Giai thoại tuyển phi tần lạ thường của vua Tự Đức

Trong số hơn 100 người vợ của vua Tự Đức, không có ai hơn được Tiệp dư Nguyễn Thị Bích về tài văn chương thơ phú, chính điều đó đã khiến vua đặc biệt khen ngợi, thán phục rồi đưa vào cung làm vợ sau khi thử tài của bà. Đây là một việc tuyển phi tần khác hẳn với lệ thưởng, không tuân theo các nghi thức điển chế cung đình đương thời.

Ông vua văn học yêu mến khách văn chương

Tự Đức là vị Hoàng đế thứ tư của vương triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên Nguyễn Phúc Thì, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức ngày 22 tháng 9 năm 1829), con thứ hai của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị), thân mẫu là Phạm Thị Hằng (sau được tôn là Thái hậu Từ Dũ).

Khi nhỏ, ông có tước phong là Phước Tuy Công, đến tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), ông lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Tự Đức và trị vì trong 36 năm (1847 - 1883), trở thành vị vua có thời gian ở trên ngai vàng lâu nhất triều Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu, vua Tự Đức có thể coi là một hoàng đế nổi tiếng về sự nghiệp văn chương, ngay từ nhỏ đã chăm chỉ đèn sách nên ông rất giỏi Nho học, sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất sính thơ.

Trong bài Khiêm cung ký, Tự Đức nói về mình như sau: “Tiểu tử may nhờ thương yêu, nuôi nấng, lúc bé đọc sách hơi sáng trí, các loại tiểu học, khai tâm nửa ngày đã thuộc một quyển. Cũng nhờ lối giáo huấn nghiêm nên mới được như vậy”.

Vua đã để lại 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm có nội dung phong phú, thể hiện tư tưởng, tình cảm, kiến thức và cảm xúc của ông, đặc biệt là các tác phẩm lớn như “Ngự Chế Việt sử tổng vịnh”, “Ngự chế thơ văn thập điều”, “Tự học diễn ca”, “Luận Ngữ diễn ca” v.v…

Chính bởi sự ham học, ham hiểu biết nhiều mà đêm nào vua cũng xem sách đến khuya. Bên cạnh đó, vua còn chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn nhiều sách sử, nổi bật nhất là bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, chép sử từ đời Hùng Vương cho tới hết thời Hậu Lê, trong đó ông tự phê nhiều lời bình luận.

Vua Tự Đức và quần thần (tranh vẽ của họa sĩ Pháp)
Vua Tự Đức và quần thần (tranh vẽ của họa sĩ Pháp)

Dưới thời trị vì của vị vua thông minh, hay chữ này, phong trào sáng tác nở rộ với rất nhiều vị hoàng thân quốc thích, quan lại nổi tiếng văn hay chữ tốt; trong triều đình hầu như ai cũng là thi sĩ, nhà văn, học giả.

Vua Tự Đức đề cao Nho học, chăm việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra các khoa Nhã Sĩ, Cát Sĩ để tuyển chọn lấy người có tài văn học ra làm quan. Ông còn lập Tập Hiền Viện và Khai Kinh Diên để làm nơi cùng các quan bàn thảo sách vở, lịch sử, thơ phú hoặc nói chuyện chính trị.

Ngoài ra, Tự Đức cũng là người rất yêu nghệ thuật, cho tập trung về kinh đô Huế nhiều nghệ nhân và lệnh cho soạn những vở tuồng lớn như Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy…

Trong thời buổi thế giới có nhiều biến động lúc bấy giờ, dù có những cố gắng nhất định trong việc tiếp cận với phương Tây nhưng những hạn chế khách quan lẫn chủ quan trong tư tưởng, hành động đã khiến vua Tự Đức và triều đình Huế làm cho nước Đại Nam trở lên lạc hậu, trì trệ, trở thành mục tiêu xâm lược của thực dân châu Âu.

Có người đời sau trách vua Tự Đức suốt những năm ngự trị ngai vàng không theo đề xuất cách tân, đổi mới của những triều thần tiến bộ như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… mà chỉ biết chìm đắm trong việc xướng họa thơ văn, không lo nguy cơ mất nước:

Trong nước chỉ mê thơ Lý, Đỗ
Ngoài vòng nào biết chuyện Anh, Nga.

Hoặc câu:  

Thành mất không lo, lo chuộc ruộng
Binh hàn chẳng biết, biết ngâm thôi.

Chính bởi yêu văn học mà vua Tự Đức đã để lại nhiều giai thoại văn chương rất thú vị với các bề tôi của mình như Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh… Và cũng nhờ đó mà vua đã tìm được cho chốn hậu cung của mình một tri âm, tri kỷ văn thơ.

Năm Quý Mão (1843), khi đó còn là hoàng tử, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm vừa tròn 15 tuổi (tuổi ta), được phong tước công, được mở phủ đệ riêng và lấy vợ. Người vợ đầu tiên của ông là Vũ Thị Duyên, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con gái của Ngự tiền đại thần Vũ Xuân Cẩn.

Bà là người đoan trang, dịu hiền, thích đọc sách, khéo hầu hạ nên sau này được phong làm Hoàng Quý phi, đứng đầu Tam cung, lục viện.

Mặc dù Tự Đức có nhiều vợ nhưng ngoài bà Chính phi Vũ Thị Duyên, sử sách chỉ nhắc đến một số người là Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm, Học phi Nguyễn Thị Hương, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích. Trong số đó, Nguyễn Thị Bích là người được vua Tự Đức tuyển vào nội cung một cách khác với lệ thường.

Theo điển lễ của triều Nguyễn, phàm là con gái của các quan trong triều sẽ được vinh dự tiến cung làm phi tần “nâng khăn sửa túi” cho hoàng đế và tùy theo tước phẩm của người cha, cô được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp.

Còn mỹ nữ trong dân gian thì phải qua các kỳ xét hạch nghiêm ngặt về dung nhan, đạo đức, phẩm hạnh và tài thêu thùa, nấu nướng… Trong hàng trăm phi tần muôn phần nhan sắc, bà Tiệp dư họ Nguyễn được vua để mắt và dành nhiều tình yêu thương cũng chính bởi có tài học, giỏi thơ phú.

Tiệp dư Nguyễn Thị Bích còn được gọi là Nguyễn Nhược Thị Bích, Nguyễn Thị Nhược Bích hay Nguyễn Nhược Thị, tự là Lang Hoàn (Lương Hoàn), sinh năm Canh Dần (1830), quê ở làng Đông Giang, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Bình Thuận).

Bà là con gái thứ tư của ông Nguyễn Nhược Sơn (San) quan Bố chính tỉnh Thanh Hóa, mẹ là người họ Nguyễn hàm Thục Nhân.

Ông Nguyễn Nhược Sơn được coi là một nhân tài nổi tiếng ở đạo Ninh Thuận, làm quan trải nhiều chức vụ trong triều cho đến ngoài trấn, như Lang Trung Bộ Hình, Thư Hiệp Trấn tỉnh Nam Định, rồi Án sát tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nội, Bố Chánh sứ tỉnh Thanh Hóa, coi việc quân ở Trấn Tây Thành đất Cao Miên (Campuchia ngày nay).

Sau đó, ông còn tham gia đánh dẹp các cuộc xâm lấn của Chân Lạp, Xiêm La, trấn áp giặc cướp, lập nhiều công nên dần được thăng làm Hàn Lâm viện Thị Giảng Học sĩ, hàm Tòng ngũ phẩm, Lang Trung bộ Công.

Là người khẳng khái, gặp việc dám làm dám nói, nên bước hoạn đồ của ông trải qua nhiều thăng trầm nhưng những người con đều được nuôi dạy chu đáo, hiển đạt; vì thế, khi Nguyễn Nhược Sơn qua đời vào năm Tự Đức thứ 4 (1850) hưởng thọ 63 tuổi, nhân sĩ trong vùng có phúng điếu câu đối như sau:

“Nam giả kế khoa mục, nữ giả thi cung vi, thiên tài quốc thần kiêm quốc thích/ Sanh nhi cận cổ hy, tử nhi hoàn cổ thổ, lưỡng gian hoàn phúc điện hoàn nhân”.

Nghĩa là:

“Trai thì nối nghiệp khoa cử, gái thì hầu chầu trong cung. Nghìn năm được tiếng là tôi của nước mà cũng là thân thích nhà vua/ Sống đến gần bảy mươi tuổi, lúc chết lại được về nơi chôn nhau cắt rốn, cả hai hoàn cảnh đều do phước nhà tạo ra và cách làm người tạo ra”.

Người con gái được vào hầu trong cung mà câu đối nhắc tới chính là Nguyễn Thị Bích, con gái út của Nguyễn Nhược Sơn.

Tương truyền, bà phu nhân họ Nguyễn khi mang thai, một hôm bỗng mơ thấy ngôi sao Bích, một trong Nhị thập bát tú, tượng trưng cho sách vở bỗng từ trên trời sa vào miệng rồi nuốt, vì thế sau khi sinh mới đặt cho con gái tên là Bích.

Vốn tư chất thông minh, lại nhờ sự phóng khoáng, không chịu ràng buộc theo khuôn phép của cha nên từ nhỏ Nguyễn Thị Bích đã được theo đòi bút nghiên, vì thế sớm nổi tiếng về tài văn chương.

Cha đi làm quan nhiều nơi, thường cho bà đi theo nên nhờ đó có được sự hiểu biết rộng về đời sống, đến đâu người ta cũng khen ngợi trí thông minh và tài văn học của Nguyễn Thị Bích.

Vừa có sắc, lại có tài, tiếng tăm của Nguyễn Thị Bích lan rộng khắp nơi. Bấy giờ, quan Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa biết bà là người hiếm có bèn viết tờ biểu tiến cử lên Tự Đức. Xem tờ biểu, vua rất ngạc nhiên về một thiếu nữ mới 18 tuổi không những xinh đẹp mà lại giỏi văn thơ, bèn triệu vào cung để thử tài.

Hôm đó có một buổi ngâm thơ vịnh cảnh, vua Tự Đức ra đề thơ là “Tảo mai” (Hoa mai sớm nở) và bài họa của Nguyễn Thị Bích được nhà vua chấm hay nhất, trong đó có hai câu rất nổi tiếng:

“Nhược giao dụng nhữ hoá canh vị,
Nguyên tác lương thần phụ hữu Thương”.

Nghĩa là:

“Nếu bảo dùng người cho vừa vị canh,
Xin làm người bầy tôi giỏi giúp nhà Thương”.

Tự Đức đặc biệt khen ngợi rằng: “Khéo điều chế câu thơ như người điều chế mai, tỏ rõ chí khí như của Tể tướng Phó Duyệt, thật là bổ ích. Đáng tiếc là nữ, nếu là nam thì chức ấy trẫm cũng không tiếc”.

Sau đó, vua ban thưởng cho Nguyễn Thị Bích 20 nén bạc, đồng thời tuyển vào cung cho giữ chức Thượng Nghị viên sư, đó là năm Mậu Thân (1848).

Người phụ nữ vừa là mẹ vua, vừa là thầy vua

Ban đầu, khi mới nhập cung, Nguyễn Thị Bích còn ở vị trí thấp trong hệ thống phi tần. Nhiệm vụ lúc đầu của bà là dạy học cho thị nữ chốn nội cung.

Năm Canh Tuất (1850), bà được phong làm Tài Nhân thường hầu trực trong cung và theo hầu vua Tự Đức mỗi lần đi tuần thú, nhiều lần được cùng vua xướng họa. Bà vừa là người thông minh, học thức, lại ứng xử khéo léo, luôn tỏ ra kính cẩn, đoan nghị, nên Tự Đức rất yêu quý bà.

Năm Canh Thân (1860), Nguyễn Thị Bích được phong làm Mỹ Nhân, rồi ít lâu sau được phong làm Quý Nhân; tới năm Mậu Thìn (1868), được tấn phong Tiệp Dư, lãnh trách nhiệm dạy học trong cung đình.

Lúc bấy giờ Tự Đức có một nỗi buồn lớn. Do từ nhỏ thể chất ốm yếu, lại bị mắc bệnh đậu mùa nên vua không thể có con, mặc dù các ngự y trong Viện Thái y đã khuyên dùng toa thuốc nổi tiếng có từ thời Minh Mạng là “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” hay “nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” có tác dụng đại bổ nguyên khí, tăng cường sinh lực nhưng đều không hiệu nghiệm.

Ngoài ra, Viện Thái y còn dốc sức nghiên cứu, tìm tòi các thang thuốc mới như “Khởi dương thang”, “Diên niên ích thọ bất lão đơn”, “Hà linh vạn thọ đơn”… với nhiều vị thuốc đặc hiệu. Thí dụ như “Khởi dương thang” gồm có:

Nhân sâm (4g), Nhục quế (4g), Ba kích thiên (4g), Bá tử nhân (4g), Bạch truật (4g), Hoàng kỳ (10g), Ngũ vi tử (4g), Sơn thù (12g), Thục địa (14g), Viễn chí (4g), tất cả đem sắc lên rồi uống, có tác dụng giúp đại bổ tâm thận, mệnh môn tướng hỏa, trị liệt dương.

Thậm chí vua còn sử dụng đến cả “Ích thọ vĩnh chân cao” của Thái y viện Triều Tiên nhưng không có kết quả.

Hy vọng trong dân gian có những phương thuốc hiệu quả hơn, năm Bính Tý (1876), Tự Đức ra chỉ dụ rằng: “Nay không cứ quan lại, sĩ thứ xa gần, trai gái, người nào chữa khỏi bệnh đau mắt và sinh nhiều con nối quả kiến hiệu thì thưởng cho chức quan tam phẩm, ban thưởng 5000 lạng bạc” (Đại Nam thực lục chính biên).

Cuối cùng, triều đình bàn cách đưa một phụ nữ mắn đẻ của một hoàng đệ đã sinh nhiều con vào cung để sớm tối hầu hạ, gần gũi với vua, thế nhưng rốt cuộc vẫn vô ích, bất thành ý nguyện có con của Tự Đức.

Cuối cùng, không còn cách nào khác, vua đành lấy 3 người cháu, con của anh em họ đưa vào cung nhận làm con nuôi. Đó là Nguyễn Phúc Ưng Ái (con của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y), Nguyễn Phúc Ưng Đăng và Ưng Kỷ (con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai).

Ưng Ái (sau là vua Dục Đức) do lớn tuổi nhất được coi là con cả, vua Tự Đức giao cho Chính phi Vũ Thị Duyên nuôi dạy.

Còn Ưng Đăng và Ưng Kỷ (sau là vua Kiến Phúc và Đồng Khánh) do Tiệp dư Nguyễn Thị Bích chăm sóc, giảng dạy những kiến thức về văn học, phép tắc, lễ nghi nơi cung cấm nên bà được mọi người kính trọng gọi là “Tiệp dư Phu tử”.

Chính bởi vậy bà Tiệp dư được Tự Đức tin cậy, yêu mến, thường cho cùng đi trong những buổi vua đến vấn an mẹ và những cuộc trao đổi riêng với Hoàng Thái hậu về công việc trong triều, trong hoàng tộc, những diễn biến của đất nước.

Một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành Bí Thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà nghe được nhiều điều trao đổi giữa thái hậu và vua, bởi những lúc đó chỉ mình bà được ở gần hầu hạ.

Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức qua đời. Mọi ý chỉ, sắc dụ của Lưỡng Tôn Cung (Từ Dũ và Chính phi Vũ Thị Duyên) đều do một tay bà soạn thảo, chấp bút.

Trong thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng ba vua), cũng như những người ở nội cung, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích phải chịu sự chuyên chế của hai phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong việc phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.

Tiếp đó, vua Hàm Nghi lên ngôi được một năm thì xảy ra sự biến “kinh thành thất thủ”, vua xuất bôn xuống chiếu Cần Vương kêu gọi chống Pháp xâm lược.

Trong bối cảnh rối loạn lúc bấy giờ, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích hộ giá Tam cung (Thái hậu Từ Dũ và chánh phi, thứ phi của vua Tự Đức) cùng triều đình chạy ra Quảng Trị, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không lâu sau bà rước Tam cung trở lại Huế, đến lánh ở Khiêm Lăng (Lăng vua Tự Đức) rồi trở về hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp.

Nhân sự kiện này, bà sáng tác bài Loan dư Hạnh thục quốc âm ca (còn có tên là Hạnh Thục ca) bằng chữ Nôm, mượn tích truyện vua Đường Huyền Tông ở Trung Quốc bỏ kinh đô, chạy vào đất Thục để tránh loạn An Lộc Sơn mà qua đó nói về tình hình đất nước với những biến cố từ khi quân Pháp xâm lược.

Chuyện phế lập ngôi vua, phong trào Cần Vương cho đến việc trở về kinh đô Huế, lễ bát tuần của Từ Dũ. Tác phẩm này gồm 1036 câu thơ theo thể lục bát, mở đầu cuốn sách bằng các câu:

Ngẫm câu tạo hóa khôn lường,
Trải xem trị loạn lẽ thường xưa nay.
Thịnh suy thế vận lần xoay,
Non sông như cũ đổi thay khốn cùng.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù nội dung có những chỗ cho thấy tác giả là một người quen sống trong cung cấm, có cách nhìn về thời cuộc còn hạn hẹp, chủ quan và có tư tưởng cầu an nhưng nhìn chung đây là tác phẩm văn học rất có giá trị về tư liệu lịch sử do một người nếu không có tài thì không thể viết được tác phẩm như thế.

Khi Nguyễn Thị Bích theo Tam cung hồi loan về Huế, lúc này người con nuôi và cũng là học trò của bà, hoàng tử Ưng Kỷ, đã lên ngôi, lấy hiệu là Đồng Khánh.

Cũng trong khoảng thời gian đó, bà hết lòng hầu hạ, làm mọi việc do Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ giao cho, những lúc rảnh rỗi bà vẫn sáng tác văn thơ.

Hiện nay, ngoài tác phẩm Hạnh Thục ca, Nguyễn Thị Bích còn để lại một ít bài thơ cảm tác bằng chữ Hán, nổi bật nhất là bài thơ Đường luật thể hiện cảm xúc mừng vui khi vào năm Tân Mão (1891), sau bao ngày tang thương dâu bể, lễ Nam Giao đầu tiên được tổ chức lại:

Kỷ tải liêu liêu phong tục di,
Hà kỳ thịnh điểm phục vu ti.
Di cung Thiếu Đế khôi tiền liệt,
Hiệp tán lương thần tục cựu quy.

Sạ đổ y quan phu chúng vọng,
Tái văn chung cổ khỉ nhơn ti.
Cổ lai lễ nhạc duy ban bổn,
Dục trì hoàn ưng dụng Hạ nghi.

Nghĩa là:

Phong tục bao năm chẳng đổi thay
Nước nhà hưng thịnh thấy từ đây.
Trong cung vua trẻ noi gương trước,
Dưới trướng tôi lành giữ nếp nầy.

Áo mão phơi bày đông kẻ nhớ,
Trống chiêng vang dậy lắm người khuây,
Xưa nay lễ nhạc là giềng nước,
Muốn được an dân phải thế nầy.

(Đào Tất Đạt dịch)

Đến năm Nhâm Thìn (1892), để ban thưởng cho những công lao, đóng góp của bà, Từ Dũ đã tấn phong cho Tiệp dư Nguyễn Thị Bích làm Tam giai Lễ tần.

Đến tháng 11 năm Kỷ Dậu niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), bà phi tần tài hoa Nguyễn Thị Bích qua đời tại kinh đô Huế, thọ 80 tuổi, lăng mộ đặt tại làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Phunutoday - VP

tin mới

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

(Baonghean.vn)- Biến động giá vé máy bay khiến xu hướng du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay ở Nghệ An ít nhiều có thay đổi. Theo đó, những tour đường bộ, điểm đến gần được nhiều du khách lựa chọn để tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ.