Giáo dục giới tính cho trẻ, khó hay dễ?

15/04/2017 12:42

(Baonghean) - Nhiều bậc phụ huynh thấy e ngại khi nhắc đến vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. Họ cho rằng đề cập với trẻ các chủ đề liên quan đến giới tính, đặc biệt là tình dục là vấn “nhạy cảm” và khó xử.

Thậm chí, có phụ huynh quan niệm không nên nói với trẻ về giới tính, tình dục vì chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”.

Đáng tiếc là quan niệm này hoàn toàn sai lầm, vì không cần vẽ đường thì hươu vẫn chạy. Vấn đề là chúng ta muốn “hươu” chạy đúng hay sai đường?

Theo Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì việc giáo dục giới tính cần được bắt đầu ngay khi trẻ lên 3 tuổi. Con số này có thể khiến nhiều phụ huynh ngạc nhiên và hoang mang: 3 tuổi thì trẻ biết gì về giới tính để mà giáo dục?

Chính vì trẻ chưa biết gì nên chúng ta mới cần định hướng cho trẻ vì lúc này trẻ như tờ giấy trắng rất dễ định hướng, uốn nắn. Với trẻ 3 tuổi, bố mẹ có thể bắt đầu dạy cho trẻ nhận biết giới tính của chính mình và mọi người xung quanh.

Ví dụ: Con gái có tóc dài hơn con trai, con trai không mặc váy như con gái,… thậm chí bố mẹ có thể dạy trẻ về vùng kín của mình ở mức độ đơn giản nhất, mục đích là để trẻ bắt đầu nhận thức được vùng kín là bộ phận riêng tư của cơ thể.

Ở tuổi này, trẻ phải bắt đầu biết bảo vệ vùng kín của mình khỏi người lạ. Bố mẹ cũng cần nói với trẻ cách thức đơn giản nhận biết người xấu: đó là người muốn động chạm vào trẻ hay vùng kín của trẻ mà không được sự đồng ý của chúng.

Một lớp học giáo dục giới tính cho trẻ em ở thành phố Vinh.  Ảnh: Phương Thảo
Một lớp học giáo dục giới tính cho trẻ em ở thành phố Vinh. Ảnh: Phương Thảo

Từ 3 tuổi đến 6 tuổi, trẻ phải học được cách tự vệ sinh cơ thể, tự mặc quần áo. Lúc này, ý thức về giới tính và riêng tư của trẻ phải dần được củng cố, thậm chí đến mức bố mẹ nếu muốn thân mật với trẻ (ôm ấp, thơm, thay quần áo, vệ sinh cho trẻ…) phải xin phép và được trẻ đồng ý.

Nếu trẻ không đồng ý thì không nên ép buộc để trẻ cảm thấy mình được tôn trọng. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng trong giáo dục giới tính cho trẻ. Nếu bố mẹ xây dựng được cho trẻ tính tự lập, tự quyết đối với cơ thể mình và mối quan hệ gần gũi nhưng có khoảng cách vừa phải, có sự tôn trọng thì trẻ sẽ cởi mở chia sẻ hơn khi chúng lớn lên và gặp phải các vấn đề ngoài xã hội.

Sau 6 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu tò mò về các vấn đề có thể khiến bố mẹ ngại ngùng như là: Em bé sinh ra từ đâu, làm thế nào để có em bé, tại sao bố lại hôn mẹ,…

Đừng nên né tránh khi nói với con những điều nhạy cảm. Ảnh: Internet.
Đừng nên né tránh khi nói với con những điều nhạy cảm. Ảnh: Internet.

Điều mà các phụ huynh nên nhớ là ở tuổi này trẻ em rất vô tư và không hề có kiến thức gì về giới tính ở mức độ cao hơn (tình yêu, tình dục). Bố mẹ không cần lo lắng khi con hỏi những câu hỏi về giới tính, cũng không cần đưa ra câu trả lời quá cụ thể vì trẻ không đủ kiến thức, từ vựng để hiểu.

Em bé sinh ra từ bụng mẹ (có thể cho trẻ xem vết sẹo mổ nếu mẹ đẻ mổ), bố mẹ phải yêu thương nhau và ôm nhau rất lâu để có em bé, bố hôn mẹ vì bố yêu mẹ…

Có bố mẹ “giật mình” khi trẻ hỏi lại: Con cũng muốn có em bé thì phải làm gì, con cũng muốn hôn bạn vì con yêu bạn,… Lúc đó, thay vì gạt đi thì hãy trả lời trẻ: Đến khi con 18 tuổi con sẽ làm được những việc đó. Thậm chí có thể “hù doạ” trẻ một chút như là: Sinh em bé rất đau nên bây giờ con còn bé quá chưa làm được, nếu con hôn bạn có thể sẽ làm bạn bị đau, làm bạn sợ hoặc làm chảy nước dãi ra mặt mất vệ sinh…

Giáo dục giới tính cho trẻ không hề khó nếu bố mẹ tìm hiểu đầy đủ các kiến thức và có cách tiếp cận phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Thay vì né tránh, phó thác việc tìm hiểu kiến thức giới tính cho nhà trường, thậm chí là “thuận theo tự nhiên” để trẻ tự mày mò, bố mẹ nên đồng hành cùng con sớm nhất có thể. Như vậy, vừa bảo vệ con khỏi các mối đe doạ ngoài xã hội, vừa giúp con bảo vệ sức khoẻ của mình.

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Giáo dục giới tính cho trẻ, khó hay dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO