Giải pháp nâng chất lượng khám, chữa bệnh
(Baonghean) - Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chương trình, đề án nhằm tạo điều kiện cho ngành Y tế hoạt động, trong đó có Nghị quyết số 08- NQ/TU- ngày 16/11/2006 của BTV Tỉnh ủy, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Hiện nay, mạng lưới cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở phát triển khá đồng bộ, đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên về số lượng và chất lượng, y đức trong các bệnh viện có nhiều chuyển biến. Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện rõ rệt, nhiều kỹ thuật cao được triển khai thực hiện, nhiều thiết bị y tế hiện đại chuyên sâu trong chẩn đoán điều trị được trang bị, góp phần tích cực trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, giảm tải cho tuyến Trung ương, vừa giảm chi phí cho người bệnh.
Trong 5 năm qua, công tác xã hội hoá y tế phát triển mạnh, nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập đã ra đời và đi vào hoạt động, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Kinh phí đầu tư cho y tế được tăng cường, các chương trình, dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện và cơ sở y tế được triển khai kịp thời, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện 115. Ảnh: T.V
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra, như: tỷ lệ xã có bác sỹ, tỷ lệ thôn bản có cán bộ y tế hoạt động, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ gia đình có hố xí hợp vệ sinh... Chất lượng khám, chữa bệnh chưa ngang tầm; tinh thần thái độ phục vụ, y đức của một số y bác sĩ còn thấp; công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân ở một số địa phương, cơ sở chưa chặt chẽ. Quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế hiệu quả chưa cao. Công tác y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện chưa được giải quyết tốt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó chủ yếu là do một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển sự nghiệp y tế. Thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu, chuyên ngành ở các tuyến. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là y đức cho cán bộ, nhân viên y tế ở một số đơn vị chưa được coi trọng; một số cán bộ ngành Y tế sớm thỏa mãn, chưa chịu khó rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, suy giảm về đạo đức nghề nghiệp.
Để Nghị quyết 08 của BTV Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài việc đánh giá hiệu quả, rút bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: trước hết, tăng cường củng cố các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo nguyên tắc giữ vững định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển vì an sinh xã hội; hệ thống y tế công lập phải giữ vai trò chủ đạo. Khuyến khích xã hội hóa công tác y tế nhằm huy động một cách hợp lý các nguồn lực trong cộng đồng và xã hội phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế của địa phương; thực hiện tốt chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và thu hút cán bộ y tế, đồng thời chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết chấn chỉnh và khắc phục những biểu hiện tiêu cực tại các cơ sở y tế. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu và công nghệ mới đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Tập trung ưu tiên phát triển khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực: phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, phát triển nuôi trồng chế biến dược liệu và sản xuất thuốc, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác quản lý y tế và áp dụng lộ trình quản lý chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quy định. Ngành Y tế cần phối hợp thực hiện tốt các chính sách y tế đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách...
Tuy nhiên, để ngành Y tế hoạt động hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành, tỉnh cần quan tâm đầu tư ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế; ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng; từng bước chuyển việc đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở dịch vụ công sang đầu tư trực tiếp cho người hưởng dịch vụ bằng cách mua thẻ BHYT. Quan tâm y tế tuyến xã, nhất là vùng khó khăn, ưu tiên các xã mới thành lập (11 xã); hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa các huyện, thành, thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Đa khoa 700 giường, bệnh viện Đa khoa Tây Bắc, Tây Nam, bệnh viện Nội tiết, nâng cấp Bệnh viện Nhi. Ưu tiên đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm huyết học truyền máu, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An, hệ thống xử lý chất thải các bệnh viện. Xây dựng Đề án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền theo hướng đa khoa hiện đại.
Phan Thanh Đoài