Phim Việt hài hòa hơn giữa tính nghệ thuật và thị trường

"Taxi - Em tên gì?" - bộ phim hài vừa ra rạp nhưng đã thu hút lượng lớn người xem và có doanh thu sau 5 ngày theo như công bố của đơn vị phát hành là hơn 20 tỷ đồng. Dịp này, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần có bài viết chia sẻ với bạn đọc Hànộimới về bộ phim cũng như những suy nghĩ thực sự nghiêm túc về phim nghệ thuật và phim thị trường vốn như hai dòng riêng biệt ở ta lâu nay.
 
Điện ảnh nước ta lâu nay thường có sự phân chia phim điện ảnh thành hai loại "Phim nghệ thuật", "Phim thị trường" (hay còn gọi là "Phim giải trí"). Hình như ở nước ngoài người ta không phân biệt như vậy. Thực ra, việc phân chia này có nguồn gốc từ những năm kỹ thuật video mới du nhập vào Việt Nam, cả nước rầm rộ làm phim thật nhanh để thu lãi với dòng phim "mì ăn liền".
Hầu hết những bộ phim này tập trung vào các câu chuyện tình ái sướt mướt hoặc gây cười với diễn viên đẹp trai, xinh gái hoặc những danh hài được yêu thích... Dòng phim "mì ăn liền" rồi cũng phá sản. Cho đến khi nhà nước cho phép tư nhân tham gia các hoạt động điện ảnh, số lượng phim hàng năm của cả các cơ sở nhà nước và tư nhân tăng dần (năm 2015 cả nước sản xuất gần 40 bộ phim trong đó nhà nước đặt hàng, trợ giá chỉ có 6 bộ phim).
Không thể phủ nhận những mặt tích cực, những đóng góp đáng ghi nhận của các đơn vị sản xuất, phát hành phim tư nhân trong sự phát triển chung của nền điện ảnh đất nước. Tuy nhiên, cũng còn không ít phim do tư nhân sản xuất thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả, thậm chí trở thành "thảm họa"… khiến những người quan tâm, yêu thích điện ảnh lo ngại. Nhiều người "cả nghĩ" cho rằng, dòng phim "mì ăn liền" những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước đang "phục hồi" lại và khái niệm "Phim thị trường", "Phim nghệ thuật" cũng vẫn tồn tại để bênh vực hay kết tội cho các sản phẩm điện ảnh.
Thế nhưng, thị trường phát hành phim và chiếu bóng cả nước trong thời đại công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực về thẩm mỹ, nhận thức nghệ thuật của đông đảo khán giả. Các nhà làm phim (ở cả dòng phim nghệ thuật hay phim thị trường) cũng thấy cần thay đổi nhận thức để tồn tại, phát triển. Quan niệm phim nghệ thuật không cần có số đông khán giả, hay phim thị trường chỉ cần thu được lãi suất cao… chắc chắn sẽ không tồn tại trong thực tế đổi mới, hội nhập quốc tế.
Năm 2015, điện ảnh Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể, tạo dấu ấn cho sự thay đổi, hòa trộn, bổ sung những điểm mạnh điểm yếu giữa hai dòng phim nghệ thuật và thị trường. Có thể kể đến "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh"… Đầu năm 2016, một bộ phim mới ra mắt khán giả là "Taxi - Em tên gì?" cũng cho thấy khả năng thành công cao khi hài hòa hai yếu tố kể trên. 
Phim có cốt truyện đơn giản, rành mạch, với những tình tiết căng thẳng, hài hước… và kết thúc khá bất ngờ, cảm động, để lại nhiều suy nghĩ đối với người xem. Có thể xem đây là một ví dụ nữa cho những đóng góp vào bước đường tìm kiếm để hòa trộn các yếu tố nghệ thuật - thị trường nhằm thu hút khán giả đến với phim Việt.
Theo Hà Nội mới

tin mới