Kinh tế

Gian lận thương mại điện tử ở Nghệ An ngày càng tinh vi

Văn Trường 08/07/2024 15:39

Thương mại điện tử ở Nghệ An phát triển mạnh, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, gây thất thu thuế.

Phát hiện nhiều website "chui"

van truong 5
Thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An phát hiện xử lý nhiều website "chui" không đăng ký bán hàng. Ảnh: Văn Trường

Kinh doanh online ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên, mặt trái cho thấy có nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian qua, lực lượng chức năng Nghệ An đã phát hiện, xử phạt nhiều website bán hàng vi phạm.

Điển hình, ngày 2/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 30 triệu đồng đối với Công ty CP Thực phẩm A.C có địa chỉ ở xã Nghi Phú, TP. Vinh (Nghệ An) về hành vi vi phạm không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý.

Tiếp đó, ngày 3/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 đã xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với Công ty TNHH H.M do bà Nguyễn Thị H. có địa chỉ tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH H.M đang vận hành 1 website thương mại điện tử có chức năng giỏ hàng trực tuyến, đăng bán và quảng cáo giới thiệu sản phẩm dầu gội đầu, mỹ phẩm.

Các mặt hàng túi xách tay toàn nhái hàng hiệu với giá rẻ. Ảnh: Văn Trường
Các mặt hàng túi xách nhái hàng hiệu với giá rẻ. Ảnh: Văn Trường

Một trường hợp khác là vi phạm của Công ty cổ phần Thực phẩm A.C do bà P.T.T.H là Giám đốc, người đại diện. Đoàn kiểm tra phát hiện website của công ty này hiện đang hoạt động và kinh doanh lĩnh vực thực phẩm, ngũ cốc. Website có giỏ hàng, đặt hàng trực tuyến mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương theo quy định.

Đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện website thương mại điện tử của Công ty cổ phần Thực phẩm A.C chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định. Bà H - Giám đốc công ty đã thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Ông Bùi Văn Chung - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết thêm: Thời gian qua, Đội đã triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube…

6 tháng đầu năm, đội đã xử lý 10 vụ vi phạm liên quan đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, tổng thu phạt hơn 240 triệu đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng xử lý 27 vụ liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, xử phạt hành chính trên 509 triệu đồng. Chủ yếu là các hành vi vi phạm, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.

Hàng xách tay son môi thương hiệu
Hàng xách tay son môi không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Văn Trường

Diễn biến phức tạp

Theo Hiệp hội Thương mại Việt Nam, Nghệ An là tỉnh có tốc độ phát triển kinh doanh thương mại điện tử đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong cả nước. Toàn tỉnh có 534 website bán hàng, 4 sàn giao dịch và 2 ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử gặp những khó khăn. Các đối tượng vi phạm có trình độ công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi ph̉ương thức để thực hiện hành vi vi phạm. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để bán hàng, địa điểm hoạt động thường là các khu chung cư, nhà dân để thực hiện các hoạt động chào bán, nhận đơn hàng, chốt đơn hàng nên khó phát hiện, kiểm tra.

Việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện qua đơn vị vận chuyển thứ ba, hoạt động thanh toán thông qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử hoặc ship COD, gây khó khăn cho việc tiếp cận, phát hiện, xử lý vi phạm. Các website thương mại điện tử bán hàng sử dụng tên miền quốc tế như .com, .net, .org… còn mập mờ về thông tin chủ sở hữu, được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn.

van truong 34
Ảnh chụp màn hình một buổi livestream bán đồng hồ qua mạng xã hội Facebook. Ảnh: Văn Trường

Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, bán hàng theo hình thức livestream. Sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn giả để đánh lừa người tiêu dùng.

Hệ thống trang thiết bị quản lý của các ngành đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số chưa đồng bộ. Việc triển khai định danh, xác thực điện tử và đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông còn chậm, dẫn đến khó khăn trong việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số.

Tìm hiểu thực tế trên không gian mạng, có thể nhận thấy thông qua các trang mạng, các đối tượng thường quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng không có hóa đơn. Các mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, đồng hồ, cây cảnh, thực phẩm chức năng… được bán phổ biến nhất.

van truong 1
Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại phường Hưng Bình, TP. Vinh kinh doanh 1.550 sản phẩm linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc. Ảnh: P.V

Nhiều mặt hàng được các đối tượng tổ chức livestream trên mạng xã hội Facebook với giá rẻ. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua chức năng nhắn tin riêng. Một số đối tượng còn sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để công khai quảng cáo dịch vụ làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn...

Siết chặt quản lý

Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp như cử lãnh đạo các đội, phòng, kiểm soát viên, chuyên viên Cục Quản lý thị trường tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về phân biệt hàng thật, hàng giả...; phân công các kiểm soát viên có trình độ về công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi đánh giá, lên danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Cùng với đó, theo dõi các lượt tương tác, số lượng sản phẩm đăng bán, sản phẩm bán chạy, shop yêu thích, tỷ lệ giao hàng, phản hồi của khách mua, ước lượng được quy mô, doanh thu để đưa ra phương án kiểm tra phù hợp.

van truong 3
Lực lượng chức năng phát hiện thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ở huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V

Cục Thuế cũng phối hợp với các ngành liên quan như Công an, Hải quan, Cục Thuế, Biên phòng ... tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; trong đó, tăng cường cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử.

Đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết thêm: Các tổ chức tín dụng cần có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin thanh toán của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số theo đề nghị của cơ quan thuế. Bắt buộc các đơn vị bán hàng qua mạng phải đăng ký, công khai, kê khai trung thực, kịp thời các thông tin định danh, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, các thông tin liên quan đến doanh thu, nghĩa vụ thuế phát sinh với các cơ quan có thẩm quyền.

Hàng mũ và thắt lưng ở chợ Vinh chủ yếu là hàng nhái không rõ nguồn gốc. Ảnh: Văn Trường
Hàng mũ và thắt lưng ở chợ Vinh chủ yếu là hàng nhái không rõ nguồn gốc. Ảnh: Văn Trường

Theo các nhà chuyên môn, để ngăn chặn gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử, cơ quan chức năng phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trực tuyến. Từ đó, kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh.

Về phía người tiêu dùng, khi giao dịch hàng trên thương mại điện tử nên chọn lựa những đơn vị kinh doanh, sàn thương mại uy tín. Mua hàng phải có chứng từ, hóa đơn.

Tuy vậy, thời gian tới, theo dự báo, tình hình vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử sẽ có nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi và phức tạp hơn. Nếu chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, mức độ phạt nhẹ như hiện tại thì không đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Mới nhất

x
Gian lận thương mại điện tử ở Nghệ An ngày càng tinh vi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO