Giám sát, phát huy hiệu quả tiền công đức ở các di tích trên địa bàn Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao xung quanh việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04 /2003/TT-BCT về quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. 

P.V: Công đức khi đi lễ chùa hay tới các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là một thói quen từ xưa của người Việt. Xin bà cho biết ý nghĩa của công đức trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng?

Bà Phan Thị Anh: “Công đức” theo quan niệm cũ là đạo đức trong đời sống công cộng, đời sống xã hội để phân biệt với tư đức, và công đức theo quan niệm mới là công ơn đối với xã hội.

Còn theo “Từ điển danh từ Phật học thực dụng”, công đức là những việc làm lành, những công năng phước lợi đem lại phước đức cho mình và cho người khác. Như vậy, công đức - ít ra trong phạm trù tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng - là hoàn toàn tự nguyện và không nhất thiết phải thể hiện qua tiền bạc.

Một hòm công đức được đặt tại Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên). Ảnh: Minh Quân.

Một hòm công đức được đặt tại Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên). Ảnh: Minh Quân.

Công đức được thể hiện ở chốn tâm linh và được dùng cho việc duy trì hoặc tu bổ công trình tâm linh. Việc dâng cúng, công đức, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho các di tích, hoạt động dịch vụ trong lễ hội, di tích được thực hiện thông qua các hình thức: Bằng tiền, bằng hiện vật, bằng tài sản phi vật chất như ngày công lao động trông nom, bảo vệ, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, vệ sinh môi trường, và các công tác khác. Phương thức thể hiện lòng thành này cũng là nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của người Việt.

P.V: Quản lý tiền công đức là một vấn đề thường gây nhiều tranh cãi bởi tính nhạy cảm và phức tạp. Do không phải là ngân sách Nhà nước, nên việc đòi hỏi công khai minh bạch thường gặp khó khăn. Vậy, thời gian qua, việc quản lý tiền công đức ở Nghệ An được thực hiện như thế nào?

Bà Phan Thị Anh: Hoạt động công đức và tài trợ gắn với bản chất của lễ hội, của di tích là một truyền thống của người Việt nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng. Tuy nhiên, sự không công khai, minh bạch với tiền công đức dễ dẫn đến tranh cãi trong cộng đồng, mất niềm tin trong xã hội, cho thấy cần có quy chế văn bản pháp luật làm rõ hơn.

Qua kiểm kê, hiện nay Nghệ An có 2.602 di tích, trong đó có 471 di tích đã được xếp hạng, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 144 di tích cấp quốc gia, 322 di tích cấp tỉnh với đủ các loại hình: Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 92 lễ hội.

Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 18 /2016/QĐ-UBND ban hành quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ, các hình thức công đức gồm: Công đức bằng tiền, công đức bằng hiện vật và công đức bằng sức lao động.

Đối với công đức bằng hiện vật phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật phải được ghi vào sổ công đức chi tiết các loại hiện vật, kích thước, chất liệu, cân nặng…

Bàn ghi công đức tại Đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: Minh Quân.

Bàn ghi công đức tại Đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: Minh Quân.

Đối với công đức bằng sức lao động (ngày lao động), trí tuệ (ý kiến tham gia, đóng góp…) phải được ghi vào sổ công đức do đơn vị quản lý di tích phát hành.

Đối với công đức bằng tiền, đơn vị quản lý di tích mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại địa phương để quản lý nguồn công đức bằng tiền.

Quyết định 18 cũng quy định quy trình sử dụng nguồn công đức bằng tiền mặt, theo đó “Đơn vị quản lý di tích hoặc Ban quản lý di tích khi được ủy quyền xây dựng kế hoạch, dự toán sử dụng nguồn công đức thuộc đơn vị quản lý vào cuối mỗi năm cho năm tiếp theo để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm, các đơn vị quản lý di tích phải lập báo cáo, quyết toán thu, chi nguồn công đức và chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật và gửi báo cáo công tác thu, chi nguồn công đức về Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch để tổng hợp, theo dõi”.

Quyết định cũng quy định rõ về các khoản chi từ nguồn công đức, gồm: Chi cho hoạt động tu bổ tôn tạo di tích (nguồn công đức của di tích nào được sử dụng cho di tích đó); chi cho hoạt động thường xuyên tại di tích; chi phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích; để lại cho ngân sách địa phương có di tích dùng để chi cho phúc lợi xã hội tại địa phương; trích cho nguồn bảo tồn phát huy di sản văn hóa để sử dụng vào việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Quyết định cũng quy định về phân bổ nguồn công đức.

Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) được tu bổ, tôn tạo chủ yếu từ nguồn công đức. Ảnh: Minh Quân.

Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) được tu bổ, tôn tạo chủ yếu từ nguồn công đức. Ảnh: Minh Quân.

Có thể nói, thời gian qua, với Quyết định 18/2016, Nghệ An đã thực hiện khá tốt việc quản lý thu, chi từ công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức tài trợ cho các di tích. Hằng năm, nguồn thu và kế hoạch sử dụng tiền công đức từ các di tích đều được các địa phương, đơn vị báo cáo đầy đủ.

Qua báo cáo của các địa phương, nguồn thu từ tiền công đức năm 2022 được chuyển vào Kho bạc Nhà nước của 7 di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: Đền Ông Hoàng Mười, đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Hồng Sơn, đền Đức Hoàng, đền Bạch Mã, đền Vua Mai là hơn 26,1 tỷ đồng.

P.V: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. So với các quy định của tỉnh Nghệ An, Thông tư này có những điểm nào mới?

Bà Phan Thị Anh: Thông tư 04/2023/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành vào ngày 19/1/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. Theo Thông tư này, với các di tích, lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức thì đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

Như vậy, so với quy định về tiếp nhận tiền công đức tại Quyết định 18 thì quy định tại Thông tư 04/2023 có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Thông tư 04 /2023 và Quyết định 18/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nằm ở quy định về sử dụng tiền công đức. Ở Thông tư 04 quy định rõ hơn về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ ở 5 loại hình di tích, gồm: Di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo; Di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng; Di tích thuộc sở hữu tư nhân; Di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng; Di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng.

Đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng và di tích thuộc sở hữu tư nhân thì người đứng đầu các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Còn đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng và di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng thì quy định về các khoản chi ở Thông tư 04 cũng tương tự như ở Quyết định 18/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Người dân tham quan, chiêm bái Đền thờ Nguyễn Xí (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc). Ảnh: Đình Tuyên.

Người dân tham quan, chiêm bái Đền thờ Nguyễn Xí (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc). Ảnh: Đình Tuyên.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là Thông tư 04 quy định “mức chi do người đứng đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích quyết định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”. Trong khi đó, với Quyết định số 18, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã quy định phân bổ theo tỷ lệ phần trăm cụ thể cho các khoản chi.

Như vậy, Thông tư 04 đề cao hơn tính tự chủ của người đứng đầu các di tích trong việc quản lý, sử dụng tiền công đức.

P.V: Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc ban hành Thông tư 04/2023/TT-BCT? Để tiền công đức được sử dụng hiệu quả, từ phía cơ quan quản lý, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và cả người dân, cần thực hiện tốt những điều gì?

Bà Phan Thị Anh: Sở dĩ việc quản lý tiền công đức theo cách hiện hành dễ phát sinh bất cập là bởi từ trước tới nay, hoạt động tài trợ cho lễ hội, di tích thường chủ yếu được nhìn nhận ở khía cạnh văn hoá tinh thần. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nguồn tiền công đức ngày càng lớn thì việc chúng ta có những quy định rõ ràng, cụ thể ở góc độ tài chính như Quyết định 18/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và mới đây là Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính được cho là phù hợp.

Phải khẳng định rằng, công đức hay những sự đóng góp, hỗ trợ cho các hoạt động lễ hội, cho các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng nói chung đều là sự thiện tâm và những người công đức luôn gửi gắm theo đó những tâm nguyện và tấm lòng. Việc quản lý, sử dụng số tiền công đức nếu được phát huy đúng chỗ thì càng lan tỏa thêm nhiều điều tốt đẹp.

Bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao)

Làm tốt được điều này không chỉ giúp cho hoạt động công đức, tài trợ tốt hơn, minh bạch hơn mà còn giúp cho lĩnh vực di tích, văn hóa nhận được thêm nhiều sự quan tâm, có thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích.

Sử dụng tiền công đức đúng mục đích sẽ góp phần phát huy giá trị di tích và lễ hội gắn với di tích. Trong ảnh: Màn "chạy Ói" tại Lễ hội Đền Cờn năm 2023. Ảnh: Thành Cường.

Sử dụng tiền công đức đúng mục đích sẽ góp phần phát huy giá trị di tích và lễ hội gắn với di tích. Trong ảnh: Màn "chạy Ói" tại Lễ hội Đền Cờn năm 2023. Ảnh: Thành Cường.

Để Thông tư 04 đi vào thực tiễn cuộc sống cũng như có đóng góp hiệu quả, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền nhằm cụ thể hoá quy định của Thông tư. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là các Ban quản lý di tích nhằm ban hành các quy chế, quy định cụ thể cho từng di tích, lễ hội của mình, bởi mỗi di tích lễ hội sẽ có những quy mô, loại hình, cách thức sở hữu khác nhau.

Về phía người dân, khi tham quan, chiêm bái đền chùa cũng cần thực hiện công đức một cách có văn hóa như không rải tiền lẻ mà thả tiền vào hòm công đức, khi ủng hộ, cung tiến tiền mặt hoặc vật chất có giá trị lớn cần ghi, ký vào sổ công đức.

Về phía Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức tại các di tích, nhằm nâng cao tính khách quan, minh bạch và tạo thêm lòng tin lâu dài cho người dân vào các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

tin mới

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.