Gian nan nghề 'chạy' đò dọc lòng hồ

17/04/2017 14:29

(Baonghean) - Chở đò trên lòng hồ thủy điện là một công việc đòi hỏi bản lĩnh của người cầm lái. Bởi, những người trong nghề luôn phải đảm bảo sự an toàn cho hành khách và hàng hóa trước những tai nạn có thể ập đến bất ngờ.

Đò dọc
Một thời gian dài, vì đường bộ chưa được khai thông nên nghề đò dọc rất thịnh hành trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương. Ảnh: Hữu Vi

Công việc gì cũng khổ, nhưng chở đò trên sóng nước giữa lòng hồ có lẽ là nghề nhiều rủi ro nhất của người vùng cao. Đó là cảm nhận của một ông giáo giảng dạy ở xã Hữu Khuông (Tương Dương).

Nhà ông cách trường ngót trăm cây, mỗi tuần hai bận đi trên những chiếc thuyền dọc ngang giữa lòng hồ rộng cả nghìn ha. Dù chưa bao giờ cầm lái thuyền máy nhưng ông bảo là mình biết về cái nghề này, vì với hơn 20 năm đi gõ đầu trẻ khắp các xã dọc sông Nậm Nơn, là những địa bàn mà trước kia đường sông gần như là con đường đi lại duy nhất.

Nhớ về cái thời ăn nên làm ra và cũng là những ngày gian lao nhất của nghề lái đò dọc trên sông Nậm Nơn, ông Lô Văn Tấn nay đã về ở tại một bản tái định cư ở huyện Thanh Chương cho rằng: “Đó là một công việc mà mỗi ngày người làm nghề đem đặt cược mạng sống của mình cho những cuộc chơi. Còn hành khách đi thuyền như cưỡi trên lưng thuồng luồng.” Ông lão tuổi lục tuần đưa tay vuốt mồ hôi trán khi nhớ lại những tháng ngày cầm lái thuyền máy, cầm theo mạng sống của biết bao lượt người xuôi ngược trên sông.

Đò dọc trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Hữu Vi
Đò dọc trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Hữu Vi

Từ đầu những năm 1990, nghề chở thuyền máy dọc sông Nậm Nơn thuộc các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn bắt đầu thịnh hành. Thuyền máy đã thay thế cho thuyền chèo tay, thuyền độc mộc, thứ phương tiện giao thông truyền thống ít có khả năng vượt qua hệ thống hàng chục thác ghềnh.

Thuyền máy đã mở ra một cái nghề khiến nhiều người ăn nên làm ra nhờ nó và cũng chẳng ít người thảm bại vì những lần chìm thuyền. Đó là cái thời kỳ kéo dài hơn chục năm trước khi Nhà máy thủy điện Bản Vẽ ngăn đập, sông Nậm Nơn nhiều thác dữ, chìm xuồng, hỏng máy xảy ra như cơm bữa.

Ông Tấn nhớ lại: Hồi đó hầu như ai sống dọc sông cũng có một con thuyền nhỏ đi nương, đi rẫy. Chỉ những ai to gan lớn mật, không sợ sóng nước, thác ghềnh mới dám vào nghề chở khách. “Dù không phải người có sừng có mỏ như người ta nhưng tôi cũng có một chiếc thuyền loại 26 sức ngựa. Mỗi tuần 2 - 3 chuyến chở khách lên, xuống trên sông. Khi qua thác to phải dùng đến dây chão để kéo.

Người thì xuống đi đường rừng. Hết thác mới lên thuyền đi tiếp. Thành ra đi thuyền cũng chẳng đỡ vất hơn đi bộ là bao. Chỉ được cái chẳng phải gùi theo hàng hóa nên khỏe người hơn. Mỗi lần ngược sông là cả một hành trình gian nan. Chỉ khi buộc thuyền vào bến đỗ mới thở phào nhẹ nhõm. Thuyền và người đều được an toàn.

Mối lo lại tiếp diễn vào ngày hôm sau. Nhưng rồi người làm nghề cũng dần quen với những mối nguy hiểm. Chỉ còn cách tự mình vượt qua. “Thế mà mình vẫn làm nghề được hơn chục năm, cho đến khi về bản mới. Thuận đường hơn nên không cần dùng đến thuyền máy nữa”, ông Tấn chia sẻ.

Khách đi đò dọc là người dân sinh sống ở vùng thượng nguồn Nậm Nơn. Ảnh: Hữu Vi
Khách đi đò là người dân sinh sống ở vùng thượng nguồn Nậm Nơn. Với họ, đường sông vẫn là cách duy nhất để đi từ xã đến huyện lỵ Tương Dương. Ảnh: Hữu Vi

Với xã Hữu Khuông (Tương Dương), nghề chở đò vẫn rất thịnh hành. Đường sông vẫn là cách duy nhất để đi từ huyện lỵ vào trung tâm xã. Ông Lô Văn Phòng hiện sống tự do giữa lòng hồ Bản Vẽ và là một trong những người vẫn chung thủy với nghề. Ngày nay, hầu hết những con thác dữ đã chìm vào lòng hồ.

Nghề đưa đò có phần đỡ cơ cực hơn. Những câu chuyện của ông Tấn chỉ còn là ký ức xa xôi. Thế nhưng, với ông Phòng thì câu ngạn ngữ: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” luôn là phương châm khi đã cầm tay lái thuyền. Những đợt sóng bất ngờ giữa lòng hồ mênh mông là nỗi ám ảnh của những người theo nghề chở thuyền trên hồ Bản Vẽ.

Những đợt sóng có thể xuất hiện bất thần vì một chiếc thuyền lớn đi ngược chiều hay những cơn mưa rừng bất chợt. Đó là lúc đòi hỏi bản lĩnh của người lái thuyền để đưa hành khách và hàng hóa cập bến an toàn. “Có thể bây giờ lái thuyền dễ hơn trước kia, nhưng chỉ cần một sơ sểnh nhỏ, thuyền chìm hậu quả sẽ khó lường hơn vì bây giờ hồ rộng, nước sâu hơn trước kia rất nhiều” - Ông Phòng chia sẻ.

Trên những chuyến thuyền ngược xuôi, ngang dọc giữa hồ nước mênh mông, thi thoảng người ta vẫn kể về những chuyến đi không may. Sự không may đó nhiều khi đến từ những thiên tai, những chiếc thuyền ọp ẹp cũ kỹ. Hơn hết thảy là chuyện về những người lái thuyền. Số người làm nghề ngày nay không còn nhiều, nhưng hầu hết họ trụ lại được với nghề đều là những người bản lĩnh trước những cơn sóng và bất trắc có thể xảy đến bất ngờ.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Gian nan nghề 'chạy' đò dọc lòng hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO