Những cô giáo - mẹ hiền của học trò Đan Lai

(Baonghean) - Nơi đại ngàn Pù Mát có những bản, làng của tộc người Đan Lai nhờ có Đảng đang vươn lên bắt nhịp cuộc sống mới; con em họ trong hoàn cảnh khó khăn cũng đã sáng dần lên “khát vọng con chữ”. Cảm động là có những cô giáo trẻ, với lòng yêu nghề, tình thương yêu học trò nghèo Đan Lai đã trở thành những người mẹ hiền của các em... 
Đã hơn 10 năm kể từ ngày mấy chục hộ người Đan Lai ở đầu nguồn khe Khặng ra định cư ở xã Môn Sơn (Con Cuông) theo Đề án “Bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai” - thời gian đủ để làm nên bao sự thay đổi, bà con Đan Lai đã làm quen với việc trồng trọt, chăn nuôi; những nương ngô đã cho bắp, những thửa ruộng đã cho mấy mùa gặt… Đặc biệt, trẻ em Đan Lai được đến trường trong sự quan tâm “gieo chữ” của cộng đồng, xã hội. 
Cô giáo Vi Thị Cúc (Trường Tiểu học Môn Sơn 3 - Con Cuông) hướng dẫn học sinh làm bài tập   trên lớp.
Cô giáo Vi Thị Cúc (Trường Tiểu học Môn Sơn 3 - Con Cuông) hướng dẫn học sinh làm bài tập trên lớp.
Đứng chân ở bản Cửa Rào, Trường Tiểu học Môn Sơn 3 được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khá khang trang, khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Ngôi trường vùng biên này đã đạt chuẩn quốc gia, là niềm tự hào của mảnh đất Mường Quạ. Thầy Trần Xuân Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có tổng số hơn 300 học sinh, trong đó học sinh Đan Lai chiếm phần lớn. Đây là điểm trường chính, ngoài ra còn có 2 điểm trường lẻ đầu nguồn sông Giăng ở 2 bản Cò Phạt và Khe Lẻ. Học sinh Đan Lai rất nghèo, bố mẹ các em còn mải mưu sinh, chưa quan tâm nhiều đến việc học của con cái, vì vậy, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các thầy, cô... Chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào giúp đỡ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, xem đây là việc làm cụ thể, thiết thực hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 
Bữa cơm trưa của Vi Thị Hà (giữa) tại nhà cô giáo Trần Thị Thanh Nga.
Bữa cơm trưa của Vi Thị Hà (giữa) tại nhà cô giáo Trần Thị Thanh Nga.
Hầu hết giáo viên Trường Tiểu học Môn Sơn 3 đều đăng ký giúp đỡ, kèm cặp học sinh nghèo, để các em tránh được nguy cơ bỏ học giữa chừng. Các thầy, cô đều hỗ trợ học sinh quần áo, giày dép, sách vở và bút mực. Từ phong trào, xuất hiện những tấm gương tiêu biểu, giàu tình yêu thương đối với học trò. Đó là cô giáo Vi Thị Cúc (sinh năm 1976). Năm học 2013 - 2014, ở Khe Lẻ và Cò Phạt vẫn còn tình trạng học sinh trong một lớp có sự khác biệt nhau về lứa tuổi và trình độ, gây khó khăn và bất tiện cho cả người dạy lẫn người học. Trong số đó, có 7 em cùng lứa tuổi được lãnh đạo nhà trường quyết định cho ra học điểm trường chính để các em có điều kiện giao lưu, tiếp xúc và thuận tiện hơn trong học tập. Nhưng nếu ra điểm trường chính, các em sẽ ăn nghỉ ở đâu khi  trường không có khu nội trú và nhân viên phục vụ? Rồi những lúc các em ốm đau đột ngột...? Ban giám hiệu đang loay hoay chưa biết sắp xếp như thế nào, thì cô giáo Vi Thị Cúc xung phong nhận đưa toàn bộ 7 em về ở tại nhà mình.
Gia đình cô Cúc ở bản Kim Đa, (xã Lục Dạ), cách xa trường hơn 5 km, đường đi lại còn rất khó khăn, nên việc nhận nuôi dạy các em là cả một thử thách. Cô chia sẻ: “Tôi có gần 20 năm gắn bó với các em nhỏ Đan Lai ở đầu nguồn khe Khặng, nên hiểu hết được những vất vả, thiếu thốn và thiệt thòi của các em. Khi 7 em này ra điểm trường chính không có chỗ ăn ở, tôi đã bàn bạc và được chồng đồng ý đưa các em về ở tại nhà, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các em”. Vợ chồng cô Vi Thi Cúc có 2 con, người chồng làm nông nghiệp, cuộc sống mới chỉ tạm đủ ăn, việc nhận 7 đứa trẻ Đan Lai về nhà ăn ở đã làm cuộc sống gia đình ít nhiều xáo trộn, đặc biệt là trong sinh hoạt hàng ngày. Có thêm người nghĩa là phải kê thêm giường, phải sắm những chiếc nồi to hơn, phải mua thêm bát, đĩa. Việc nấu ăn, chợ búa vì thế cũng trở nên phức tạp hơn. Đó là chưa kể việc hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, tắm giặt hàng ngày, rồi phơi phong quần áo trong những ngày mưa gió... Ban đêm, cô Vi Thị Cúc còn tranh thủ hướng dẫn các em học bài, làm bài để theo kịp các bạn cùng lớp. Căn nhà của vợ chồng cô lúc ấy như một lớp học thu nhỏ. Mọi chi phí nuôi các em ăn học đều do gia đình cô bỏ ra; phụ huynh thì  chẳng mấy khi ra đến trường để thăm nom con cái.
Cô giáo Vi Thị Cúc vẫn chưa thể quên những lần có học sinh ở trong nhà bị sốt - ho, rồi lây lan ra những em khác, lây sang cả con mình. Vậy là đang đêm, nhờ một đồng nghiệp đến canh chừng nhà, vợ chồng cô vượt dốc Bù Ông, đi hơn 10 km ra thị trấn để lấy thuốc. Về nhà, lại phải dỗ dành từng đứa để chúng uống đủ liều, đến mấy ngày sau mới đỡ. Học sinh khỏi bệnh cũng là lúc cô Cúc bị ốm,... Lần khác, có em bị viêm nhiễm ngoài da, căn bệnh này lây lan rất nhanh, chẳng mấy chốc mà cả nhà đều bị. Cô giáo phải tìm gặp những người già để hỏi phương thuốc, rồi lên rừng tìm lá cây về nấu nước tắm cho từng em. Những hôm mưa gió, vợ chồng cô thay nhau đưa đón các em đến lớp trên con đường bùn lầy, trơn trượt, qua những đoạn suối sâu, nước xiết. Đó quả là những việc làm thầm lặng nhưng rất đỗi lớn lao, là cả một tình yêu thương vô bờ với trẻ em Đan Lai của vợ chồng cô Vi Thị Cúc. Năm học 2014 - 2015 này, nhà trường đã vận động bố mẹ của 7 em học sinh ở Khe Lẻ, Cò Phạt gửi con tại nhà anh em, họ hàng ở bản Cửa Rào, Tân Sơn theo hình thức bán trú dân nuôi. Đỡ được phần vất vả, cô Vi Thị Cúc tiếp tục nhận giúp đỡ 2 em có hoàn cảnh khó khăn là La Thị Anh (lớp 5) và La Thị Bảy (lớp 5) bằng  hỗ trợ quần áo, sách vở và bút mực. 
Còn cô giáo Trần Thị Thanh Nga (sinh năm 1981), cũng từng dạy học ở đầu nguồn khe Khặng. Cô vẫn không thể quên những ngày còn dạy học ở điểm trường Cò Phạt, có những em nhỏ Đan Lai buổi sáng đến lớp không có gì để lót dạ, đến giữa buổi người lả đi. Cô đã phải tạm dừng tiết dạy, vào bếp đun nước pha mỳ tôm cho các em ăn… Từ đó, mỗi lần về nhà, lúc trở vào cô Nga luôn mang theo mấy thùng mỳ tôm, phòng khi có học sinh đang học giữa chừng bị đói lả. Còn việc cô bỏ tiền ra mua cho các em quyển vở, cái bút là chuyện thường xuyên. Năm học này, cô giáo Nga nhận nuôi em Vi Thị Hà (lớp 5) ở bản Khe Lẻ. Chồng công tác ở xa, một mình cô chăm nom 2 con nhỏ, con trai đầu đang học lớp 4, con gái nhỏ đang học mầm non. Việc trường, việc lớp và việc chăm nuôi con nhỏ đã lấy đi gần hết thời gian, nhưng cô đã không ngại ngần khi nhận giúp đỡ học sinh nghèo. Chúng tôi tìm đến nhà cô Nga ở bản Thái Sơn (Môn Sơn) sau giờ tan trường, cô đang tất bật lo cơm nước. Bữa cơm trưa chỉ có 3 người, cô Nga, em Hà và cậu con trai đầu, con gái út ăn nghỉ tại trường mầm non. Trong bữa ăn, Vi Thị Hà - cô bé Đan Lai hồn nhiên, vui vẻ bên cô giáo; dường như với em, cô giáo là người mẹ hiền thực sự. 
Thầy Trần Xuân Hùng cho biết thêm, không chỉ riêng cô Cúc và cô Nga nhận giúp đỡ học sinh nghèo, mà tất cả các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Môn Sơn 3 đều giúp đỡ các em bằng những việc làm thiết thực, thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm đối với học trò. Nói rồi, thầy đưa cho chúng tôi xem bản đăng ký làm việc tốt của tập thể giáo viên ghi: Cô Hà Thị Thu Giang giúp đỡ em Hà Thị Hoài (lớp 2B); cô Vi Thị Bảo hỗ trợ quần áo, sách vở cho em La Văn Dung (lớp 2A); cô Đinh Thị Hòa hỗ trợ quần áo cho em La Văn Mới (lớp 5A)... 
Bài, ảnh: Công Kiên

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.