Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Nếu trung tâm ngoại ngữ không thực hiện đúng quy trình sẽ tạm dừng liên kết
(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề chất lượng các trung tâm khi triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường và các môn giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Giải pháp để cải thiện chất lượng dạy học ngoại ngữ
P.V: Thưa ông, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản để các địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tăng cường theo nhu cầu người học. Tại Nghệ An, việc tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường tuy chỉ mới triển khai nhưng số lượng học sinh tham gia khá đông. Ông hãy chia sẻ mục đích của chương trình và một số kết quả nổi bật đã đạt được?.
GS.TS Thái Văn Thành: Nhiều năm trước, chất lượng tiếng Anh của học sinh Nghệ An rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước, thể hiện qua các kỳ thi quốc gia, thi THPT. Một trong những nguyên nhân cơ bản là, học sinh ở Nghệ An được học tiếng Anh với thời lượng ít, chủ yếu với giáo viên trong nước chưa có giáo viên người nước ngoài, giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy.
Trước thực tế này, từ năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Để nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho học sinh, một trong những giải pháp được đưa ra trong đề án là tăng cường về thời lượng, đa dạng về hình thức học và bổ sung giáo viên có chất lượng, nhất là giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, các sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các trung tâm tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh trong trường học và bước đầu thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là, điểm trung bình môn tiếng Anh trong các kỳ thi THPT tăng liên tục trong 3 năm gần đây, từ 3,98 lên 5,46; nhiều học sinh đạt chứng chỉ năng lực quốc tế tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp, … được miễn thi tốt nghiệp THPT ngoại ngữ, xét tuyển thẳng vào các trường đại học, phong trào học tiếng Anh lan tỏa khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng cao.
Còn tình trạng máy móc, thiếu linh hoạt trong thực hiện
P.V: Việc liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy học tiếng Anh tăng cườnggần đây nhận được nhiều ý kiến phản ánh của phụ huynh, xung quanh các nội dung như chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, đơn vị liên kết, điều kiện cơ sở vật chất triển khai còn có bất cập… Theo ông nguyên nhân vì sao? Vai trò của Sở trong việc triển khai, giám sát quá trình thực hiện ở cơ sở?
GS.TS Thái Văn Thành: Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay đã thực hiện được 3 năm. Theo đó, về cơ bản tại văn bản hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đầy đủ các yêu cầu về điều kiện thực hiện chương trình tăng cường như: chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, cam kết chuẩn đầu ra; và đã có quy định cụ thể về thẩm quyền kiểm tra phê duyệt (với cấp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, còn với cấp học mầm non, tiểu học, THCS do Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt).
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, vẫn còn một số bất cập bởi những nguyên nhân như: Các cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vì vậy, có phụ huynh nghĩ con em được xếp vào lớp tiếng Anh tăng cường là vào lớp chọn. Một số đơn vị trường học chưa nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn của sở để triển khai xếp lớp từ đầu năm; do nhu cầu và năng lực của mỗi cá nhân học sinh là khác nhau nên khó khăn trong việc lựa chọn chương trình, cũng như bố trí lớp và thời gian học phù hợp.
Hơn nữa, khi thực hiện chương trình tăng cường ở bậc tiểu học, THCS, THPT do yêu cầu sĩ số không quá 20 học sinh/lớp nên các lớp học phải chia làm 2, nếu những trường có số lượng học sinh tham gia chương trình tăng cường nhiều sẽ khó khăn trong việc bố trí phòng học. Trong khi, với sĩ số không quá 20 em/lớp sẽ khó khăn việc đóng góp kinh phí của học sinh, đặc biệt là với giáo viên người nước ngoài ở những địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Đồng thời, về giáo viên tham gia tăng cường yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực đạt chuẩn quốc tế, nên khó khăn trong việc tuyển chọn. Một thực tế khác là hiện nay chúng ta chưa có trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá khách quan chất lượng của học sinh theo cam kết của trung tâm để phụ huynh thấy được chất lượng, sự tiến bộ của học sinh.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở. Đồng thời, tham mưu ban hành Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về việc quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công văn số 1530/SGD&ĐT-GDCN-GDTX ngày 05 tháng 8 năm 2021 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công văn số 1670/SGD&ĐT-GDCN-GDTX ngày 15/8/2022 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình tăng cường tiếng Anh theo hình thức trực tuyến (online) trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Công văn số 1909/SGD&ĐT-GDCN-GDTX ngày 12/9/2022 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo và Công văn số 2288/SGDĐT-CTTT-GDTX ngày 25/9/2023 về quy trình lựa chọn trung tâm để liên kết.
P.V:Việc triển khai các chương trình liên kết phải được thực hiện theo tinh thần tự nguyện, có sự thỏa thuận giữa 3 bên, đó là trung tâm - nhà trường và phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, hiện nay quá trình thực hiện ở cơ sở lại dường như đang đi ngược với tinh thần này. Điều này dẫn đến những tình huống như phụ huynh muốn cho con nghỉ phải xin chuyển lớp, học kéo dài nhưng chưa hiệu quả, có cam kết đầu ra nhưng chưa thực hiện đúng… Là người đứng đầu ngành Giáo dục, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Quan điểm của sở trong chỉ đạo dạy học tiếng Anh tăng cường là gì, thưa ông?.
GS.TS Thái Văn Thành: Thực tế cho thấy, ban đầu các phụ huynh đăng ký cho con vào học đều trên tinh thần tự nguyện, chỉ sau khoảng một thời gian nhất định theo học, một số học sinh không theo kịp chương trình, lúc đó, phụ huynh muốn xin cho con ra lớp tiếng Anh tăng cường.
Trong quá trình thực hiện, cá biệt vẫn có cơ sở giáo dục cũng máy móc, chưa linh hoạt để giải quyết, vì cho rằng, phụ huynh đã cam kết ngay từ đầu khi tham gia là theo suốt cả cấp học, do đó, không cho chuyển, sợ bị xáo trộn. Mặt khác, khi đăng ký tham gia, các trung tâm đều cam kết chất lượng chuẩn đầu ra, nhưng thực tế, sau cuối lớp học, cấp học, việc kiểm tra đầu ra chủ yếu do các trung tâm đảm nhận nên chưa khách quan. Do đó, phụ huynh chưa nhận thấy được sự tiến bộ của con em mình khi tham gia học các lớp học đó.
Để khắc phục tình trạng này, sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục cần linh hoạt trong việc bố trí lớp, sắp xếp ra, vào theo hướng tôn trọng lựa chọn và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Đồng thời, giao phòng giáo dục và đào tạo hằng năm tổ chức kiểm tra độc lập, công bố kết quả công khai các lớp tiếng Anh tăng cường này, để phụ huynh biết cũng như các trung tâm có trách nhiệm khi thực hiện cam kết.
Không ép buộc trong học tiếng Anh tăng cường
P.V: Một vấn đề khác khiến nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh có con đang học tiểu học ở thành phố Vinh bức xúc, đó là nhiều trường lợi dụng tâm lý thích “chọn lớp, chọn giáo viên chủ nhiệm” để gián tiếp buộc phụ huynh phải đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường với mục đích được học lớp chọn. Điều này cũng gây nên những hệ lụy khác, thậm chí là gây lục đục trong đội ngũ giáo viên ở các nhà trường… Định hướng của ngành trong vấn đề này để chấn chỉnh công tác tuyển sinh và tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường trong các nhà trường?.
GS.TS Thái Văn Thành: Việc lựa chọn đăng ký cho con vào học lớp tiếng Anh tăng cường là do phụ huynh lựa chọn khi đăng ký tuyển sinh chứ không phải do nhà trường ép buộc. Thế nên, phụ huynh cần tham khảo kỹ trước khi quyết định và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình (trước khi tuyển sinh các trường đã công khai kế hoạch, chương trình, chuẩn đầu ra của tiếng Anh tăng cường).
Do đặc thù các lớp tiếng Anh tăng cường cần có sự phối hợp thường xuyên hơn giữa 3 bên nên các cơ sở giáo dục lựa chọn những giáo viên có khả năng kết nối tốt để phụ trách các nhóm lớp đó. Trong quá trình thực hiện, phụ huynh hiểu nhầm các lớp đó được bố trí giáo viên tốt nhất của trường nhằm thu hút học sinh tham gia, nhưng thực tế trình độ giáo viên trong trường cơ bản tương đương nhau và đầu năm học nhà trường tổ chức bắt thăm để phân công giáo viên. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân công giáo viên, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh có đầy đủ thông tin từ đó có sự lựa chọn phù hợp.
P.V: Tiếng Anh tăng cường là một trong những chương trình đang được triển khai ở mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao. Một số phụ huynh của những học sinh đã hoàn thành chương trình tiếng Anh tăng cường cho rằng chương trình chưa đạt kết quả theo mục tiêu như đã cam kết, nhiều học sinh chưa được đánh giá chuẩn đầu ra. Điều này khiến các phụ huynh băn khoăn khi cho con tham gia học chương trình tiếng Anh tăng cường. Trước thực tế này, Sở sẽ có định hướng như thế nào cho các trung tâm đang liên kết với nhà trường để các khóa sau đạt hiệu quả?
GS.TS Thái Văn Thành: Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương có trường trung học triển khai mô hình trường trọng điểm chất lượng cao (trừ thành phố Vinh) đều thiếu trung tâm ngoại ngữ đủ năng lực để đáp ứng được nhu cầu khác biệt, đa dạng và yêu cầu đầu ra cao của học sinh, phụ huynh đối với chương trình tiếng Anh tăng cường.
Hơn nữa, trong 4 năm thực hiện mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao, có hơn 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, các trung tâm liên kết thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên nước ngoài, nên việc triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường ở nhiều trường gặp khó khăn, nhiều lần bị gián đoạn, thậm chí phải dừng thực hiện. Do đó, kết quả đầu ra của học sinh còn nhiều hạn chế, thậm chí có những học sinh chưa được đánh giá chuẩn đầu ra.
Trong thời gian sắp tới, Sở sẽ giám sát sát sao việc lựa chọn trung tâm liên kết theo hướng dẫn của Công văn số 2288/SGDĐT-CTTT-GDTX ngày 25/9/2023 để các trường lựa chọn được các trung tâm ngoại ngữ liên kết có chất lượng. Sở định hướng các trường khảo sát nhu cầu của học sinh, tổ chức đánh giá đầu vào của học sinh để phân vào các lớp phù hợp với nhu cầu và năng lực của học sinh.
Sở sẽ có chính sách khuyến khích, thu hút các trung tâm ngoại ngữ có chất lượng triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường ở các địa phương xa trung tâm. Với những huyện miền núi, các trung tâm không thể triển khai dạy tiếng Anh tăng cường trực tiếp thì khuyến khích triển khai dạy tiếng Anh tăng cường bằng hình thức trực tuyến (các trung tâm đầu tư cơ sở vật chất như máy chiếu, máy tính bảng, hệ thống âm thanh,...).
Bên cạnh đó, Sở đang tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS cho đội ngũ giáo viên cốt cán của các đơn vị; sau khi hoàn thành khóa học, các giáo viên này có đủ năng lực tiếng Anh tham gia trực tiếp vào dạy tiếng Anh tăng cường.
Tăng cường giám sát, kiểm tra
P.V: Mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Quy trình 6 bước về thẩm định các trung tâm ngoại ngữ có liên kết với các nhà trường. Theo đánh giá của một số lãnh đạo các nhà trường đây là quy trình cần thiết và cũng giúp cho các nhà trường có sự định hướng rõ ràng trong việc thẩm định đơn vị liên kết để tổ chức dạy học. Tuy nhiên, điều mà phụ huynh quan tâm, sau khi văn bản ban hành, Sở sẽ giám sát việc thực hiện như thế nào đối với các đơn vị đã, đang và sẽ có kế hoạch liên kết dạy học tiếng Anh tăng cường với các nhà trường?.
GS.TS Thái Văn Thành: Việc ban hành Công văn 2288 xuất phát từ thực tiễn việc thực hiện Chương trình tăng cường tại các cơ sở giáo dục trong thời gian qua, cụ thể như: Một số cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác truyền thông với phụ huynh học sinh, dẫn đến phụ huynh không nắm được thông tin, chưa hiểu được bản chất của Chương trình tăng cường, dẫn đến việc thiếu đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, Quy trình 6 bước về thẩm định các trung tâm ngoại ngữ có liên kết với các nhà trường (qua bộ tiêu chí cụ thể), giúp các nhà trường công khai minh bạch việc lựa chọn các trung tâm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện.
Trong thời gian tới, Sở sẽ có các giải pháp để tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình tăng cường tại các cơ sở giáo dục, cụ thể: Trên cơ sở quy trình này, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời, những đơn vị nào thực hiện không đúng quy trình, quy định sẽ kiên quyết tạm dừng thực hiện Chương trình tăng cường.
Cũng từ năm học 2022-2023, Sở đã yêu cầu, sau khi phê duyệt kế hoạch dạy tăng cường cho các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị tổng hợp số liệu báo cáo về Sở (tên cơ sở giáo dục, tên trung tâm phối hợp dạy tăng cường, số lớp, số học sinh, số tiết/tuần, số tiền/tiết) và thời khóa biểu dạy tăng cường của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh; Trong thời gian tới, trên cơ sở thời khóa biểu dạy tăng cường của các cơ sở giáo dục, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra, dự giờ dạy của giáo viên vào bất kỳ thời gian nào mà không cần báo trước cho hiệu trưởng hay Phòng Giáo dục và Đào tạo.
P.V: Ngày 29/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã rất cương quyết trong việc chấn chỉnh việc tổ chức dạy kỹ năng sống trong các nhà trường và việc tạm dừng dạy kỹ năng sống nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh. Hiệnnay, xung quanh việc dạy tiếng Anh tăng cường, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có nhiều vấn đề đang nảy sinh. Vậy, thời điểm này, Sở có nên xem xét, đánh giá lại một cách khách quan trước khi tiếp tục triển khai đồng loạt tại nhiều trường? Các giải pháp sắp tới của ngành Giáo dục là gì?
GS.TS Thái Văn Thành: Sau 3 năm thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường, mặc dù còn có một số khó khăn, bất cập, nhưng đánh giá một cách toàn diện thì hoạt động này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh.
Trên cơ sở các quy định hiện hành, sở sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để kịp thời chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện Chương trình tăng cường tại các cơ sở giáo dục sao cho thiết thực, hiệu quả và đảm bảo chất lượng.
Trong đó, Sở tập trung vào các vấn đề chính sau, đó là: Xem xét vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc tổ chức các chương trình giáo dục trong nhà trường; Tập trung rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia dạy tăng cường; Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình giảng dạy của các trung tâm ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục (tăng cường dự giờ, thăm lớp, cả trực tiếp và trực tuyến); Phối hợp để khảo sát đánh giá chuẩn đầu ra đối với các lớp tiếng Anh tăng cường, ít nhất là lớp 3, lớp 5 và lớp 8. Quá trình thực hiện phải đảm bảo theo đúng các văn bản và quy định của pháp luật.
P.V:Xin cảm ơn ông!.