Suy ngẫm

Giảm trừ gia cảnh: Bài toán 'đầu tiên'

Phạm Cường 05/09/2024 09:40

Vừa qua, bên cạnh niềm vui khi được tăng lương cơ sở, nhiều người chia sẻ những băn khoăn về việc lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn thấp, khiến số tiền thực nhận không như kỳ vọng. Giảm trừ gia cảnh được xem là bài toán "đầu tiên - tiền đâu" nan giải với nhiều hộ gia đình.

Một giáo viên tâm sự, vợ chồng anh đều là viên chức nhà nước nên mọi chi tiêu của gia đình đều phụ thuộc vào tiền lương hằng tháng. Sau khi được tăng lương, thu nhập của hai vợ chồng có tăng lên nhưng đồng thời chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều so với vài năm trước; cùng với đó, tiền thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên do mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên. Vì thế, tăng lương nhưng mức sống không hề tăng, chật vật vẫn hoàn chật vật! Thời gian tới, nhiều khả năng việc trang trải cuộc sống càng eo hẹp hơn do vật giá tiếp tục leo thang, con cái ngày một lớn kéo theo nhu cầu học tập, sinh hoạt cao thêm.

Trên Facebook, không khó đọc được chia sẻ thực tế của những người phụ nữ lo toan, thu vén việc nhà: Hiện, thu nhập mỗi tháng của lao động chính trong gia đình khoảng 14 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh nuôi 1 con, vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh cho 1 người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng, nhưng mỗi tháng anh chị phải mất 5 triệu đồng để thuê người trông con, chưa kể các khoản chi phí khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của trẻ. Rất nhiều gia đình chung hoàn cảnh như vậy và có thể thấy rõ mức giảm trừ gia cảnh hiện không sát thực tế.

se-nghien-cuu-de-sua-doi-nhung-vuong-mac-cua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan20220504141855.8360900.jpg

Việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 mang theo hy vọng góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Khi tăng lương 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh tăng tương ứng có thể xem là phương án hợp lý.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Từ năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Sau 2 lần điều chỉnh, đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được nâng lên thành 11 triệu đồng/tháng.

Có một số ý kiến cho rằng, từ năm 2020 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng chưa biến động đến mức 20%, diễn biến chỉ số này sẽ tiếp tục được theo dõi, từ đó có đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ở thời điểm phù hợp. Tuy vậy, có cơ sở để khẳng định mức giảm trừ gia cảnh hiện đã lạc hậu so với tình hình thực tế, cần xem xét điều chỉnh sau khi tăng lương cơ sở.

Chỉ số giá tiêu dùng là tiêu chí quan trọng khi cân nhắc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, nhưng cần xem xét thêm những yếu tố khác để đảm bảo sát với tình hình thực tế đời sống, như mức thu nhập đầu người bình quân, tỉ lệ lạm phát hằng năm, sự phân bổ thu nhập trong cơ cấu dân số… Chưa kể chỉ số giá tiêu dùng không phản ánh hết những biến động, khó khăn của đời sống kinh tế. Trong 4 năm qua, có tới 2 năm toàn xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, đời sống của đông đảo người nộp thuế, đặc biệt là người lao động, vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

tncn-co-phai-quyet-toan-hang-nam-hay-duoc-cong-don-qua-cac-nam-2.jpg

Tỷ lệ giảm trừ gia cảnh so với tiền lương bình quân đầu người tại Việt Nam hiện tương đối cao so với mặt bằng khu vực. Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người nộp thuế của Trung Quốc là 3.500 NDT/tháng, tương đương khoảng 0,83 lần GDP bình quân đầu người. So với một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Việt Nam có mức giảm trừ gia cảnh cao hơn (khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người). Tại Indonesia, mức giảm trừ cho cá nhân bằng khoảng 0,527 GDP bình quân đầu người; Malaysia áp dụng mức giảm trừ bằng khoảng 0,312 lần GDP bình quân đầu người. Thế nhưng, do thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh xét về số tuyệt đối còn thấp.

Chính sách giảm trừ tại một số nước cho thấy, việc giảm thuế thu nhập đối với người nộp thuế bị bệnh hiểm nghèo đã được áp dụng cho chi phí khám sức khỏe. Ngoài ra, các khoản khấu trừ khác cũng được quy định chi tiết bao gồm: Giáo dục trẻ em, chi phí thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi, chi phí y tế lớn. Đây là những ví dụ tham khảo để thấy cơ sở điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tại nước ta chưa đầy đủ, dựa vào thu nhập, chi tiêu chứ chưa cân nhắc đến các biến động có thể ảnh hưởng mạnh đến khả năng nộp thuế, như chi phí y tế cao. Tiêu chí xác định người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa cụ thể. Trường hợp con riêng của vợ, chồng, con đi học muộn, con lưu ban, con đang chờ đi thi đại học không được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong thực thi luật.

Việc giảm trừ gia cảnh cần được tính toán kỹ lưỡng hơn để người lao động không thiệt thòi. Thuế thu nhập cá nhân tác động chủ yếu đến người làm công, ăn lương nên số tuyệt đối của mức giảm trừ gia cảnh khiêm tốn như vậy cũng khiến việc thu hút chuyên gia, người lao động có trình độ cao của nước ngoài đến làm việc thêm khó khăn.

Việc khuyến khích người lao động đang làm việc cũng gặp nhiều thách thức khi một bộ phận có suy nghĩ càng phấn đấu làm việc để đạt thu nhập cao hơn thì càng phải đóng thuế nhiều hơn, nên họ chỉ dừng ở ngưỡng nhất định! Hiện nay, có rất nhiều đơn vị đang áp dụng mức lương thanh toán theo năng suất nhưng khi người lao động thấy rằng phấn đấu để có thu nhập cao hơn lại phải nộp thuế cao hơn, họ sẽ không làm hết năng lực, từ đó nhiệt huyết trong công việc giảm đi.

Theo lộ trình đã được Bộ Tài chính báo cáo với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến năm 2025 sẽ sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân bao gồm các nội dung: Thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh. Nhưng xét trên nhiều yếu tố, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân ngay tại thời điểm này là hợp lý để đảm bảo hài hòa với điều kiện sống, tiêu dùng thực tế, góp phần động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, khiến việc tăng lương vừa qua đạt hiệu quả như mong muốn, đó là cải thiện mức sống của người dân.

Mới nhất
x
Giảm trừ gia cảnh: Bài toán 'đầu tiên'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO