Giải pháp đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho người có công

(Baonghean.vn) - Chính sách nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ - TTg đã giúp nhiều gia đình chính sách có được căn nhà “trên kín dưới lành”. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có hơn 70% gia đình trong diện được hưởng chính sách đã nhận được kinh phí hỗ trợ.

Vì sao tỷ lệ giải ngân thấp

Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ - TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đây là chủ trương chính sách lớn, thiết thực của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cải thiện chất lượng nhà ở, ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.

Hộ gia đình được hỗ trợ phải là hộ người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương trước ngày 15/6/2013.

Sau 5 năm thực hiện chính sách đã cho thấy nhiều ưu việt trong cải thiện cuộc sống cho người có công, tuy nhiên qua thời gian dài thực hiện đã xảy ra nhiều bất cập. Bên cạnh hàng chục nghìn hộ đã xây, sửa được nhà, thì cũng có nhiều hộ dù đã được phê duyệt hồ sơ, căn nhà đã dột nát nhưng không thể nhận được nguồn hỗ trợ này. “Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân để người có công chưa thể tiếp cận được chính sách”, ông Chu Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB Nguyễn Đức Hương ở xóm Bắn xã Nghi Thiết. Nghi Lộc. Ảnh: Thu Hiền
Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB Nguyễn Đức Hương ở xóm Bắn xã Nghi Thiết - Nghi Lộc. Ảnh: Thu Hiền
Hiện nay toàn tỉnh đang có đến 5.737 căn đã được phê duyệt chiếm 21,37 % chưa triển khai xây dựng. Bên cạnh đó có 1.201 hộ đưa ra khỏi đề án do phê duyệt sai đối tượng, xin rút, trùng lặp danh sách. Nhiều địa phương tỷ lệ giải ngân thấp như Tương Dương (39,70 %); Đô Lương (59,02%), Diễn Châu (63,51%); Quỳnh Lưu (69,6%)... Các địa phương đều có nguyên nhân chung là do thời gian hưởng lợi dự án dài, kể từ khi rà soát cho đến khi được giải ngân, nên danh sách đối tượng có nhiều biến động.

Tại huyện Diễn Châu, nơi có tới 5.207 hộ được hưởng lợi từ Đề án, nhưng hiện tại mới chỉ  3.307 căn nhà được hoàn thành. Có tới 1.596 căn vì nhiều lý do chưa thể xây dựng được trong năm 2018. Bên cạnh đó, do có tới 500 hộ sai đối tượng, hoặc xin rút hồ sơ vì gia đình không đủ kinh phí tự chủ còn lại; nhiều hộ sau thời gian dài chờ đợi do nhà đã hư hỏng nhiều nên đã ứng trước từ các nguồn hỗ trợ khác, nay cũng rất khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ theo đề án này.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho CCB Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Toàn
Bàn giao nhà tình nghĩa cho CCB Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Toàn
Hay như Quỳnh Lưu mới chỉ có 830/1.191 căn nhà hoàn thành đạt 69,6%. Trong đó có tới 70 hộ xin rút khỏi danh sách được phê duyệt hoặc không đủ điều kiện. Có 40 hộ đối tượng được hỗ trợ đã mất nhưng con cái vẫn ở trong ngôi nhà đó; 39 hộ đã được nhận từ các nguồn hỗ trợ khác. Ông Nguyễn Sơn Hà, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Kinh phí được cấp cho địa phương đến đâu thì chúng tôi giải ngân cho các hộ chính sách ngay đến đó, nhưng vì còn nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, địa phương không “tự quyết” được nên đành chờ hướng dẫn vậy.”

Ông Chu Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm: Việc từ chối nhận hỗ trợ đang xảy ra ở nhiều địa phương, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, nhiều gia đình trước đây đã được phê duyệt sửa chữa, nhưng trong quá trình chờ kinh phí giải ngân thì nhà đã xuống cấp trầm trọng nay lại muốn được xây mới, nhưng  theo quy định tại QĐ 22 lại không được điều chỉnh. Hoặc, có nhiều địa phương số đối tượng muốn được xây mới nhà tại một vị trí sai khác với vị trí ban đầu cũng đang có kiến nghị muốn được điều chỉnh để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó hiện có rất nhiều gia đình người có công tại thời điểm rà soát nhà họ chưa hư hỏng, nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng cũng làm đơn kiến nghị xin hưởng chính sách.

 Cần gia hạn thời điểm chi trả

Căn nhà ông Hồ Văn Hoạt xóm 8 - Quỳnh Văn đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa đủ kinh phí để xây dựng trong năm nay. Ảnh: Thanh Nga
Căn nhà ông Hồ Văn Hoạt xóm 8 - xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa đủ kinh phí để xây dựng trong năm nay. Ảnh: Thanh Nga
Thương binh Hồ Văn Hoạt  xóm 8 - xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu đang có nguyện vọng xin gia hạn để được xây dựng lại căn nhà đã quá xuống cấp, dột nát của ông. Thực tế, dù đã cố gắng nhưng chính quyền địa phương vẫn rất khó huy động thêm nguồn hỗ trợ cho ông. Bản thân gia đình ông thiếu thốn tứ bề, anh em bà con cũng không ai khá giả để có thể ủng hộ cho ông cất dựng căn nhà mới.
Ông Hoạt đi bộ đội tham gia chiến trường B năm 1969, sau khi chịu sức ép bom mìn nay đã đầu óc không còn tỉnh táo, ông nói: “Tôi lấy đâu ra tiền mà xây nhà, con cái đứa còn đứa mất, và đều nghèo khó nên không thể hỗ trợ được gì. Biết Nhà nước thương nhưng hiện tại chưa biết vay mượn đâu để thêm vào xây cho được 1 gian nhà”. Ông Hoạt là 1 trong 14 hộ/47 hộ được phê duyệt của xã Quỳnh Văn muốn được gia hạn thời điểm xây dựng sang năm 2019.

Hiện nay huyện Quỳnh Lưu có tới 267 hộ diện chính sách được hỗ trợ chưa xây dựng, sửa chữa trong năm 2018. “Vì họ không đủ điều kiện làm nhà trong năm nay, mà theo niên hạn được quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ - TTg thì đến 31/12/2018 các hộ phải hoàn thiện nhà xây mới, sửa chữa thì mới được cấp đủ kinh phí hỗ trợ ”, ông Đặng Minh Hoài - Phó Phòng LĐTB & XH huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Theo ông Hoài rất nhiều hộ nhà ở đến thời điểm hiện tại đã xuống cấp trầm trọng nhưng đối với họ việc xây nhà mới là điều “không tưởng” dù họ đã được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo QĐ 22. “Vì trên thực tế để nhận được 40 triệu tiền hỗ trợ thì họ phải hoàn thiện nhà, mà với giá cả bây giờ, 1 căn nhà rẻ nhất cũng có giá từ 100 – 150 triệu đồng. Nhiều nhà không thể huy động được kinh phí và các nguồn hỗ trợ khác nên dù rất muốn có căn nhà mới cũng không thể đổ móng được trong năm nay”, ông Nguyễn Sơn Hà trưởng Phòng Kinh tế & Hạ tầng cho hay.

Tương tự tại huyện Yên Thành, hiện có 146 hộ trong diện được hỗ trợ nhà ở, nhưng chưa đủ kinh phí để xây dựng, sửa chữa.  Ông Phan Thanh Cao, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Yên Thành cho biết: “Sau khi chúng tôi đã loại trừ hết các hộ trùng lặp, hộ xin rút vì chuyển đến ở với con cái, hoặc không có nhu cầu sửa chữa xây mới, thì có rất nhiều hộ muốn được thụ hưởng chính sách, và thực tế qua khảo sát chúng tôi thấy nhu cầu này là bức thiết, ngoài các hộ đã thống kê vẫn còn hàng chục hộ ban đầu không có trong danh sách được phê duyệt nhưng nay mong muốn được thụ hưởng chính sách vì nhà họ quá dột nát”.

Đoàn khảo sát ĐBQH tỉnh thăm gia đình ông Nguyễn Cảnh Tường, khối 13 thị trấn Dùng (Thanh Chương) là bệnh binh 2/3 được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: Tư liệu
Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thăm gia đình ông Nguyễn Cảnh Tường, khối 13 thị trấn Dùng (Thanh Chương) là bệnh binh 2/3 được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: Tư liệu

Hiện toàn tỉnh còn có tới 5.737 hộ mong muốn được gia hạn tiến độ xây dựng nhà ở vì trên thực tế đến thời điểm này họ chưa thể huy động được kinh phí. Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB & XH kiến nghị: “Số gia đình chưa xây dựng trong năm 2018 là quá lớn và đa số họ đều có lý do thiết thực vì vậy chúng ta cần đề xuất gia hạn thời điểm giải ngân đến cuối năm 2019, vì nếu không sẽ có nhiều hộ chính sách rất thiệt thòi.”

Tại cuộc họp ngày 7/12, đồng chí Thái Thanh Quý  - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Những khó khăn trong tiến độ giải ngân là sát với thực tế, tuy nhiên mỗi địa phương cần làm đúng và sát với các quy định tại QĐ 22. Ngoài ra những hộ đang có nhu cầu xin được gia hạn hoặc mong muốn được đăng ký xây dựng, sửa chữa các địa phương cần rà soát kỹ để có phương án trình các cấp giải quyết”, bên cạnh đó,  Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định sẽ bố trí đầy đủ kinh phí để xây dựng cho các hộ đã được phê duyệt.

Đến nay có 18.844 căn/26.846 căn nhà đã được hoàn thành (đạt tỷ lệ 70,19 %), Số căn nhà đang xây dựng: 2.265 căn/26.846 căn (tỷ lệ 8,43%). Số tiền đã giải ngân hỗ trợ cho các đối tượng: 545. 154,0 triệu đồng/773.190,1 triệu đồng đạt tỷ lệ 70,51%.

Mỗi hộ gia đình nếu được phê duyệt sửa chữa sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng; xây mới được hỗ trợ 40 triệu.

tin mới

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.