Giảm các cuộc họp; đổi mới chính sách đầu tư cho nông nghiệp

Phạm Bằng 10/12/2018 17:47

(Baonghean.vn) - Thảo luận tại tổ 8, kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng, cần giảm số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp; tiếp tục đổi mới chính sách đầu tư vào nông nghiệp để tăng thu nhập cho người nông dân.

Chiều 10/12, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ tiến hành thảo luận tổ.  Tham dự buổi thảo luận có đồng chí đại diện các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Hội Nông dân, GD&ĐT, Văn hóa và Thể thao; Thông tin và Truyền thông; Ban Tôn giáo, Hội Cựu chiến binh…
Chiều 10/12, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ tiến hành thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Cần giảm các cuộc họp

Mở đầu buổi thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, về chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh thì hiện nay số lượng các cuộc họp rất nhiều, và cuộc họp nào cũng yêu cầu Giám đốc phải đi dự, hạn chế việc giao cho Phó Giám đốc đi thay.

“Có những ngày, Sở Tư pháp nhận được 7 giấy mời họp mà cuộc họp nào cũng yêu cầu lãnh đạo Sở đi họp. Nhưng Sở Tư pháp hiện có 1 giám đốc và 3 phó giám đốc thì không thể sắp xếp được. Vì vậy, tôi đề nghị cần giảm các cuộc họp, bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng các cuộc họp”, đại biểu Hào nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị, một số cuộc họp có thể chuyển sang các cuộc làm việc được thì nên chuyển và cần ghi rõ trong giấy mời là làm việc từ mấy giờ đến mấy giờ. “Nếu tổ chức tốt thì một buổi có thể làm việc được mấy cuộc. Như Sở Thông tin và Truyền thông, các cuộc làm việc chỉ tối đa 1,5 tiếng nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian”, đại biểu Hùng nói.

Đại biểu Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở TT&TT đề nghị cần giảm các cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng
Đại biểu Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở TT&TT đề nghị cần giảm các cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Trao đổi cụ thể vấn đề này, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, việc giảm họp tỉnh ta có đề án từ lâu, nhưng thực tế rất khó. Việc họp trực tuyến trong năm 2018 chỉ triển khai được 22 cuộc, chủ yếu là ở Tỉnh ủy và UBND tỉnh. UBND tỉnh nên nghiên cứu triển khai Quyết định 45/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước và tiến tới giảm họp.

Theo đại biểu này, hiện nay rất nhiều Ban chỉ đạo, khi đi kiểm tra thì các đồng chí trong Ban chỉ đạo chỉ phối hợp trong hoạt động, nhưng lại kiểm tra mang tính chuyên môn nên chất lượng kiểm tra của các Ban chỉ đạo thì không thể cao được, và hoạt động nó mang tính hình thức và tốn rất nhiều thời gian, kể cả các cuộc họp.

Đại biểu Chung đề nghị UBND tỉnh rà soát lại hoạt động của các tổ chức liên ngành, để có hướng giảm, bỏ bớt những tổ chức không có hiệu quả và giảm áp lực cho các đồng chí trong Ban chỉ đạo liên ngành.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị tỉnh cần rà soát hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành.

Đầu tư nông nghiệp còn thấp

Về đầu tư vào nông nghiệp, đại biểu Hoàng Quốc Hào cho rằng, điệp khúc được mùa rớt giá hoặc mất mùa trong sản xuất nông nghiệp vẫn cử xảy ra. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho người nông dân. Tuy nhiên, các cấp, ngành vẫn chưa đưa ra được một giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Còn đại biểu Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, trong sản xuất nông nghiệp thì phải tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung. Nhưng hiện nay cơ chế khuyến khích tích tụ ruộng đất vẫn chưa rõ, việc chuyển quyền theo luật thì có quy định nhưng làm thế nào để khuyến khích cho việc tích tụ ruộng đất là chưa rõ.

Đại biểu Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng, cơ chế tích tụ ruộng đất chưa rõ ràng.

“Về cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thì của Trung ương và tỉnh là chưa lớn, cho nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. Đề nghị HĐND tỉnh giao cho các sở, ngành, nghiên cứu chính sách cho phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn nhằm phát huy được tối đa sự đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao mức sống người nông dân”, đại biểu Tuyên nói.

Cùng trăn trở về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hóa - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho rằng, việc thu hút đầu tư vào ngành Nông nghiệp thì rất khó khăn. Ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu giải pháp là tìm thị trường ở nước ngoài, liên kết với các nhà đầu tư ở nước ngoài để xuất khẩu nông sản.

“Chúng ta không liên kết để tìm đầu ra ổn định thì khó có thể nâng cao nền sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải đổi mới cách làm chính sách, phải mời họ vào. Có một số cán bộ ở cơ sở khi lên nói với dân giống như sự ban ơn và có vấn đề tiêu cực. Cơ chế tạo ra chúng ta làm hỏng cán bộ, cho nên phải đổi mới chính sách”, đại biểu Hóa khẳng định.

Nhiều vấn đề bức xúc

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng trao đổi nhiều vấn đề cử tri bức xúc. Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng, việc rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo thì hiện nay chấm theo bộ tiêu chí đa chiều còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng thực chất đời sống của người dân. Các tiêu chí đang tập trung chấm vào số lượng, chứ không biết chất lượng và giá tiền thế nào.

Hiện nay tình hình mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em ở các huyện miền núi diễn biến phức tạp. Mới gần đây có xuất hiện thủ đoạn mới là nhiều đối tượng môi giới để đem các phụ nữ đang mang thai đưa sang Trung Quốc bán bào thai.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó giám đốc Sở NN&PTNT trao đổi về các chính sách đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trao đổi về các chính sách đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng

“Phóng sự của Báo Nghệ An nêu, riêng ở xã Hữu Kiệm thì đã có hơn 20 trường hợp mang bào thai sang Trung Quốc bán. Con để lại cũng không biết để phục vụ mục đích gì. Người dân biết hành vi đó là phạm tội, nhận thức được thủ đoạn mua bán người. Vì thế, đây là điều đáng quan tâm trong công tác quản lý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng”, đại biểu Hoa nói.

Về công tác trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri, UBND tỉnh báo cáo thì 100% các ý kiến, kiến nghị đã trả lời nhưng chất lượng, hiệu quả của việc trả lời đó như thế nào cần phải bàn. Một số báo cáo trả lời đang còn chung chung, hình thức. Người dân băn khoăn vì chất lượng giải quyết nhiều ý kiến chưa đảm bảo, một số ý kiến đã phản ánh nhiều lần nhưng không được giải quyết dứt điểm, còn trả lời dài dòng, chung chung, không cụ thể.

Kết luận tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Huyện ủy Yên Thành cho biết, buổi thảo luận đã ghi nhận 45 ý kiến của các đại biểu. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp để chuyển HĐND tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng mai (11/12)./.

Mới nhất
x
Giảm các cuộc họp; đổi mới chính sách đầu tư cho nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO