Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng dân tị nạn Đông Nam Á?
Người Myanmar và Bangladesh di dân lênh đênh trên biển Đông Nam Á sau khi bị các chủ tàu bỏ mặc, đang trở thành vấn đề nhức nhối với Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia vẫn chưa thể tiếp nhận các tàu chở di dân này. Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực nhanh chóng có biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Em bé này và mẹ của em kiệt sức khi được tàu Indonesia cứu hộ vào thị trấn Kuala Langsa, tỉnh Aceh (ảnh: AFP) |
Các tàu chở hàng nghìn người nhập cư vẫn lênh đênh tại vùng biển Đông Nam Á sau khi bị các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan từ chối cho cập bến. Ba nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã tiến hành cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu di dân nhưng cương quyết không dung túng các trường hợp nhập cư bất hợp pháp, vì cho rằng nếu linh hoạt tiếp nhận một nhóm người, thì rất sẽ dẫn tới tình trạng nhập cư ồ ạt vào nước họ.
Chính phủ Thái Lan tuần qua nhắc lại quan điểm của họ là sẽ cứu hộ, chu cấp nhu yếu phẩm cho các tàu di dân nhưng không cho phép cập bến. Mới đây Thái Lan đã phối hợp với chính phủ Malaysia triệt phá một số đường dây buôn người và tổ chức người vượt biên trái phép hoạt động ở miền Bắc Malaysia và miền Nam Thái Lan.
Ông Abu Bakar, Tổng Thanh tra cảnh sát Malaysia cho biết: “Với sự phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo với Thái Lan, cảnh sát hoàng gia Malaysia đã triệt phá 7 đường dây buôn người, bắt gữ 38 cá nhân, trong đó có 21 công dân Myanmar, 16 công dân Malaysia, 1 công dân Indonesia”.
Trước các biện pháp siết chặt an ninh của Thái Lan, các tổ chức buôn người đã có những thủ đoạn mới, lừa gạt di dân như không đưa di dân vào bờ ngay mà cứ để họ chờ đợi vạ vật trên thuyền ngoài khơi. Rõ ràng, Thái Lan cùng với Malaysia, Indonesia đang ở thế khó bởi nếu mở cửa tiếp nhận sẽ kích thích dòng người di cư, còn nếu không tiếp nhận sẽ gây ra thảm họa nhân đạo như Liên hợp quốc cảnh báo.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi các nước trong khu vực trước mắt cần phối hợp tìm giải pháp trước tình trạng nguy nan của di dân trên những con tàu lênh đênh trên biển.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, việc từ chối cho các tàu cập bến có thể biến các con tàu đó thành những “quan tài nổi”, đồng thời kêu gọi các nước đặt mạng sống của con người lên trên hết.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hối thúc chính phủ các nước mở cửa biên giới, hải cảng để giúp những di dân đang cần hỗ trợ. Tổng thư ký lưu ý, cần nỗ lực tổ chức Hội nghị khu vực và kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á tăng cường các nỗ lực để giải quyết tận gốc vấn nạn này”.
Trước tình hình này, hôm qua, Malaysia bắt đầu các hoạt động ngoại giao nhằm tổ chức hội nghị cấp cao với các nước láng giềng để bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman hôm qua đã có cuộc gặp với người đồng cấp Bangladesh Mahmood Ali tại Sabah, Malaysia.
Ngoại trưởng Malaysia nêu rõ, những năm gần đây, nước này đã tiếp nhận hơn 45 nghìn người Rohingya ở Myanmar nhưng hiện nay không thể tiếp nhận hơn nữa.
Ngày mai (19-05), Malaysia sẽ tổ chức hội nghị 3 bên tại Kuala Lumpur với Ngoại trưởng của Indonesia và Thái Lan. Malaysia cũng đề nghị Myanmar tham dự vì sự có mặt của Myanmar là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Một hội nghị cấp cao khác do Thái Lan tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 29-05 với sự tham gia của 15 nước liên quan.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua cũng điện đàm với người đồng cấp Thái Lan, thảo luận khả năng Thái Lan thành lập các trại tị nạn cho di dân lưu trú. Các chuyên gia kêu gọi các nước cần triển khai hải quân cùng các các thiết bị trinh sát trên không để phát hiện các tàu di dân, tiến hành cứu hộ kịp thời khi cần thiết./.
Theo VOV