Giải pháp phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại
+ Để phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại nước ta phải:
- Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế - kỹ thuật, vùng và giá trị mới; tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa; phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hoá chất, công nghiệp quốc phòng.
- Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin truyền thông, công nghiệp dược và công nghiệp phụ trợ; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu.
- Từng bước phát triển công nghiệp sinh học và môi trường; tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao...
- Thực hiện phân bố công nghiệp hợp lý trên toàn lãnh thổ, bảo đảm phát triển cân đối và hiệu quả giữa các vùng; phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp trong nước và có khả năng cạnh tranh đấu thầu quốc tế; ưu tiên phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng chất lượng cao...
+ Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững, chúng ta phải:
- Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển hàng hoá lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa lợi ích người sản xuất, chế biến và tiêu thụ; giữa áp dụng kỹ thuật và công nghệ với sản xuất, phát triển nông nghiệp với nông thôn mới...
- Đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo; phát triển hệ thống kho chứa nông sản, góp phần điều tiết cung cầu; tiếp tục đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức để phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với cơ chế thị trường.
- Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất lúa sang sử dụng vào mục đích khác, đảm bảo lợi ích người và địa phương trồng lúa; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ và giống phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; phát triển các hình thức bảo hiểm nông nghiệp phù hợp.
- Đẩy mạnh chăn nuôi theo phương thức công nghiệp; phát triển lâm nghiệp bền vững; có chính sách để quản lý tốt rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khai thác bền vững, hiệu quả nguồn lợi thủy sản, phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển....
(còn nữa).
Phòng Bạn đọc