Pháp luật

Giải quyết tồn tại ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ: Trên thúc, dưới chờ, chủ đầu tư… bất động!

Nhật Lân 27/11/2024 16:37

Để các tồn tại, vướng mắc ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ được giải quyết, từ ngày 8 đến ngày 17/11/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục có 2 văn bản yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 1 với vai trò chủ đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương…

Thêm chỉ đạo mới từ EVN

Việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc đã từ nhiều năm ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ được Báo Nghệ An điện tử ngày 14/11/2024 nhắc lại qua bài viết “5 năm kể từ khi chỉ đạo của Chính phủ, những tồn tại ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Về phía UBND tỉnh Nghệ An, mới đây có Văn bản số 10005/UBND-CN ngày 12/11/2024 gửi EVN. Trong đó, đề cập việc “vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xử lý thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8/2018) của người dân trong vùng Dự án Thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án, do khó khăn về nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện được”.

Cử tri xã Yên Na phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh ngày 7/11/2024. Ảnh: CSCC
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri xã Yên Na ngày 7/11/2024, đại biểu HĐND tỉnh được nghe các kiến nghị giải quyết dứt điểm những tồn tại ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: CSCC

Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ việc đã cùng EVN thống nhất các nội dung công việc và giá trị đề nghị hỗ trợ, để Bộ Công Thương có Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28/8/2024 trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với Dự án Thủy điện Bản Vẽ, xác định các công việc thống nhất hỗ trợ và việc bố trí nguồn vốn cho các công việc này thuộc thẩm quyền của Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và EVN.

Để rồi từ đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 7505/VPCP-CN ngày 14/10/2024; Bộ Công Thương có Công văn số 8684/BCT-ĐL ngày 30/10/2024 giao UBND tỉnh Nghệ An và EVN “căn cứ Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28/8/2024 của Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương sau khi hoàn thành toàn bộ công việc hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Bản Vẽ”.

z6070060588773_f1d01a1da78454053e765529ff1f9d4d.jpg
Văn bản số 6345/EVN-QLXD ngày 8/11/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi Tổng Công ty Phát điện 1. Ảnh: Nhật Lân
z6070060588907_17121b52f798e37a495b21361fdd4d36-e21889ab55185ea27d2bab5db148232e.jpg
Văn bản số 6549/EVN-QLXD ngày 17/11/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi Tổng Công ty Phát điện 1. Ảnh: Nhật Lân

Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị EVN: “Để sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng tái định cư dự án, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí nguồn vốn cho các công việc thống nhất hỗ trợ, kịp thời triển khai thực hiện các nội dung tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ”. Và cam kết: “Trong quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan kịp thời phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân”.

Với EVN, trước thời điểm tiếp nhận Văn bản số 10005/UBND-CN của UBND tỉnh Nghệ An, thì đã có Văn bản số 6345/EVN-QLXD ngày 8/11/2024 chỉ đạo Tổng Công ty Phát điện 1 giải quyết các tồn tại ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

z6070054825659_4ce292fa54eb20d88be28ccc3fe391cc.jpg
Khu tái định cư bản Chóng, xã Yên Na, nơi người dân đã vào ở từ năm 2018 nhưng đến nay trong tình trạng không điện, không nước sạch. Ảnh: CSCC

EVN nêu rõ việc nhận được Văn bản số 7505/VPCP- NN ngày 14/10/2024 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 8684/BCT-ĐL ngày 30/10/2024 của Bộ Công Thương về việc đẩy nhanh giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ để yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 1 thực hiện nhiệm vụ này.

Qua đó, chỉ đạo Tổng Công ty Phát điện 1: “Để đẩy nhanh giải quyết các tồn tại, vướng mắc, phục vụ quyết toán dự án Thủy điện Bản Vẽ. Tập đoàn yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 1 với vai trò là chủ đầu tư dự án phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện xử lý các tồn tại của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương tại các văn bản nêu trên và các văn bản có liên quan, trong đó lưu ý nghiên cứu kỹ nội dung tại Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28/8/2024 của Bộ Công Thương làm cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo đúng thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng tiến độ quyết toán dự án. Yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 1 khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 31/12/2024”.

Và dù đã có chỉ đạo trên, nhưng khi tiếp nhận được Văn bản số 10005/UBND-CN ngày 12/2024 của UBND tỉnh Nghệ An, EVN tiếp tục đôn đốc EVNGENCO1 bằng Văn bản số 6549/EVN-QLXD ngày 17/11/2024. Cụ thể:Tập đoàn yêu cầu EVNGENCO1 với vai trò là chủ đầu tư dự án tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện xử lý các tồn tại công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo chỉ đạo của Tập đoàn tại Văn bản số 4415/EVN-QLXD ngày 5/8/2024, đảm bảo đúng thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật. Yêu cầu EVNGENCO1 khẩn trương thực hiện”.

EVNGENCO1… án binh bất động?

Song song với việc đôn đốc Tổng Công ty Phát điện 1, vào ngày 19/11/2024, EVN có Văn bản số 6578/EVN-QLXD hồi đáp UBND tỉnh Nghệ An.

Văn bản số 6578/EVN-QLXD ngày 19/11/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi UBND tỉnh Nghệ An.Ảnh: Nhật Lân
Văn bản số 6578/EVN-QLXD ngày 19/11/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân

Tại đây, EVN thông báo: Ngay sau khi nhận được ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương EVN đã có 2 văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Phát điện 1 với vai trò là chủ đầu tư Dự án tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện xử lý các tồn tại công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo đúng thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật. Và hứa: “EVN sẽ phối hợp với địa phương giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền của chủ đầu tư (nếu có)”.

Trước thông tin ở các văn bản nêu trên của EVN, liên hệ UBND huyện Tương Dương để hỏi: Tổng Công ty Phát điện 1 với vai trò chủ đầu tư Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã phối hợp để xử lý các tồn tại như thế nào? Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến, cho đến nay chưa hề thấy Tổng Công ty Phát điện 1 và Ban quản lý dự án Thủy điện 2 có động thái gì! Vì vậy, huyện Tương Dương lại phải tiếp tục có Văn bản 1735/UBND-NL ngày 25/11/2024 gửi EVN, EVNGENCO1, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 và UBND tỉnh đề nghị giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

z6070076239789_e2783b303339f406e3006fb6cbb41f5b-44df4d76e60a760cf3ee30cfd5190bd6.jpg
Văn bản 1735/UBND-NL ngày 25/11/2024 của UBND huyện Tương Dương. Ảnh: Nhật Lân

Tiếp cận Văn bản 1735/UBND-NL của UBND huyện Tương Dương, tại đây nêu rõ tổng kinh phí giải quyết các tồn tại, vướng mắc ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ cho địa bàn huyện Tương Dương đã được thống nhất là 30.693.820.000 đồng. Gồm 25.125.363.000 đồng đầu tư xây dựng Khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh; 5.568.457.000 đồng xây dựng Khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Vẽ xã Yên Na, ra khỏi vùng sạt lở nhà cửa và đất đai do ảnh hưởng xả lũ năm 2018.

Đồng thời, nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 7505/VPCP của Văn phòng Chính phủ; việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ của Bộ Công Thương tại Công văn số 8684/BCT-ĐL; và trách nhiệm của Tổng Công ty Phát điện 1 với vai trò là chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ sau khi EVN giao nhiệm vụ tại các Văn bản số 6345/EVN-QLXD, Văn bản 6549/EVN-QLXD với mốc thời hạn báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2024. Để băn khoăn khi cho đến nay “chưa thấy EVNGENCO1 triển khai thực hiện”, và đề nghị giải quyết dứt điểm các tồn tại ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

z6071386918386_05e3a9a5939be2a5980ab246e0ae51d8.jpg
Khu tái định cư Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lương Minh, huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC
z6071386923310_8dbafaa58d51186eddfd9d4cac219f17.jpg
Hiện trạng khu tái định cư Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lương Minh, huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC

Tại các xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, cần xây dựng các hạng mục như Đài tưởng niệm liệt sĩ, chợ nông thôn, sân vận động và nhà văn hóa bản Noòng (xã Ngọc Lâm) với tổng kinh phí 20.558.841.759 đồng. Theo ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, đây là những hạng mục công trình thiết yếu phục vụ đời sống và tinh thần cho người dân. Vậy nhưng, tính từ năm 2009, thời điểm người dân rời nơi ở cũ về tái định cư tại hai xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn đến nay đã tròn 15 năm nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh nói: “Chủ đầu tư đã thống nhất nội dung hỗ trợ trước khi trình lên EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN đều đã có chỉ đạo nên đề nghị chủ đầu tư khẩn trương thực hiện. Người dân đã chờ đợi 15 năm rồi, đừng để họ phải mỏi mòn chờ đợi thêm nữa…”.

Mới nhất
x
Giải quyết tồn tại ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ: Trên thúc, dưới chờ, chủ đầu tư… bất động!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO