Giải pháp nào xử lý nợ xấu ?

13/08/2012 11:08

(Baonghean) - Có lẽ chưa bao giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đề cập nhiều đến vấn đề nợ xấu của các ngân hàng như hiện nay. Nợ xấu giờ đây không chỉ là nỗi lo trong phạm vi của ngành ngân hàng mà đã trở thành nỗi lo chung của quốc gia và nền kinh tế khi con số nợ xấu ngày càng gia tăng, chưa có điểm dừng…

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, đến 31/7/2012 nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh lên tới 2.326 tỷ đồng, tăng 1.360 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu của các doanh nghiệp 1.111 tỷ đồng; hộ kinh doanh, cá nhân và các thành phần khác 1.215 tỷ đồng. Nợ xấu đang gây hiệu ứng dây chuyền không tốt trong đời sống xã hội cũng như trong phát triển kinh tế chung. Khi Ngân hàng có nợ xấu thì phải lo tìm mọi giải pháp để xử lý nợ xấu; doanh nghiệp, hộ cá nhân có nợ xấu cũng bận tâm với “cục nợ”, lo lắng tìm cách để xoay trả. Cả bên cho vay và bên vay đều “luẩn quẩn” với nợ xấu, do đó không còn năng lực để tập trung vào đầu tư, sản xuất kinh doanh mới, dẫn đến tình trạng đình trệ dây chuyền trong nền kinh tế.



Ngân hàng ráo riết tìm giải pháp thu hồi nợ xấu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng nhanh, trong đó có sự phát triển ồ ạt của hệ thống ngân hàng thương mại trong những năm gần đây cũng là một nguyên nhân. Sự ra đời một cách dễ dàng của các ngân hàng đã gây áp lực cho bản thân ngân hàng trong đó việc tìm mọi cách để tăng vốn huy động, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng cách nới lỏng tiêu chuẩn cho vay… làm cho nợ xấu gia tăng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, thị trường liên tục chứng kiến các cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại. Khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay đầu ra buộc phải tăng theo. Do đó, chi phí vốn của doanh nghiệp đội lên, khả năng trả nợ bị ảnh hưởng, dẫn tới nợ quá hạn, nợ xấu.

Cùng thời điểm lãi suất cao, thị trường bất động sản sôi động bán - mua, đẩy hiện tượng “bong bóng” giá bất động sản, không ít ngân hàng đã cho vay đầu tư bất động sản. Cụ thể, nợ xấu của lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tính đến 31/7/2012, chiếm khoảng 50% nợ xấu toàn địa bàn. Điều đáng nói thêm là, chiếm phần lớn trong danh mục tài sản thế chấp vay vốn hiện nay tại các ngân hàng thương mại là bất động sản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quỳnh An- Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Vinh phân tích: Thực hiện chủ trương của Chính phủ theo Nghị quyết 11/NQ-CP là thắt chặt chi tiêu công, cắt giảm các công trình xây dựng, các dự án…. hạn chế cho vay phi sản xuất và bất động sản, ngân hàng đã thắt chặt các khoản vay, chỉ ưu tiên cho vay sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu…Hiện nay, cơ cấu dư nợ tại các ngân hàng trên địa bàn Nghệ An chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, bán buôn, bán lẻ, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước, công nghiệp chế biến, dịch vụ. Các ngành này đều có liên quan mật thiết với nhau và tương hỗ lẫn nhau nên khi một ngành gặp khó khăn thì kéo theo các ngành khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Chính phủ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm các dự án, công trình thì ngành xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Công trình thi công không được bố trí nguồn thanh toán, kéo theo ngành bán buôn bán lẻ như vật liệu xây dựng… cũng không tiêu thụ được hàng hóa, công nghiệp chế biến cũng không có đầu ra…Dẫn tới tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ để trả nợ ngân hàng nên phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu.

Ông Vũ Văn Thắng - Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải chi nhánh Nghệ An cho rằng: “Nợ xấu gia tăng có nguyên nhân từ thực trạng kinh tế và rủi ro về chính sách, rủi ro về đạo đức nghề nghiệp. Cán bộ ngân hàng cố tình làm sai các quy trình, làm hồ sơ khống, làm sai lệch hồ sơ, định giá tài sản vượt xa giá trị thực tế… Quy trình của ngân hàng là chặt chẽ, nhưng đôi khi do áp lực của kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng, khiến cán bộ ngân hàng xét duyệt cho vay “thoáng” hơn, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng nợ xấu.

Để xử lý nợ xấu có hiệu quả, ông Lê Quỳnh An - Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Vinh cho hay: Căn cứ vào tình hình thực tế của khách hàng có nợ xấu, ngân hàng sẽ có các biện pháp xử lý cụ thể như tư vấn các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp; cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi suất, tìm đầu ra cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hoá. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hồi công nợ… Đối với trường hợp khách hàng không có thiện chí trả nợ thì ngân hàng phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu là việc nên quyết định và hành động nhanh để tránh những hệ luỵ tiêu cực cho nền kinh tế.


Quỳnh Lan

Giải pháp nào xử lý nợ xấu ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO