Giảm bội chi ngân sách nhà nước

17/10/2015 09:16

(Baonghean) - Chính sách tài khóa và bội chi NSNN đóng vai trò rất quan trọng, gắn liền với thực hiện chiến lược phát triển KT - XH của đất nước. Để thâm hụt NSNN cơ bản theo đúng dự toán, thậm chí còn thấp hơn dự toán mặc dù thu chi NSNN đều vượt dự toán, cần rất nhiều cố gắng của các cấp sử dụng ngân sách, và đặc biệt là phụ thuộc vào vay trong nước, vay nước ngoài… Điều này khiến cho NSNN Việt Nam đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với quy mô nợ Chính phủ ngày càng lớn.

Tỷ lệ nợ công vẫn cao

Theo Bộ Tài chính công bố, tình trạng nợ công hiện đang tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và dự tính khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015 trước khi lên đến đỉnh cao nhất là 64,9% GDP vào năm 2016, các năm sau đó sẽ giảm dần cho đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP. Tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Cũng theo Bộ Tài chính, số liệu tuyệt đối của nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, nếu tính đến hai yếu tố quan trọng là cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ, thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn đã được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn.

Về bảo lãnh vay nợ, tính đến cuối năm 2013, tổng số dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài là 104 dự án, trong đó có 23 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 81 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh. Tổng số vốn vay nước ngoài được bảo lãnh Chính phủ giải ngân trong năm 2013 là 52.340 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Tổng trị giá vốn vay được bảo lãnh Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng bình quân gần 50%/năm.

Nghĩa vụ trả nợ ngày càng nặng

Theo kế hoạch năm 2014, số chi trả nợ công lên đến 208.883 tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng chi, tương ứng 26,7% tổng thu cân đối ngân sách theo dự toán năm 2014. Phần chi trả nợ của Chính phủ trong cân đối ngân sách năm 2013 ước đạt 103.700 tỷ đồng, theo Chính phủ vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của Việt Nam là dưới 25% thu NSNN và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế. Gần đây nhất, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành TPCP mới đạt gần 127,5 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch. Trong đó, kỳ hạn 5 năm là hơn 64 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm trở lên đạt hơn 63,4 nghìn tỷ đồng, và riêng kỳ hạn 20 năm là 4.230 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP trong 9 tháng là gần 160,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vốn huy động mới không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi nợ đến hạn, thiếu hụt hơn 33,2 nghìn tỷ đồng.

Phải chuyển sang thặng dư ngân sách

Theo TS Vũ Đình Ánh, rõ ràng là khả năng trả nợ công của Việt Nam liên quan đến hàng loạt yếu tố kinh tế tài chính, trong đó yếu tố NSNN đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là thực trạng tình hình nợ công và khả năng trả nợ không thể cải thiện nếu thâm hụt NSNN vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, không có triển vọng thu hẹp, dừng lại và chuyển sang thặng dư ngân sách. Thứ hai, việc vay mới để trả nợ cũ (đảo nợ) là hậu quả tất yếu của không có nguồn trả nợ, khiến cho quy mô nợ tích tụ ngày càng cao, tất yếu dẫn đến khủng hoảng nợ. Thứ ba, nguồn bù đắp bội chi NSNN chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước bối cảnh thị trường tài chính trong nước tiềm ẩn không ít rủi ro, như rủi ro về kỳ hạn, lãi suất, tỷ lệ nợ xấu cao và mức độ an toàn lành mạnh của hệ thống tài chính sẽ tác động tới khả năng vay và trả nợ công.

Nhập siêu Việt Nam khoảng 6 tỷ  USD
Nhập siêu Việt Nam năm 2015 dự báo khoảng 6 tỷ USD. ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc chi trả nợ gốc thường vượt dự toán còn trả nợ lãi lại thường thấp hơn dự toán NSNN không chỉ chứng tỏ hạn chế trong công tác lập dự toán, mà còn cho thấy công tác quản lý nợ còn bất cập và hạn chế. Những rủi ro về tỷ giá hối đoái, khả năng vay nợ mới trả nợ cũ, biến động lãi suất,… chưa được quản lý tốt. Ngoài ra, quy mô vay về cho vay lại tăng mạnh và chi đầu tư từ nguồn TPCP tăng nhanh trong bối cảnh quản lý sử dụng vốn vay và quản lý đầu tư nhà nước còn thiếu hiệu quả, tỷ lệ thất thoát lãng phí còn lớn, sẽ làm giảm khả năng trả nợ cả trực tiếp từ các dự án sử dụng vốn vay nợ công và gián tiếp từ tác động tới tăng trưởng kinh tế của các dự án đầu tư này - TS. Vũ Đình Ánh phân tích thêm.

Nhìn chung, chi NSNN của Việt Nam đã và đang ở mức rất cao, nên mặc dù thu NSNN tăng mạnh nhưng thâm hụt NSNN không giảm, thậm chí còn tăng cao. Muốn cân đối NSNN, giảm thâm hụt NSNN và giảm nợ công thì không thể chỉ tiếp tục tăng thu NSNN mà phải cùng giảm chi NSNN. Hơn nữa, kỷ luật chi NSNN cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán NSNN đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Giảm bội chi ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO