Nhạc sỹ Lê Minh Sơn: "Ông bố tập đánh vần"

(Baonghean) - Khúc ngẫu hứng Sơn “bô”
Nghe và “cảm” âm nhạc của gã nhạc sỹ có mái tóc dài với vẻ phiêu du lãng tử ấy từ cái ngày “Ôi quê tôi” được Tùng Dương cất lên trên sân khấu nhạc Việt, nhưng không ngờ lại được gặp “kẻ luôn đi ngược đám đông” ngay tại một góc nhỏ thành Vinh. Hóa ra, Lê Minh Sơn vào xứ Nghệ để khảo sát và mong tìm sự hợp tác làm chương trình “Du ca Việt”. Anh nói với chúng tôi, cái vẻ khổ sở như thể sợ có ai chăng trong chúng tôi hiểu lầm: “Tôi đến đây không phải để... xin tiền. Tôi mong mỏi được làm “Du ca Việt”- một hành trình du ca qua các miền văn hóa”. Dường như ở đâu đó, đã có những sự hiểu lầm khiến Lê Minh Sơn phải “lên gân” như thế. Nhưng rất nhanh, sau những mỏi mệt, thất vọng lại là một Lê Minh Sơn tràn trề hứng khởi.
Một Lê Minh Sơn đầy kiêu bạc để có thể “sống” với tất cả những mến yêu, khao khát bản năng, và với những độc đáo riêng có. Người mới gặp, vì thế hay ngỡ ngàng bởi chút ào ạt, một chút “lộng ngôn” nơi anh. Nhưng tôi kịp nhận ra, anh thường dành sự cường điệu hóa ấy của ngôn ngữ cho một nhận xét, quan điểm hay ý tưởng nào đó rất sắc sảo, nhạy bén. Đôi khi hơi quá gai góc và “khác đời”, nhưng đó hoàn toàn không phải vẻ ngụy tạo. Tuy nhiên khi anh cầm đàn ghi ta và hát, tất cả mọi thứ lắng xuống, chỉ còn lại một Lê Minh Sơn với nỗi đắm say, nồng nàn của mình.
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn.
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn.
Không hát “Ôi quê tôi” như nhiều người yêu cầu, anh ngẫu hứng cầm đàn và cất lời... Là một bài hát dành cho thiếu nhi, anh nói vậy, và...chưa được phát hành. Thậm chí cho đến giờ tôi vẫn không nhớ nổi cái tên bài hát, chỉ biết đó là một ca khúc thật dễ thương, độc đáo nữa, khi nó không đi theo lối mòn của một sáng tác thông thường như chúng ta từng biết với những tình cảm ngợi ca, tràn trề yêu thương. Nó mở đầu với câu đánh vần của trẻ nhỏ: “Bờ ô bô, bờ ô bô sắc bố…”, và kết thúc với một câu hết sức bình dị, giống như một lời nói thường ngày của trẻ (và của bất kì đứa trẻ nào): “Bố ơi, con cần cái bô”. Chúng tôi bất ngờ vì cái điều chẳng bất ngờ được Lê Minh Sơn đưa vào âm nhạc. Phải chăng chính người nhạc sĩ với vẻ ngoài ngông nghênh “phớt đời” ấy đã biến những thứ giản dị bình thường thành món quà thú vị, điều mà bấy lâu nay chúng ta đã mất thói quen cảm nhận?
Cũng không hiểu vì đâu mà “Sơn bô” (sau bài hát này của anh, chúng tôi cũng “ngẫu hứng” gọi anh như vậy, anh cười xòa nhưng có vẻ rất khoái chí) lại hát tặng chúng tôi thêm một bài nữa ở thể loại... nhạc “dành cho các em”. Tập đánh vần xong rồi, bây giờ thì xem ông bố đánh thức con trai mình mỗi sớm mai nhé! “Con trai bé bỏng của ta ơi, sáng rồi dậy thôi. Chúm chím hoa mười giờ sắp nở. Chúm chím môi con cười hé nở. Nở trong giấc mơ của con không có con sói già. Chỉ có chú dê con, bờ cỏ non xanh mướt, tiếng chim xanh mướt”...
Một Lê Minh Sơn gai góc ngang tàng ở ngoài đời nhưng lại trong trẻo mơ màng đến vậy trong âm nhạc. Anh ngồi đó bên chiếc ghi ta, hồn nhiên như một đứa trẻ, như một cái cây, một ánh nắng, một giọt sương ngỡ ngàng lung linh. Chỉ còn anh và duy nhất nỗi hồn nhiên, ngay cả khi anh hát lời của một ông bố đang âu yếm đánh thức con trai dậy sau một giấc mơ xanh mướt…
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn nói anh đã quan sát trong thực tế cuộc sống trẻ con ngày nay toàn hát nhạc người lớn, vậy nên “âm nhạc thiếu nhi bị bỏ trống nhiều quá”. Theo anh, “bây giờ âm nhạc thiếu nhi cần có hơi thở mới”, bởi vậy anh muốn mang lại hơi thở đó, gần gũi mà bất ngờ thú vị, giản dị mà hiện đại.
Và giấc mơ du ca
“Du ca Việt” là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên Lê Minh Sơn làm giám đốc âm nhạc kiêm người dẫn chuyện. Chương trình sẽ được tổ chức tại nhiều tỉnh thành, nhưng đi đến đâu thì tiếng hát phải cất lên đặc trưng văn hóa của địa phương đó. “Khi đến Nghệ An, nó phải mang hơi hướng dân ca ví giặm xứ Nghệ, được hát bằng chất giọng Nghệ. Tôi từng chết điếng khi có những ca sỹ trẻ xứ Nghệ xuất hiện trên sân khấu với một giọng Bắc tỉnh queo”, Lê Minh Sơn chia sẻ.
Với anh, mỗi một chuyến đi là thêm một lần anh “được”. Được hát, được trải nghiệm, được sống, được biết mình là ai trên cuộc đời này, được yêu thương, nhớ nhung, và được khơi nguồn cho những sáng tác mới… “Chuồn chuồn ớt”, “Ôi quê tôi”, “Bên bờ ao nhà mình”, “Hạn hán”, “Nét Việt”… là những ca khúc thấm đẫm trải nghiệm của Lê Minh Sơn sau những chuyến đi. Anh thực sự muốn dấn thân vào chính cuộc đời này để có thể dấn thân trong âm nhạc. Những bản nhạc mang phong cách dân gian của Lê Minh Sơn luôn được khán giả yêu mến có lẽ bởi họ tìm thấy trong chuyến du ca ấy của anh một tình yêu sâu đậm với làng quê, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng vùng miền Tổ quốc.
Lê Minh Sơn từng nói rằng anh tự hào và cảm thấy may mắn khi anh sinh ra quê anh vẫn còn cánh đồng, những cánh cò, và lời ru ấm áp của bà. Anh luôn sợ một ngày nào đó những hình ảnh và âm thanh ấy sẽ không còn nữa. Anh lo những đứa trẻ sẽ mất đi không gian của tuổi thơ chúng, mất những cánh cò, lời ru, màu xanh mướt mát của đồng quê, tiếng võng kêu kẽo kẹt, cánh chuồn ớt đỏ rực giữa nắng hè. Anh lo một ngày nào đó, những đứa trẻ sẽ không còn cảm nhận được cái vời vợi của một trưa hè mênh mang, tiếng hát ru ngân lên chơi vơi trên đầu ngọn gió, con trâu đen thẩn tha gặm cỏ... - niềm hạnh phúc dịu ngọt suốt thời thơ ấu anh từng có. Và anh cũng sợ rằng, một ngày nào đó không chỉ trên một sân khấu rộng lớn ở Thủ đô, mà ngay trên cả một không gian bé nhỏ như cánh gà Nhà Văn hóa Lao động Nghệ An, các ca sỹ địa phương không còn nói giọng Nghệ nguyên gốc nữa…
Chính bởi vậy anh đã thực hiện “Du ca Việt” để tìm lại cho âm nhạc và đời sống những điều đã mất, đang mất và có thể sẽ mất. Tìm lại cho các em bé nỗi hồn nhiên thơ trẻ của chúng. Và không chỉ tìm lại cho mọi người, Lê Minh Sơn du ca để tìm cho chính anh. Anh muốn được hòa vào cái hồn nhiên ấy, như ông bố tập đánh vần kia. Anh muốn được tìm hiểu và gắn bó hơn với từng vùng đất, để được sống nhiều để nạp thêm năng lượng cho công việc sáng tác của mình. Người nhạc sỹ nói, khi đến mảnh đất này, anh thực sự mong muốn được đắm mình vào dòng chảy dân ca ví giặm xứ Nghệ. Anh chợt run lên khi bắt gặp cái thẳm sâu nỗi buồn, đạo nghĩa trong những câu ca ấy, khi cô bạn tôi cất tiếng: “Là người ơi, một lời thề không duyên thì nợ/ Hai lời thề không vợ thì chồng/ Ba lời thề khơi núi ngăn sông/ Em quyết theo anh cho trọn đạo, kẻo luống công anh đợi chờ”...
Bài, ảnh:  Thùy Vinh

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.