Giải pháp nào gỡ khó trong thực hiện mô hình trường tiểu học bán trú ở Nghệ An?
(Baonghean.vn) -Trường học bán trú được xem là mô hình hiệu quả phù hợp với đặc thù của các huyện miền núi cao. Hiện mô hình đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, điều kiện hoạt động của các trường còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cơ sở vật chất chắp vá
Cuối tháng 9 vừa qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tiền Phong 2 có quyết định chính thức để công nhận trường bán trú. Đây là ngôi trường tiểu học bán trú thứ 2 trên địa bàn huyện Quế Phong với số lượng học sinh là người dân tộc thiểu số đang học tập và ở tại trường là 81 em, chiếm 1/3 học sinh toàn trường. Học sinh ở bán trú đa phần là học sinh các lớp 3, 4, 5 được chuyển về từ các điểm lẻ Nà Pón, Huồi Muống, Nà Sách.
Thực hiện mô hình trường bán trú, các em ở tập trung tại trường 5 ngày trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Tất cả việc ăn, ở, sinh hoạt và học tập đều do giáo viên trong trường cắt cử nhau thực hiện.
Việc đưa vào thực hiện mô hình trường bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tiền Phong 2 được xem là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, riêng các em từ lớp 3 trở lên, ngoài các môn văn hóa theo quy định, môn tiếng Anh và Tin học trở thành bắt buộc. Để các em được học tập đầy đủ các môn học theo đúng chương trình, cách duy nhất đó là chuyển các em về điểm trường chính để học tập trung, tránh chia nhỏ lớp như trước đây, không đảm bảo tổ chức dạy học. Bất cập hiện nay, đó là dù đã xây dựng mô hình trường bán trú nhưng cơ sở vật chất ở nhà trường đang ở con số 0.
Vì vậy, hiện nay, phòng ở cho các em nhà trường vẫn đang phải mượn tạm hội trường của trường mầm non. Khu nhà ở sơ sài, ngay cả giường, phản nằm cho học sinh cũng đang phải sắp xếp tạm bợ. Ngoài ra, các điều kiện để tổ chức bán trú khác như nhà tắm, sân chơi, khu nhà bếp để tổ chức nấu ăn cho học sinh cũng chưa được đầu tư theo đúng quy định.
Chúng tôi vừa có tờ trình gửi huyện và ngành Giáo dục đề nghị sớm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị sinh hoạt cho nhà trường. Trước mắt, chúng tôi mong sớm có 30 chiếc giường để đảm bảo chỗ ngủ cho các em khi mùa Đông đang đến rất gần, để các em không phải ở tạm trên những chiếc sạp gỗ sơ sài, thiếu thốn và không đủ ấm.
Trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Bảo Nam (Kỳ Sơn) cũng vừa được công nhận là trường bán trú từ năm học này. Toàn trường có 67 học sinh là người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ theo Quyết định 116 đang ở tại trường liên tục các ngày trong tuần. Ngoài ra, có hơn 150 em, trong đó có cả học sinh ở các điểm lẻ như Phía Khoáng, Khe Nạp chỉ ăn bữa trưa ở trường theo nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Trước đó, để thực hiện mô hình bán trú này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Bảo Nam được Đài tiếng nói Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 4 phòng ở cấp 4, tạm đủ chỗ ở cho học sinh. Còn lại, sau một năm đi vào hoạt động, cơ sở vật chất của nhà trường hầu như không được bổ sung gì thêm, điều kiện sinh hoạt, vui chơi đều đang tạm bợ, thiếu thốn.
Thầy giáo PhạmBá Đường – Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Việc tổ chức mô hình bán trú đem lại rất nhiều hiệu quả. Rõ nhất là các em được chăm sóc đầy đủ, sức khỏe được cải thiện. Ngoài ra, các em được học tập trung, trong môi trường giáo dục tốt, có nhiều cơ hội để giao lưu với bạn bè... Tuy nhiên, để mô hình triển khai hiệu quả thì cần phải được đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức bán trú như nơi vui chơi, sinh hoạt, bếp ăn tập thể...
Cần tạo cơ chế và điều kiện để hoạt động
Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện mô hình bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học. Riêng trong 2 năm trở lại đây, số trường được thành lập ngày càng nhiều.
Trong đó, huyện Kỳ Sơn, hơn 90% trường tiểu học trên địa bàn đã được công nhận là trường bán trú, huyện Tương Dương, tính đến năm học 2022-2023, toàn huyện đã thành lập được 19 trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, trong đó có 8 trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và tiếp tục đang xây dựng thêm 3 trường khác dự kiến được công nhận trong năm nay. Các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông mô hình này cũng đang tiếp tục được phát triển.
Nhờ thành lập các mô hình trường bán trú, đã giảm thiểu tối đa tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần. Học sinh ở bán trú được học 2 buổi/ngày, các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường, việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã được chú trọng, chất lượng giáo dục toàn diện có sự chuyển biến rõ nét, vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hầu hết các mô hình trường bán trú ở bậc tiểu học hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sinh hoạt. Trước đó, việc triển khai mô hình này diễn ra trong điều kiện khá cấp bách khi chương trình mới đòi hỏi các nhà trường phải rút học sinh từ điểm lẻ về học tập trung để theo tiến độ chương trình. Trong khi đó, các điều kiện để tổ chức bán trú lại chưa kịp đầu tư hoặc có thì còn chắp vá, thiếu thốn.
Như ở Trường Tiểu học Nga My (Tương Dương) hiện nay nhà trường đang có hơn 100 học sinh đang ở bán trú nhưng trường chưa có phòng ở cho học sinh. Nhà trường đang tạm phải chuyển đổi phòng ở giáo viên và phòng chức năng thành phòng nội trú. Số còn lại, khoảng 50 em đang ở tại ngôi nhà sàn nhà trường đang thuê cạnh trường. Điều kiện tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh chưa đảm bảo theo quy định.
Thầy giáo Kha Văn Thông - Hiệu trưởng nhà trường nói rằng: Hiện nay, trường đang trong thời gian làm hồ sơ để công nhận trường bán trú và chúng tôi mong sớm được đầu tư để việc tổ chức bán trú cho học sinh được thuận lợi và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Hầu hết các trường tiểu học bán trú đều gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú. Vì vậy, chúng tôi rất mong các ban, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đặc biệt nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú.
Trong điều kiện hiện nay, việc kêu gọi xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường bán trú là điều rất khó khăn. Trong khi, muốn tổ chức bán trú có chất lượng thì phải được đầu tư đồng bộ, phụ huynh mới yên tâm gửi gắm con em đến trường.
Ngoài những khó khăn trên, mô hình trường bán trú ở các huyện miền núi cao còn đang đứng trước nhiều thực tế khác như thiếu giáo viên, thiếu cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ giáo viên đối với trường chuyên biệt chưa được bố trí đủ số lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chế độ chính sách cho học sinh người dân tộc thiểu số còn thấp.
Do đó, song song với việc phát triển mô hình này, các nhà trường và các địa phương cũng mong muốn, tỉnh cần có những chính sách ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung kịp thời các trang thiết bị để phục vụ tối thiểu cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh và nhà trường./.