Sức khỏe

Giải quyết tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập

Thành Chung (thực hiện) 21/07/2024 06:27

Thời điểm này, tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh xuất hiện tình trạng thiếu thuốc cục bộ, gây ảnh hưởng đến công tác điều trị và quyền lợi của người bệnh.

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An xung quanh vấn đề này.

Dược sĩ Trần Minh Tuệ trao đổi về tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh Thành Chung (1)
Dược sĩ Trần Minh Tuệ trao đổi về tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh: Thành Chung

P.V: Thưa ông! Qua phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng thiếu những loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh phải mua ở bên ngoài. Ông có thể nói gì về tình trạng này?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Để đảm bảo nhu cầu thuốc điều trị trong năm 2024, từ năm 2023, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Thực hiện sự chỉ đạo, hầu hết đơn vị đã xây dựng dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc, xây dựng kế hoạch, tiến hành đấu thầu mua sắm thuốc. Chỉ có 4 đơn vị không thực hiện kịp trong năm 2023.

Kết quả mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở các cấp như sau: Thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia, Sở Y tế đã tổng hợp, báo cáo đề xuất 115 mặt hàng thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia với tổng tiền trên 362,2 tỷ đồng; kết quả đã lựa chọn 85 mặt hàng, với tổng giá trị trên 238,5 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 73,9% danh mục, 65,6% về giá trị)... Thực hiện đấu thầu tập trung cấp tỉnh, Sở Y tế tổ chức đấu thầu 232 mặt hàng, tổng giá trị gần 522 tỷ đồng; kết quả lựa chọn được 182 mặt hàng, với tổng giá trị trên 429,2 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 78% về danh mục, 82% về giá trị).

Đấu thầu tại các cơ sở y tế, các cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức lập kế hoạch lựa chọn 266 gói thầu gồm 34.766 mặt hàng, tổng giá trị trên 3.770 tỷ đồng; kết quả lựa chọn được 15.437 mặt hàng trúng thầu (đạt tỷ lệ 78% so với mời thầu), tổng giá trị trên 2.110 tỷ đồng (đạt 84% so với giá trị mời thầu).

Trong đó, riêng với các mặt hàng thuốc, các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đấu thầu 128 gói thầu, 11.983 mặt hàng, tổng giá trị 1.725 tỷ đồng, lựa chọn được 9.037 mặt hàng, với giá trị 1.427 tỷ đồng, đạt 75% về danh mục, 83% về giá trị.

Kết quả đấu thầu cho thấy, có một số mặt hàng thuốc phục vụ điều trị năm 2024 đã không lựa chọn được nhà thầu do nhiều nguyên nhân. Đã có 12 cơ sở y tế trong tỉnh báo cáo có thiếu thuốc với tổng số mặt hàng thiếu là 668 mặt hàng, tổng giá trị trên 55 tỷ đồng (tương ứng với 2% về danh mục, 1% về giá trị so với tổng giá trị các gói thầu của năm 2024).

Tình trạng thiếu một số loại thuốc thiết yếu đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh tư liệu
Tình trạng thiếu một số loại thuốc thiết yếu đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh: Tư liệu

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tích cực, chủ động tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết để thực hiện theo đúng quy định, tiến độ, lộ trình đấu thầu mua sắm phục vụ công tác khám, chữa bệnh trong năm 2024 đã đặt ra. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành 12 quyết định mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế; 17 kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Đồng thời, sở cũng tổ chức nhiều cuộc làm việc với các sở, ngành và đơn vị trực thuộc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Dẫu rất cố gắng nhưng vẫn phải nói rằng, hiện nay, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có hiện tượng thiếu cục bộ đối với một số mặt hàng thuốc (dược liệu, vị thuốc, một số hóa chất, vật tư đặc thù và một số thuốc quản lý đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần...). Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.

P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về những nguyên nhân dẫn đến việc đấu thầu chưa đạt kết quả cao và việc thiếu thuốc cục bộ như hiện nay?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế, tồn tại trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc. Về chủ quan, đó là việc một số cơ sở y tế chưa chủ động, linh hoạt trong quá trình lập kế hoạch cung ứng thuốc. Trong đó, có tình trạng nhân lực tham gia đấu thầu còn yếu và thiếu. Nhân viên y tế ngại không muốn tham gia vào công tác đấu thầu.

Do bệnh viện thiếu thuốc, dịch tiêm chuyền nên người dân phải ra ngoài mua để điều trị bệnh. Ảnh Thành Chung
Do bệnh viện thiếu thuốc, dịch tiêm chuyền nên người dân phải ra ngoài mua để điều trị bệnh. Ảnh: Thành Chung

Về khách quan, như ta đã biết, thuốc sử dụng trong khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập đều phải qua đấu thầu. Trong quá trình đấu thầu, có một số loại thuốc đã không lựa chọn được nhà thầu (luôn có khoảng 10 đến 20% mặt hàng không có nhà thầu trúng thầu) vì nhiều lý do khác nhau, như giá dự thầu các nhà thầu cao hơn giá kế hoạch. Nhà thầu không tham dự thầu đối với một số mặt hàng đã biến động, tăng so với giá kế hoạch được lập. Nhà thầu không tham dự thầu đối với một số mặt hàng có số lượng kế hoạch quá ít. Và thậm chí có trường hợp không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Và ngay cả khi những mặt hàng thuốc đã trúng thầu - có nhà thầu cung ứng thì tình trạng thiếu mặt hàng thuốc đó vẫn có thể xảy ra, với những lý do sau: Có loại thuốc bị đứt chuỗi cung ứng trên toàn cầu hoặc ở Việt Nam đã khiến nhà thầu không thể cung cấp. Một số loại thuốc hết số đăng ký. Nhà thầu không cung cấp đối với một số mặt hàng có số lượng kế hoạch quá ít. Nhà thầu ngừng cung cấp thuốc khi công nợ của cơ sở y tế chưa được thanh, quyết toán dứt điểm.

Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc còn đến từ việc rất khó có thể dự đoán được chính xác nhu cầu sử dụng đối với từng loại thuốc. Sự biến động này đến từ việc mô hình bệnh tật không ngừng thay đổi. Nhu cầu sử dụng thuốc không cố định. Trong khi đó, việc mua thuốc lại cần phải thông qua thủ tục đấu thầu rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Trong năm 2024 này, việc đấu thầu mua sắm thuốc được thực hiện theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Tuy nhiên, các bộ, ban, ngành lại chậm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện. Đơn cử như đến ngày 17/5/2024, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Vậy nên, trong quá trình đó, các cơ sở y tế chưa có căn cứ để thực hiện đấu thầu bổ sung các loại thuốc còn thiếu.

P.V: Trước tình trạng thiếu thuốc như hiện nay, Sở Y tế Nghệ An đã có những chỉ đạo gì, hình thức hỗ trợ nào đối với cơ sở y tế trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Phải nói rằng, Sở Y tế và các đơn vị khám, chữa bệnh đã, đang cố gắng tìm kiếm, triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Cụ thể, để giải quyết nguy cơ thiếu thuốc, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tìm kiếm các sản phẩm để thay thế có tác dụng tương đồng, xây dựng danh mục hàng hóa mua sắm đa dạng; chủ động tổ chức đấu thầu lại đối với những mặt hàng không trúng thầu và không có mặt hàng thay thế khác; chủ động triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với mặt hàng không thuộc danh mục mua sắm tập trung... Với các mặt hàng khan hiếm, các đơn vị phải có giải pháp dự trữ đảm bảo đủ thuốc.

Việc các nhà thầu không pham gia, trượt thầu nhiều mặt hàng sẽ ảnh hướng lớn đến công tác khám chữa bệnh. Ảnh Internet
Việc các nhà thầu không tham gia, trượt thầu nhiều mặt hàng sẽ ảnh hướng lớn đến công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: Tư liệu

Hiện nay, có những loại thuốc thiếu cục bộ do nhà sản xuất không sản xuất, đứt gãy trên toàn cầu, nhà cung ứng không có để cung cấp (ví dụ như một số dung dịch tiêm truyền, Vitamin K) đã gây không ít khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung. Với những mặt hàng này, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải khẩn trương chuẩn bị phương án tìm kiếm những sản phẩm tương đồng trong thời gian tới.

Bên cạnh công tác chỉ đạo các đơn vị, Sở Y tế cũng không ngừng cập nhật thông tin, triển khai kịp thời các chỉ đạo của Trung tâm mua sắm quốc gia đối với việc tổ chức đấu thầu, mua sắm đối với các thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia; không ngừng nâng cao năng lực tổ chức đấu thầu của các cơ sở y tế; thường xuyên liên hệ với các cơ sở y tế để kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc và đưa ra các giải pháp tháo gỡ; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc của các đơn vị y tế, kịp thời chấn chỉnh đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, tổ chức cung ứng thuốc dẫn đến thiếu thuốc tại các cơ sở y tế.

Để hỗ trợ, nâng cao năng lực tổ chức đấu thầu của các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế đã xây dựng quy trình đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế; tổ chức hướng dẫn, phổ biến quy trình đấu thầu cho các cơ sở y tế. Sở cũng đã thành lập các tổ hỗ trợ chuyên môn đấu thầu cho các đơn vị chưa có kinh nghiệm về đấu thầu; tổ chức các đợt tập huấn đấu thầu miễn phí cho các đơn vị khám, chữa bệnh trong tổ chức thực hiện đấu thầu... qua đó, giúp cho các đơn vị triển khai đấu thầu một cách nhanh chóng, đảm bảo các quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh hàng tháng phải báo cáo về vấn đề cung ứng thuốc cho bệnh nhân, trong đó, phải dự báo các loại thuốc có khả năng thiếu do nhu cầu khám, chữa bệnh gia tăng. Qua đó, Sở Y tế cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, hỗ trợ các đơn vị xây dựng kế hoạch và mua sắm một cách kịp thời nhất. Sở cũng yêu cầu các đơn vị khám, chữa bệnh trao đổi, hướng dẫn và chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Riêng về vấn đề các cơ sở khám, chữa bệnh chậm thanh toán công nợ khiến nhà thầu ngừng cung ứng thì Sở Y tế cũng đã có thông tin. Trên cơ sở thông tin này, Sở Y tế đã, đang và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên hệ, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc với các nhà thầu, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện thanh, quyết toán tiền mua thuốc đúng thời gian quy định trong hợp đồng, để nhà thầu có điều kiện cung ứng trong thời gian tiếp theo.

P.V: Vậy giải pháp nào mang tính căn cơ, lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc cục bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh không, thưa ông?

Từ đầu năm 2024 đến tháng 5 năm 2024, hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc gặp nhiều khó khăn do việc ban hành thông tư hướng dẫn muộn. Ảnh Internet
Từ đầu năm 2024 đến tháng 5 năm 2024, hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc gặp nhiều khó khăn do việc ban hành thông tư hướng dẫn muộn. Ảnh: Tư liệu

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Hiện nay, Sở Y tế đã có kiến nghị với Bộ Y tế hai vấn đề. Thứ nhất, cần xây dựng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia với số lượng mặt hàng thuốc nhiều hơn. Thứ hai, thời gian lựa chọn nhà thầu, đấu thầu cấp quốc gia được rút ngắn hơn để đáp ứng nhu cầu các địa phương nói chung và Nghệ An nói riêng.

Ngành Y tế Nghệ An cũng đang xây dựng danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục này thì ngành sẽ tích cực, quyết liệt tổ chức đấu thầu, đảm bảo thuốc sử dụng cho các đơn vị.

Việc tăng danh mục thuốc chủ lực trong đấu thầu tập trung cấp quốc gia là rất quan trọng. Khi số lượng loại thuốc chủ lực này tăng lên thì đồng nghĩa sẽ giảm tải cho các đơn vị trong tổ chức đấu thầu; hạn chế tình trạng nhà thầu không tham gia đấu thầu và cung ứng do nhu cầu sử dụng ít.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất
x
Giải quyết tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO