Ngôi nhà cổ ở Bùi Chu

(Baonghean) - Tôi về Bùi Chu, Bùi Ngõa của xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) đã nhiều lần. Lần nào, cũng tự hỏi, vùng quê chiêm trũng ngập lụt này đeo đẳng cái nghèo mấy thời chính sự, mấy đời dân sinh mà chính sử đã chép, lại bền bỉ lưu giữ được nhiều nét xưa trầm mặc cổ kính đến vậy. Đền miếu, đình chùa thờ Phật thờ thần, thờ các danh nhân hay nhà thờ công giáo thờ phụng Đức Chúa… thì vẫn hòa hợp ở một nếp quê vậy.
Tôi đã hẹn xóm trưởng Nguyễn Hồng Thái một ngày về Bùi Chu để tìm hiểu thêm về thân thế nhà trí thức công giáo yêu nước Nguyễn Trường Tộ.
Công việc cứ cuốn đi. Hôm nay hóng được chuyện là Bùi Chu có ngôi nhà cổ trăm năm đang được gia chủ giữ gìn gần như nguyên vẹn. Gọi điện cho xóm trưởng Thái, ông vồn vã bảo cứ về, nhà ấy “hay” lắm, từng được các nhà làm phim tài liệu chọn làm “phim trường” quay về thân thế, sự nghiệp của ngài Nguyễn Trường Tộ với quê hương đấy! 
Con đường nhựa từ chợ trung tâm xã chạy suốt làng Bùi Chu ra mộ Nguyễn Trường Tộ được mang tên ông. Nghĩa là Hưng Trung là xã thuần nông ở huyện thuần nông duy nhất của tỉnh có một con đường nhân dân gọi theo tên một danh nhân. Ngôi nhà cổ ấy nằm ngay trên con đường này. Khu vườn khá rộng, tốt vượt cây xanh lấp ló màu ngói son cổ. Trước ấy cứ nghĩ Bùi Chu – xóm 1, Hưng Trung là xóm giáo toàn tòng, nhà dân cổ chắc phảng phất kiến trúc phương Tây kiểu gô-tich, phục hưng gì đó… Nhưng không phải!
Xóm trưởng Thái dẫn chúng tôi vào gặp gia chủ. Sau tiếng ới gọi, một cụ bà thong thả bước xuống bậc tam cấp, dáng nền nã, nhỏ nhẹ ừ à rằng rất vui khi có khách về muốn chiêm ngưỡng nhà cổ. Cụ bà Nguyễn Thị Thiên nay đã 70 tuổi, quê Nghi Phương (Nghi Lộc) về làm dâu trong ngôi nhà cổ này cũng đã 50 năm. Chừng ấy phận làm dâu, làm vợ, sinh con đẻ cái, nếm ác liệt chiến tranh và thiên tai vùng chiêm trũng… dường như chỉ cần còn sót lại một nếp cửa, một hàng gạch xưa trong ngôi nhà này thôi, cũng đủ để cụ gói ghém những hoài niệm mà yên lòng cho những dự cảm ngày mai…
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thiên, xóm Bùi Chu, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên).
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thiên, xóm Bùi Chu, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên).
Tôi bước chân lên bậc tam cấp bằng đá, áp gan chân trần vào nền gạch men có ghi nhãn hiệu Phờ-răng-xơ (Pháp quốc), ngó lên những thớ gỗ màu trăm năm tuổi của những xà thượng, xà hạ, xà tử, xà ngưỡng và những thượng lương, câu đầu, rường cụt… theo quy thức kiến trúc cổ Việt Nam văn minh lúa nước, mà lấy làm ngưỡng mộ tầm thẩm mỹ, “ăn chơi” của tiền nhân vẫn giữ trọn văn hiến bao đời.
Theo cụ Thiên, ngôi nhà lim 4 gian 2 chái này từ những năm 1930 thế kỷ trước đã là ngôi nhà dân sang trọng bậc nhất Bùi Chu này. Quê nghèo thời xưa, nông dân chỉ đủ ăn là được! Làng có cụ Nguyễn Văn Hoàng làm nghề thuốc Bắc, tích cóp có tiền, bước hải hồ hành nghề đến đất Nam Đàn nảy ý mua ngôi nhà gỗ đã nhiều năm tuổi của một bậc cự phú làm ăn kỳ sút kém, dỡ ra kết thành bè thả xuôi sông Lam về Bến Thủy, rồi ngược sông Vinh lên theo dòng nối kênh Nhà Lê để cập bến cạn Bùi Chu… Khỏi nói hết cái “sự kiện làng” thuở ấy, là vào năm “Bảo Đại tam niên” (vua Bảo Đại lên ngôi năm 1932), cụ lang Hoàng đã thuê hàng trăm người làng Bùi Chu đào hàng sào đất ruộng về tôn cao nền, đóng hàng vạn cọc tre làm móng, và kỳ công mua thứ đá Lai Nham sắc tiết trâu phong hóa hàng triệu năm vùng Cầu Cấm về để bó nền cao lên gần một mét. Để ráp nối phần gỗ ngôi nhà, mất cả nửa tháng. Để hoàn thiện ngôi nhà, mất cả một mùa; ngói lợp, gạch men đặt mua tận Hải Phòng, thợ xây kiếm người rành phong hóa húy tục, cột quyết phải đơn giản nhưng vững chãi, tránh kiểu cách đền chùa và nhà quan quyền hoàng thân quốc thích... Đến năm 1935, ngôi nhà cổ hoàn thành, nổi bật lên giữa xóm mạc lúp túp nhà tranh của Bùi Chu. Biến cố lòng người năm 1954, cụ lang Hoàng đưa cả gia đình vô Nam, để lại ngôi nhà cho người em trai là cụ Hoàng Văn Giáp bố chồng bà cụ Thiên bây giờ... Cụ Giáp theo nghề làm ruộng, được giao lại ngôi nhà, bỏ qua thúc ép mưu sinh để chăm lo gìn giữ nhà cổ, như giữ lại nếp tự hào thuần hậu.  Đến đời con cụ Giáp là cụ Hoàng Văn Lân (chồng cụ Thiên, mất năm 2003), dù nhà bao lần lâm cảnh khốn khó, quyết không chịu bán dù người ta tìm đến trả bộn tiền.
Mấy bận chiến tranh, thiên tai lũ lụt. Hiện trạng ngôi nhà nay có phần đổi khác, ấy là mấy bức địa thu tiền phòng, một số gạch men lát nền nhà bị vỡ nát, phải thay thế, còn lại vẫn được con cháu cụ Giáp bảo vệ, lưu giữ như cũ. Đầu hồi phía Tây, vẫn gần như giữ nguyên bản từ chân móng đến đỉnh nóc. Chái vượt ra che ban - công nhỏ được trổ từ những cửa chớp, địa thu nguyên màu gỗ trăm năm, hình dung tiền nhân bầu rượu túi thơ, ung dung thưởng ngoạn trăng thanh gió mát, nhớ cố nhân cũng ở một không gian này. Trên nóc phía gian buồng, có một viên ngói “lạ” trổ lỗ tròn, nhô ra giữa tăm tắp mái ngói đỏ, được cho là làm “lỗ thở” lấy khí trời, nay vẫn nguyên trạng thế, như con mắt thời gian trăm năm nhà cổ.
Anh Nguyễn Văn Dung, cháu đích tôn của cụ Giáp (gọi cụ Thiên bằng mẹ), nhà ở kề bên nghe có khách, sang mời tôi ngồi vào bộ bàn ghế đá đặt ngoài vườn, bảo: “Nhà trước có bộ tràng kỷ cũng thuộc hàng độc nhất vô nhị. Sau có phần mục nát. Kể khôi phục cũng được nhưng không có ai hướng dẫn. Bỏ đi rồi dừ tiếc hùi hụi!”. Theo anh Dung, sau chiến thắng 1975, cụ lang Hoàng có nhắn về, ở hướng ấy, điểm ấy trong vườn chôn ba chum tiền Khải Định… Nghe thế, biết thế nhưng con cháu thống nhất không đào bới, kiếm tìm nữa để giữ linh khí cho ngôi nhà.
Hậu duệ đã kịp trồng cây, xây dựng những tiểu cảnh để giữ lại cái hồn xưa cũ thiêng liêng cho ngôi nhà cổ được dựng lên bằng tâm huyết  của cụ lang Hoàng. Anh Nguyễn Văn Dung cho hay, thi thoảng lại có khách về xin thưởng lãm nhà cổ, thấy vui. Nhưng vui hơn lại có thể là chúng tôi, bởi giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, vẫn có những người như anh, như bà cụ Thiên, biết bỏ qua những món lợi hàng trăm, hàng tỷ đồng thời nhộn nhạo bán mua nhà cổ, chỉ để giữ lại niềm tự hào mái ấm, giữ lại những niềm vui nho nhỏ nhưng bền lâu và luôn nhân lên giá trị như chiều nay chúng tôi được cảm nhận khi đến đây – làng Bùi Chu quê nhà thân thương của nhà cách tân yêu nước Nguyễn Trường Tộ!
Đình Sâm

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.