Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Lê Thị Hoài Chung trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh
Ngày 6/12, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, bà Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề thuộc ngành quản lý.
Lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
HĐND tỉnh tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn nhóm vấn đề về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay; Tình hình cung ứng thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và bệnh nhân nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Việc thực hiện chỉ tiêu về chống suy dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
46 đơn vị khám, chữa bệnh tự chủ các mức
Báo cáo với HĐND tỉnh, bà Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện ngành có 1 đơn vị tự chủ mức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm I); 18 đơn vị tự chủ mức tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm II); 18 đơn vị tự chủ mức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm III) và 9 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”, từng bước làm hài lòng người bệnh. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp giảm chi trả lương cho 8.978 viên chức, người lao động từ nguồn ngân sách hàng năm, như năm 2023 là khoảng 1.000 tỷ đồng.
Việc triển khai cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và bệnh nhân nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm, từng bước đáp ứng yêu cầu người bệnh.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 531 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT được phủ khắp các tuyến. Tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nam được bố trí 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh triển khai nhiều dịch vụ y tế thiết yếu cho bà con miền núi.
Năm 2024 (tính đến tháng 11/2024) có hơn 5,3 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Chi phí dành cho khám, chữa bệnh hơn 5.330 tỷ đồng, trong đó BHYT chi trả gần 4.817 tỷ đồng. Tại 10 cơ sở khám, chữa bệnh khu vực miền núi, chi phí phát sinh cho dịch vụ kỹ thuật cũng chiếm tới 48% tổng chi phí.
Ngành Y tế đã tích cực, chủ động trong việc triển khai hoạt động đấu thầu, mua sắm để đảm bảo đủ thuốc phục vụ người dân. Các đơn vị y tế đã bám sát các quy định, chủ động, tích cực trong việc lập kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức đấu thầu mua sắm.
Trong 9 tháng năm 2024, các cơ sở y tế đã sử dụng 6.447 mặt hàng với tổng tiền thuốc khoảng 928 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu đạt trên 75%, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khám, chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, ngành Y tế đã tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để cải thiện dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em hàng năm giảm dần theo kế hoạch.
Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2021 là 15,2% xuống còn 13,9% năm 2023, dự ước năm 2024 còn 13,0%, đạt chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao.
Cung ứng thuốc, vật tư ở một số cơ sở y tế còn thiếu
Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho rằng, công tác khám, chữa bệnh vẫn còn những khó khăn, thách thức nhất định.
Việc cung ứng thuốc, vật tư cho công tác khám, chữa bệnh ở một số cơ sở y tế còn thiếu, ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.
Một số cơ sở y tế ở miền núi chưa triển khai được nhiều kỹ thuật. Nhiều đơn vị còn thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị y tế kỹ thuật cao. Tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.
Một số cán bộ lãnh đạo thiếu năng động, sáng tạo, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, trong khi đơn vị phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả thấp, làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức trung bình của cả nước, đặc biệt là tình trạng thấp còi.
Theo bà Lê Thị Hoài Chung, hiện ngành Y tế cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Những hậu quả, hệ lụy của đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, như: chuỗi cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế bị đứt gãy, làm ảnh hưởng đến kết quả mua sắm, đấu thầu...
Các thay đổi về cơ chế, chính sách cũng gây ra một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong đấu thầu thuốc, thiết bị, thanh toán BHYT.
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ; lương cơ sở tăng, nhưng giá dịch vụ điều chỉnh chưa kịp thời. Việc thanh quyết toán BHYT còn chậm. Từ khi thực hiện tự chủ, nguồn ngân sách đầu tư cho y tế giảm đáng kể…
Trong khi các cơ sở y tế phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ: Vừa thực hiện cơ chế tự chủ, vừa phải đảm bảo vấn đề an sinh xã hội trong công tác khám chữa bệnh, điều này gây khó khăn cho các cơ sở y tế.
Nghệ An là tỉnh xuất phát điểm có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của dinh dưỡng, dẫn đến đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.