Giải mật vì sao Liên Xô quyết định đưa quân vào Afghanistan

Lê Ngọc 27/07/2021 07:32

Quyết định của Liên Xô đưa quân vào cuộc chiến kéo dài 10 năm ở Afghanistan được đưa ra dựa trên các thông tin không xác thực đã và vẫn là đề tài tranh luận của các chuyên gia mặc dù các tài liệu liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được giải mật hoàn toàn.

Moscow đưa quân vào Afghanistan theo yêu cầu của chính phủ nước này, nhưng một số thế lực quy kết đó một hành động xâm lược của Liên Xô đối với Afghanistan có chủ quyền.

Rõ ràng, việc đưa quân vào Afghanistan là một sai lầm chiến lược lớn của Liên Xô, với những hệ lụy là khoảng 14.000 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng, 6.300 người bị thương; tăng chi tiêu quân sự trong cuộc khủng hoảng kinh tế; hình thành các đường dây buôn bán ma túy ở Liên Xô; hội chứng “Afghanistan” ảnh hưởng nặng nề đến xã hội Xô viết; thiệt hại về chính sách đối ngoại và đó là một chiến thắng chiến lược đối với Mỹ.

Quyết định đưa quân vào Afghanistan được đưa ra trên cơ sở thông tin tình báo không chính xác. Nguồn: maxpark.com
Quyết định đưa quân vào Afghanistan được đưa ra trên cơ sở thông tin tình báo không chính xác. Nguồn: maxpark.com

Theo trang maxpark.com, trong 3 ngày, từ ngày 17-19/3/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) đã thảo luận về tình hình Afganistan và đi đến kết luận: Sẽ hỗ trợ quân sự-kỹ thuật, vật chất, nhưng không gửi quân.

“Chúng ta không thể mạo hiểm như vậy”, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin nói vào thời điểm đó, nhưng một số ủy viên Bộ Chính trị là Andropov, Ustinov và Gromyko khẳng định, quyết định gửi quân sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của Liên Xô trong khu vực. Yuri Andropov là nhân vật quan trọng nhất trong ủng hộ việc triển khai quân đội tới Afghanistan.

Giới lãnh đạo quân sự - Nguyên soái Ogarkov, Akhromeev và Tướng Varennikov cũng chống lại, cho rằng ban lãnh đạo Afghanistan nên tự giải quyết các cuộc xung đột nội bộ một cách độc lập, sự hiện diện quân sự của Liên Xô sẽ chỉ kích động các hành động thù địch và dẫn đến sự gia tăng phong trào nổi dậy trong nước, chủ yếu nhằm vào quân đội Xô viết. Kiến thức kém về phong tục và truyền thống của người Afghanistan, đặc biệt là về đạo Hồi, các mối quan hệ quốc gia - dân tộc và bộ lạc sẽ khiến binh lính Liên Xô rơi vào tình thế vô cùng khó khăn…

Sau những phản đối gay gắt và dứt khoát từ quân đội, Brezhnev, người luôn nghe theo quan điểm của Bộ Tổng tham mưu, mặc dù đã chấp thuận can thiệp vào tình hình Afghanistan, bắt đầu do dự. Ogarkov cùng với các tướng lĩnh khác, phản đối mạnh mẽ việc đưa quân vào Afghanistan, vốn là chủ đề của bất đồng mới giữa ông và Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov - người ủng hộ Andropov. Đúng lúc đó Andropov phát biểu, dựa vào một số “dữ liệu tình báo” nói rằng, CIA của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một chiến dịch nhằm tạo ra một “Đế chế Đại Ottoman mới” bao gồm các nước cộng hòa phía Nam Liên Xô.

Thực tế, Mỹ đã chuẩn bị sẵn các khẩu đội tên lửa Pershing để triển khai chúng ở Afghanistan trong những tháng tiếp theo và điều này gây nguy hiểm cho các cơ sở chiến lược của Liên Xô, bao gồm cả sân bay vũ trụ Baikonur; rằng, sau cuộc đảo chính ở Afghanistan, Pakistan sẵn sàng bắt đầu phát triển các mỏ uranium ở Afghanistan để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Viktor Grishin nhớ lại lịch sử đưa cánh quân Xô viết vào Afghanistan năm 1979: Một buổi tối mùa Xuân, Brezhnev gọi ông đến văn phòng của Tổng Bí thư tại Ủy ban Trung ương CPSU. Các Ủy viên, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và các Bí thư Ủy ban Trung ương đã tập trung trong phòng làm việc của Brezhnev. Một cuộc trò chuyện về các sự kiện ở Afghanistan bắt đầu. Thông điệp được đưa ra bởi Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Andropov cho biết, Chính phủ Daoud đã bị lật đổ ở Afghanistan. Các lực lượng tiến bộ, do (theo thông tin của họ) lãnh đạo cộng sản là Taraki lên nắm quyền; KGB tiếp tục theo dõi các diễn biến tại Afghanistan.

Sau đó, Bí thư Ủy ban Trung ương CPSU B.N. Ponomarev phát biểu. Ông nói: “Chúng tôi biết đồng chí Taraki, là một người đáng tin cậy”.

Không có cuộc thảo luận dài dòng về vấn đề này và đây không phải là một cuộc họp chính thức của Bộ Chính trị mà nghiêng về một cuộc trò chuyện về những gì đang xảy ra ở quốc gia láng giềng. Mọi người rất hài lòng khi các lực lượng tiến bộ thân cộng sản lên nắm quyền ở Afghanistan; đồng ý để KGB, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng tiếp tục theo dõi sự phát triển của các sự kiện ở đất nước này, thông báo cho Bộ Chính trị và lãnh đạo đất nước.

Andropov, Gromyko, Ustinov đã tham gia vào các vấn đề liên quan đến Afghanistan. Họ theo dõi sự phát triển của các sự kiện, chuẩn bị thông tin và đề xuất cho Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương về Afghanistan. Theo thông tin từ Andropov, Gromyko và Ustinov, ngay sau đó, một cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm và gia tộc của Taraki và Amin bắt đầu nổ ra ở Afghanistan. Lãnh đạo Liên Xô nhận được tin nhắn từ các nhà lãnh đạo Afghanistan rằng Taraki được cho là bị ốm, nhập viện và chết ở bệnh viện; Amin lên nắm quyền lãnh đạo ở Afghanistan.

Nghị quyết và ý kiến của các Ủy viên Bộ chính trị CPSU. Nguồn: maxpark.com
Nghị quyết và ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị CPSU. Nguồn: maxpark.com

Qua kênh KGB, thông tin nhận được rằng, Amin đã thực hiện các cuộc trả thù chống lại toàn bộ gia đình Taraki và bản thân Taraki đã bị sát hại; thân nhân và những người ủng hộ Taraki buộc phải dời đến một vùng đất sa mạc, xa các khu định cư và đã bị chết đói. Các nỗ lực của Liên Xô thông qua KGB và Đại sứ quán để buộc Amin đối xử nhân đạo với người thân của Taraki đã không có kết quả; các nỗ lực của Liên Xô bảo vệ họ đã bị từ chối.

Tại một cuộc họp thường kỳ của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương, Yu.V. Andropov cho biết theo thông tin có được, Amin là đặc vụ của CIA; ngày càng có nhiều người từ các cơ quan tình báo Mỹ và Pakistan đến Afghanistan, các lô hàng lớn vũ khí được cung cấp cho Afghanistan từ Mỹ và Pakistan. Cũng vào thời điểm đó, Amin đã gửi một số bức điện yêu cầu được tiếp đón ở Moscow. Nhưng ban lãnh đạo Liên Xô cho rằng việc tiếp Amin không phù hợp, vì điều đó có nghĩa là sự ủng hộ của Liên Xô đối với nhân vật này, làm mất phương hướng của các lực lượng tiến bộ bên trong Afghanistan, những người đang chống lại Amin và các chính sách của ông ta. Tin vào thông tin của KGB, Bộ Chính trị đã nghiêng về phe “diều hâu”.

Trên thực tế, Amin không phải là đặc vụ của CIA, ông sẽ là một đồng minh trung thành của Liên Xô, nhưng do “thông tin sai” mà ông đã bị mất uy tín trong mắt giới lãnh đạo Liên Xô. Để làm việc này, người ta đã thông tin sai cho lãnh đạo Liên Xô vốn phản đối việc gửi quân tới Afghanistan. Dmitry Fedorovich Ustinov “đóng vai trò là người ủng hộ chính” trong vấn đề đưa quân vào và Anatoly Gromyko là người thứ ba chịu trách nhiệm về quyết định tai hại này.

Ngày 8/12/1979, một cuộc họp của “Bộ Chính trị thu nhỏ” đã diễn ra. Tại cuộc họp với Brezhnev về vấn đề Afghanistan, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Liên Xô - N.V. Ogarkov, S.F. Akhromeev, và V.I. Varennikov, cùng Tổng Tư lệnh Lục quân - Đại tướng I.G. Pavlovsky, trong khi chờ quyết định cuối cùng của ban lãnh đạo Chính trị Liên Xô, đã phản đối việc điều quân. Sau nhiều đắn đo, quyết định điều một cánh quân nhỏ gồm 75.000-80.000 người vào Cộng hòa Dân chủ Afghanistan (DRA) đã được đưa ra. Ngày 10/12, họ lại gặp nhau, mời cả Tổng Tham mưu trưởng Nikolai Ogarkov - người phản đối việc điều quân đội, nói rằng 75.000 vấn đề sẽ không giải quyết được nhiệm vụ.

Quân đội Liên xô đã phải rút khỏi cuộc chiến hao người tốn của kéo dài 10 năm. Nguồn: wikipedia.org
Quân đội Liên xô đã phải rút khỏi cuộc chiến hao người tốn của kéo dài 10 năm. Nguồn: wikipedia.org

Ngày 12/12/1979, Bộ Chính trị ra quyết định cuối cùng về việc đưa quân sang Afghanistan, chính thức hóa dưới hình thức một nghị quyết bí mật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CPSU N 176/125 “Về tình hình ở ‘A’”. Sự đắn đo đã chấm dứt bởi kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của NATO ở châu Âu, có khả năng tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ của Liên minh, được thông qua tại một cuộc họp ở Brussels...

Trong số các ủy viên Bộ Chính trị, trên tài liệu chỉ thiếu chữ ký Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin. Trong giai đoạn 1978-1979, ông đã tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận về vấn đề Afghanistan. Ông là người duy nhất sau đó phản đối, từ chối ủng hộ quyết định điều quân sang Afghanistan. Trong số những người không phải là Ủy viên Bộ Chính trị tại cuộc họp 12/12/1979 có mặt B.N. Ponomarev, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPSU (1972-1986), Bí thư Ban Chấp hành Trung ương CPSU (1961-1986), trong những năm 1955-1986 là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương CPSU.

Theo quyết định của Bộ Chính trị và chỉ thị của Bộ Quốc phòng Liên Xô số 312/12/00133 ngày 10/12/1079 (về việc chuẩn bị và triển khai khoảng 75.000-80.000 quân đến lãnh thổ của DRA), một nhóm tác chiến của Bộ Quốc phòng Liên Xô được thành lập vào ngày 13/12, dưới sự chỉ huy của Đại tướng S.F. Akhromeev. Sau đó, lực lượng viễn chinh của quân đội Liên Xô, được biết đến với cái tên “Lực lượng hạn chế của Quân đội Liên Xô tại Afghanistan” bắt đầu hình thành.

Đại sứ mới của Liên Xô tại Kabul F.A. Tabeyev đã thông báo trước với nhà lãnh đạo DRA, Hafizullah Amin, về quyết định của lãnh đạo cao nhất của CPSU và Liên Xô trong việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền dưới hình thức đưa quân vào lãnh thổ Afghanistan. Amin với tư cách là Tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang, đã đưa ra các chỉ thị thích hợp cho Bộ Tổng tham mưu DRA để đảm bảo sự phối hợp và hỗ trợ cho Bộ chỉ huy quân Liên Xô. Đó là cách Quân đội Liên Xô tham chiến và sa lầy trong cuộc chiến hao người tốn của 10 năm ở Afghanistan./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Giải mật vì sao Liên Xô quyết định đưa quân vào Afghanistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO