhưng càng về sau, ông càng mềm dẻo, có xu hướng chấp nhận phi hạt nhân hóa từng bước một, theo nhịp độ phù hợp với Triều Tiên.

Tổng thống Trump vốn chủ trương đầu tư nhiều cho vấn đề đối nội, bảo hộ mậu dịch, rút bớt hoạt động quân sự ở nước ngoài, yêu cầu các đồng minh trong NATO và Nhật Bản, Hàn Quốc phải gánh dần các chi phí quân sư.... Có thể ông muốn sớm khép lại phần cơ bản của hồ sơ Triều Tiên để ông có điều kiện tập trung cho mục tiêu “nước Mỹ trên hết”.

Ngoài ra, nước Mỹ sắp bước vào bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống nên có thể ông Trump đang tranh thủ ghi điểm cho phe của ông trong mắt cử tri.

Bên cạnh đó, không loại trừ việc ông Trump đang nuôi “tham vọng” được "tạc" vào lịch sử như một vị Tổng thống kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa Triều Tiên - điều mà các đời tổng thống Mỹ trước đều không đạt được. Trước mắt, ông có thể phấn đấu cho một giải Nobel Hòa bình danh giá.

Như vậy việc ông Trump chấp nhận đàm phán với Kim Jong-un là diễn biến tự nhiên. Khi làm thế, ông còn có sẵn một lợi thế là đã “xây dựng” được hình ảnh một vị Tổng thống với tính cách thất thường và khó dự đoán.

Bản lĩnh Kim Jong-un

Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhưng thời gian qua đã khẳng định được bản lĩnh chính khách của mình.

Trong Thượng đỉnh liên Triều, lần đầu tiên ông Kim xuất hiện nhiều và trực tiếp trước truyền thông thế giới. Tại đó, ông đã thể hiện được bản lĩnh ngoại giao bình tĩnh, đĩnh đạc của mình, từ tác phong đi đứng, cách phát biểu, đến biểu cảm nét mặt. Ông tỏ ra rất khéo, tươi cười tự nhiên và lấy lòng được Tổng thống Hàn Quốc cũng như khán giả truyền hình Hàn Quốc, những người thậm chí cho rằng ông Kim rất dễ thương.

Nhà lãnh đạo Kim đã có nhiều động thái tinh tế, như mời Tổng thống Moon Jae-in bước sang lãnh thổ Triều Tiên - điều nằm ngoài kịch bản chương trình Hội nghị Thượng đỉnh.

Lần này, tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore, Kim Jong-un một lần nữa đã thể hiện được điều đó và tạo ra được thiện cảm ở người đối diện. Ông lại một lần nữa cười rất tươi, vui vẻ chụp selfie với Ngoại trưởng Singapore.

Có thể nói rằng Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo Triều Tiên kiểu mới. Khác biệt với thế hệ cha và ông, Kim Jong-un không ngại ra nước ngoài và không ngại đi máy bay thay cho tàu hỏa (cả trong và ngoài nước).

Về mặt chiến lược với Mỹ, ông Kim Jong-un đã chấp nhận nhượng bộ, hứa hẹn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - điều mà cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều mong. Ông đã bắn tín hiệu về đối thoại với Mỹ ngay từ đầu năm mới 2018. Tất cả những điều này góp phần nhen lên hy vọng ở phía Mỹ.

Triều Tiên nằm ở giao lộ tầm ảnh hưởng của nhiều nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản). Và ông Kim, với tư cách là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, đã khéo léo giữ cân bằng khá tốt giữa các nước đó, khiến ông trở thành một tâm điểm của ván bài địa chính trị tại Đông Bắc Á. Với kỹ năng “đi dây” ngoạn mục của ông Kim Jong-un, dường như nước nào cũng cố tranh thủ Triều Tiên và nhà lãnh đạo này.

Trước Thượng đỉnh Mỹ-Triều, các quan chức cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đều đã lần lượt sang thủ đô Bình Nhưỡng.

Kim Jong-un có tinh thần độc lập rất cao. Sau khi lên cầm quyền ở Triều Tiên, ông đã gạt bỏ các nhóm thân Trung Quốc trong chính trường nước mình. Một thời gian rất dài, ông không hề sang thăm Bắc Kinh và yết kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Kim đã góp phần củng cố hơn nữa mức độ độc lập của Triều Tiên vốn đã cao sẵn dưới thời Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.

Nhưng đùng một cái, vào năm 2018 này, ông Kim đã sang Trung Quốc và gặp trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tới 2 lần. Có thể ông Kim đi để báo cáo tình hình với ông Tập và giành thêm sự ủng hộ từ phía Trung Quốc. Mặt khác, 2 chuyến công du đó có thể là tín hiệu nhắc nhở ông Trump hãy tích cực hơn trong đối thoại với Triều Tiên.

Và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã diễn ra thành công, với sự mong chờ của dư luận thế giới, thái độ hợp tác của Mỹ, sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, sự giúp đỡ của Hàn Quốc và sự hỗ trợ của Singapore.

Năm nay kỷ niệm 70 năm sự ra đời của CHDCND Triều Tiên và Đại hàn Dân quốc (Hàn Quốc) trên bán đảo Triều Tiên nên rất có thể ông Kim mong muốn tạo ra một đột phá thật sự cho bán đảo Triều Tiên cũng như sự nghiệp chính trị của mình.

Vai trò của Tổng thống Hàn Quốc và Thượng đỉnh liên Triều

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến tích cực từ sau Thượng đỉnh liên Triều với Tuyên bố Bàn Môn Điếm lịch sử. Dù ít hay nhiều, Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4 vẫn tạo ra bầu không khí thuận lợi cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 12/6. Ngoài ra, đóng góp vào thành công của hội nghị này còn có các yếu tố khác như hoạt động tích cực của cá nhân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Moon là người có vai trò không nhỏ đối với cả Thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Ông lo từng ly từng tí cho cả 2 sự kiện này.

Moon Jae-in thuộc trường phái mềm mỏng và cổ xúy cho quan hệ hòa bình với Triều Tiên. Bản thân ông là người gốc miền bắc bán đảo Triều Tiên và ít nhiều có tình cảm cá nhân với quê hương của mình. Tổng thống Moon đã phải vượt qua nhiều trở lực từ phe đối lập bên trong Hàn Quốc để giữ vững đường lối đối thoại và hòa giải với Triều Tiên. Ông đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội đàm phán với Triều Tiên ngay khi nó xuất hiện, nhẫn nại giữ hòa khí với Triều Tiên trong Thế vận hội mùa Đông và nhiều sự kiện sau đó, bền bỉ kéo Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau.

Tổng thống Moon chân thành trong vấn đề xây dựng nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đến mức ông mất ngủ trong đêm trước Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, như lời ông chia sẻ.

Chặng đường cho hòa bình thật sự và dài lâu trên bán đảo Triều Tiên còn dài, Mỹ và Triều Tiên còn cần họp nhiều lần nữa. Nhưng nhờ vào Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4 và Tuyên bố Trump-Kim 12/6, con đường đi tới hòa bình và phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên đang thênh thang hơn bao giờ hết.

Quả bóng hiện nay có lẽ nằm nhiều hơn bên phần sân của Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ - liệu họ có thực sự bảo đảm an ninh cho chế độ của ông Kim Jong-un hay không và lộ trình cụ thể để đạt được điều đó sẽ như thế nào?

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Giải mã nguyên nhân Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công vang dội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO