Quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập: Còn nhiều lỗ hổng

(Baonghean) - Những vụ bạo hành trẻ tại các lớp mầm non ngoài công  lập và các nhà trẻ tư xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… thời gian qua khiến các phụ huynh đang phải gửi con ở các loại hình này không khỏi lo lắng. Điều này càng có cơ sở khi gần 70% các nhóm lớp độc lập, tư thục trông giữ trẻ hiện nay trên địa bàn Thành phố Vinh là hoạt động không phép…

Lớp giữ trẻ của bà Trương Thị Oanh nằm tại dãy nhà tập thể thuộc khối 20, phường Hưng Bình (TP.Vinh). Nhà cấp 4 nhỏ chỉ có 1 phòng, trong đó 1 phòng khách, phòng còn lại chừng hơn 20m2 là nơi ăn, chơi, ngủ, nghỉ của khoảng 7 – 8 cháu từ 12 đến 36 tháng tuổi. Biết tôi có ý định xin gửi con, chị Oanh nhiệt tình: “Chị làm nghề này lâu lắm rồi. Toàn người quen gửi thôi. Các cháu ở đây mỗi tháng chỉ phải đóng từ 1 – 1,1 triệu đồng, ngày ăn 2 bữa trưa, chiều”. Quan sát quanh căn phòng nhỏ, chúng tôi thấy rất ít đồ chơi, các phương tiện đồ dùng học tập không có. Người giữ trẻ chưa từng qua một lớp đào tạo nghiệp vụ về sư phạm mầm non nào. Hỗ trợ cho chủ là một cô gái mới chừng qua 17, 18 tuổi.
Giờ chơi của các cháu thuộc nhóm trẻ Sao Mai, phường Đông Vĩnh.
Giờ chơi của các cháu thuộc nhóm trẻ Sao Mai, phường Đông Vĩnh.
Sang một điểm giữ trẻ khác của bà Đinh Thị Bốn ở khối 19, phường Hưng Bình vào thời điểm hơn 10 giờ trưa, lớp học đang có 6 cháu nhỏ, trong đó có 2 cháu đang ngủ trên chiếu trải giữa sàn nhà. Các cháu còn lại đang quanh quẩn trong căn phòng khách chỉ vài chục mét, trong phòng ngoài 2 chiếc ghế dùng để cắt tóc làm đầu thì không có vật dụng nào khác. Mùi ẩm mốc, khai nồng bốc lên. Thấy khách đến, bà Bốn, chừng hơn 50 tuổi tất tưởi từ trong bếp chạy ra rồi giới thiệu về điểm giữ trẻ của mình. Bà nguyên là công nhân của Công ty Xây dựng 12, trước đây do sinh đôi nên bà phải nghỉ việc ở nhà trông con. Thấy bà có thời gian, những người xung quanh gửi con cho bà trông hộ, lâu dần nhà bà trở thành điểm “giữ trẻ” có tiếng… Điều thuận lợi ở đây là “có thể gửi, đưa đón bất cứ lúc nào, thậm chí là 9, 10h đêm. Có những hôm bận việc, gia đình đưa bé đến từ 5 giờ sáng bà Bốn vẫn nhiệt tình đón”, bà Nguyễn Thị T, bà của cháu T.D được gửi tại đây cho biết. Biết lớp của bà Bốn không gọn gàng, sạch sẽ như một số nhà trẻ tư khác trong vùng nhưng gia đình vẫn quyết định gửi bởi không nơi nào giờ giấc thoải mái như ở đây…
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình, hiện trên địa bàn phường có 6 điểm trông giữ trẻ và tất cả đều là tự phát, mỗi điểm có từ 3 – 12 cháu, trừ điểm của bà Nguyễn Thị Nguyệt ở khối Liên Cơ là giáo viên có trình độ Trung cấp Sư phạm miền núi, còn lại đều là những người chưa qua đào tạo, không có bằng cấp.  Các nhóm lớp không thực hiện theo chương trình giáo dục, không có đồ dùng, đồ chơi và chương trình tài liệu giảng dạy tối thiểu theo quy định. Trong lớp không có nhà vệ sinh riêng cho các cháu mà dùng chung với gia đình. Mặc dù hàng năm phường đều giao cho Trường Mầm non Hưng Bình kiểm tra, theo dõi hoạt động của các lớp và theo quy định thì các lớp này không đủ điều kiện để cấp phép nhưng để “đóng cửa” thì rất khó. Bởi  hiện nay nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh trong phường rất đông, trong khi đó trường mầm non của phường không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, phường cũng không có nhân lực để theo dõi hoạt động của các lớp này thường xuyên. Nhiều lần kiểm tra, thấy có giữ trẻ  trong nhà nhưng khi hỏi đến giấy tờ, các điểm trông giữ trẻ thường “lấp liếm” rằng đó là hàng xóm gửi trông hộ nên đành chịu…”.
Thiếu trường lớp là nguyên nhân khiến các nhà trẻ tư (gọi chung là các nhóm trẻ độc lập) trên địa bàn thành phố phát triển rầm rộ như hiện nay. Toàn thành phố có đến 62 nhóm lớp độc lập, có mặt ở hầu hết tất cả các phường, trong đó nhiều nhất là ở phường Đông Vĩnh (8 nhóm), Hà Huy Tập (6), Hưng Bình (6), Cửa Nam (6), Vinh Tân (6) Trung Đô (4)… Tuy nhiên, hiện chỉ  22 nhóm lớp trong số này được cấp phép, còn lại là hoạt động bất hợp pháp.  Nhìn chung, các lớp học này cơ sở vật chất rất nghèo nàn, thiếu thốn, chưa đảm bảo an toàn. Việc hình thành của các nhóm lớp đều theo tự phát, đội ngũ người trông trẻ không có chuyên  môn. Đa phần các điểm trông giữ diện tích phòng học hẹp, sân vườn không có, phòng vệ sinh chưa sạch sẽ, chưa đúng tiêu chuẩn. Cá biệt tại một số nhóm lớp độc lập có trẻ em 5 tuổi nhưng chưa được hưởng các điều kiện học tập, chăm sóc, giáo dục theo đề án phổ cập trẻ em 5 tuổi. Ngay cả những nhóm trẻ đã được cấp phép vẫn không tuân thủ các quy định của pháp luật như  không có biển tên nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo, địa chỉ, số điện thoại, số quyết định… Chất lượng giáo viên chưa cao, chủ yếu là giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, có nơi giáo viên chưa đạt chuẩn. Một số chủ trường, chủ nhóm chưa có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non hoặc quản lý theo quy định. 
Thực tế này cũng là một khó khăn cho công tác quản lý của phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố Vinh. Bà Lê Thị Phương - Phó phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết: Theo Quyết định 41 và Thông tư 28 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục thì phòng Giáo dục và Đào tạo làm nhiệm vụ  tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục của tổ chức, cá nhân xin cấp phép thành lập. Còn cơ quan đồng ý cấp phép hay đình chỉ, rút giấy phép lại thuộc quyền quản lý của các phường, xã. Tuy vậy hiện nay, các địa phương lại chưa quản lý chặt chẽ hoạt động này, còn mang tính chất cả nể…
Về khách quan, do cơ sở vật chất của thành phố phục vụ cho ngành học mầm non quá thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cụ thể,  toàn thành phố số cháu từ 3 tháng - 5 tuổi là 30.047 cháu, nhưng hiện nay số cháu được ra lớp (kể cả các nhóm lớp độc lập) mới chỉ có 17.884 cháu (chiếm 59,5%). Vì không có trường cho các cháu đi học, nhiều gia đình không có người trông trẻ nên đành “bấm bụng” gửi con cho các nhà trẻ tư, dù biết rằng ở đây không đảm bảo an toàn, không đủ điều kiện để hình thành một lớp học theo quy định. Ngoài ra trên địa bàn thành phố, số lượng trẻ không có hộ khẩu chiếm tỷ lệ khá đông nên các nhà trẻ tư với mức đóng học phí thấp, giờ giấc thoải mái, dễ xin học là một “cứu cánh”, nhất là tại những vùng có các khu công nghiệp, người lao động làm nghề tự do đông. 
Nhằm tăng cường quản lý loại hình ngoài công lập này, thời gian qua phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố Vinh đã có nhiều văn bản gửi UBND các phường, xã và các trường mầm non trên địa bàn thành phố để tiến hành rà soát, kiểm tra điều kiện thành lập, điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Trên cơ sở đó, phân loại để tiếp tục cấp giấy  phép cho những cơ sở đủ điều kiện và đề nghị đình chỉ  các cơ sở không đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo công khai các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn đã được cấp phép và chưa được cấp phép cho phụ huynh được biết để lựa chọn trường lớp. Tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện các cơ sở giáo dục hoạt động trái quy định, không đảm bảo an toàn đề nghị chính quyền địa phương xử lý theo quy định…
Mỹ Hà

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.