Băn khoăn thưởng Tết giáo viên

(Baonghean) - Vài, ba trăm nghìn đồng, gói mì chính, can dầu ăn…là mức thưởng Tết của đại bộ phận giáo viên trong ngành Giáo dục tỉnh nhà. Mức thưởng ít ỏi khi Tết đến Xuân về ấy, dường như đã “quen thuộc” đối với các cán bộ, giáo viên, nên họ cũng ít “so đo” với mức thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên của nhiều ngành. Niềm vui của họ, có lẽ là từ nhiều hoạt động xã hội, cộng đồng khác động viên thầy và trò trong những ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị đón Tết cổ truyền...
Đã nhiều năm nay, giáo viên ở trường THCS Mậu Đức (Con Cuông) không còn nghĩ nhiều đến việc thưởng Tết. Vì vậy, đến thời điểm này, dù ở trên các phương tiện truyền thông nhiều đơn vị đã công bố mức thưởng của năm 2014, thì ở đây không khí vẫn khá trầm lắng. Đến thăm căn phòng của vợ chồng thầy giáo Trịnh Xuân Dũng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thầy tâm sự: “Thú thật, cũng có nghe nơi này nơi kia thưởng Tết đến hàng chục triệu đồng… Nhưng tôi công tác trong ngành đã lâu, lại phụ trách công đoàn nên rất hiểu hoàn cảnh của nhà trường, không biết lấy nguồn thu nào mà thưởng Tết cho giáo viên. Riêng công đoàn thì hàng tháng thu quỹ từ anh em, cuối năm chắt chiu lại cũng chỉ đủ chia cho anh em người được 150.000 – 200.000 đồng”.
Trường THCS Mậu Đức là một trong những điểm trường khó khăn của Phòng Giáo dục huyện Con Cuông. Địa bàn của trường có 8 bản thì đến 6 bản thuộc diện 135. Trường có khoảng 100 học sinh bán trú, ngoài ra gần 10 giáo viên khác vì hoàn cảnh nhà xa nên vẫn đang ở tại khu nhà tập thể  của nhà trường. Như vợ chồng thầy Dũng, chồng là giáo viên dạy cấp II, vợ dạy cấp I, gần 40 tuổi và gần 20 năm làm nghề nhưng vẫn đang ở trong căn phòng tập thể chật chội, sinh hoạt chung với học sinh trong trường. Hoàn cảnh còn khá vất vả, con lại nhỏ, tiền Tết cũng không có nhiều, nên hai vợ chồng chưa nghĩ gì đến việc mua sắm Tết. 
Đến nhiều điểm trường khác ở huyện Con Cuông như Tiểu học Chi Khê 2, Tiểu học Mậu Đức, câu chuyện thưởng Tết cũng không khác nhiều. Thầy giáo Lữ Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chi Khê 2 chia sẻ rằng: “Gọi là thưởng Tết nhưng thực chất chỉ là món quà nhỏ để động viên giáo viên trong trường, vì thực chất hàng năm ngoài vài chục triệu đồng để chi thường xuyên, chúng tôi không biết trông chờ vào đâu nữa. Vì vậy, để có hỗ trợ cho giáo viên, trong năm chúng tôi phải tiết kiệm mọi khoản chi tiêu, cộng với quỹ Công đoàn để chia cho mỗi người 200.000 - 300.000 đồng là tốt lắm rồi. Những năm trước, có năm còn tặng hiện vật, người mới đi làm thì được can dầu ăn 2 lít, người lâu năm hơn thì được từ 4 - 5 lít; có năm lại tặng mì chính, cân thịt, cặp bánh chưng. 
Dù còn gian nan như vậy nhưng điều mà chúng tôi thấy ấm lòng khi đến thăm các trường học ở vùng cao Con Cuông trong dịp cuối năm này, đó là sự sẻ chia “Tết ấm” với giáo viên, với học sinh nghèo của các trường. Như ở Mậu Đức, từ đầu năm nhà trường thành lập Quỹ giáo viên, mỗi người một tháng sẽ bỏ vào quỹ 10.000 – 20.000 đồng, để đến cuối năm tặng quà học sinh nghèo. Bên cạnh đó, hàng tháng các giáo viên cũng sẽ trích từ tiền lương của mình mỗi người 30.000 đồng để hỗ trợ thường xuyên cho những giáo viên khác trong trường như giáo viên đang hưởng chế độ hợp đồng, giáo viên bị bệnh hiểm nghèo hoặc giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Tại Trường Tiểu học Chi Khê 2, trường cũng đã lập danh sách 70 học sinh nghèo sẽ được nhận quà trong dịp tết lần này; trong đó, 8 suất từ nguồn quỹ của Đội, 10 suất của Công đoàn trường và 52 suất được tiết kiệm từ Quỹ học sinh nghèo của nhà trường do giáo viên tự đóng góp. 
Cô trò trường tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu) trong giờ thực hành.	Ảnh: M.H
Cô trò trường tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu) trong giờ thực hành. Ảnh: M.H
Ở các trường miền núi thấp vùng khó khăn, thì như thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Thanh Sơn (Thanh Chương) cho biết: "Trường chúng tôi thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cán bộ ở đây được đảm bảo mọi vấn đề về lương, phụ cấp theo quy định của nhà nước, còn không có tiền thưởng Tết. Nhà trường, công đoàn cũng động viên cán bộ, giáo viên tiết kiệm chi, nhưng khoản tiết kiệm cũng chỉ đủ để mua túi quà chừng 100.000 đồng để động viên mà thôi". Ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh) tiền thưởng Tết có khá hơn, mỗi cán bộ giáo viên sẽ được khoảng hơn 1 triệu đồng. Theo Nhà giáo ưu tú Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng nhà trường, năm nào nhà trường và công đoàn cũng đều trích ra một khoản để động viên cán bộ giáo viên tùy theo chất lượng công việc của mỗi người. "Năm nay các cán bộ, giáo viên sẽ được thưởng Tết từ 1,1 - 1,2 triệu đồng. Khoảng cách của mỗi mức thưởng chỉ dao động từ 50.000 đồng..." - Thầy Đậu Văn Mùi nói. Còn theo thầy giáo Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh): Cách duy nhất để trường thu vén lo thưởng Tết cho giáo viên đó là tiết kiệm các khoản chi, nên cũng chẳng là bao nhiêu.
Thực tế, không chỉ cán bộ, giáo viên ở các huyện thành thị, mà ngay tại Sở GD&ĐT, chuyện thưởng Tết cũng chỉ mang tính động viên. Theo thầy Trần Văn Kỷ, Chủ tịch Công đoàn ngành, vì kinh phí đã được khoán theo đầu mục công việc, không có nguồn thu thêm thế nên tiền thưởng Tết rất eo hẹp. Thầy Kỷ tâm sự: "Anh em cán bộ cũng có người tâm tư, tôi cũng đã đề nghị với lãnh đạo Sở, thế nhưng thực tế rất khó khăn. Năm nay, chắc chắn cán bộ, công chức ở Sở sẽ được nhận lương tháng 2, bên cạnh đó, có lẽ được thưởng khoảng 500.000 đồng....". Bà Lê Thị Lệ Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn ngành cũng cho rằng: Thực tế, chỉ vài năm trở lại đây giáo viên mới có thưởng Tết, tuy nhiên thưởng của giáo viên không thể so với các ngành nghề khác mà chỉ có thể nói là “động viên” thôi. Riêng năm nay, mức thưởng tết các trường khá ổn định, chỉ khó với những trường ngoài công lập vì họ phải tự thu, tự chi trong khi việc tuyển sinh đầu vào lại gặp khó khăn. Có những trường đến thời điểm này còn phải nợ bảo hiểm hoặc đang trả lương với mức rất thấp là 360.000 đồng/tháng. 
Theo báo cáo tổng hợp của Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An, thời điểm này có 118 trường (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) báo cáo dự kiến mức thưởng tết; chế độ tiền thưởng Tết năm 2015 cao nhất sẽ là Trường mầm non Hoa Sen: 5.000.000 đồng,  thấp nhất là trường THPT Nam Đàn 2 với 100.000 đồng. Đối với các đơn vị trong ngành giáo dục trực thuộc cấp huyện, thành, thị, tiền thưởng Tết nhìn chung cũng rất thấp. Ở huyện Kỳ Sơn, cán bộ, giáo viên được thưởng Tết 150.000 đồng và một túi quà trị giá 167.000 đồng; huyện Quế Phong là 150.000 đồng; Yên Thành là 500.000 đồng; Tân Kỳ là 300.000 đồng và túi quà trị giá 335.000 đồng; Hưng Nguyên mức thưởng dao động từ 300.000 - 800.000 đồng...
Ngoài ra, có 2 trường năm nay sẽ không có thưởng Tết cho giáo viên là trường THPT Cù Chính Lan (Quỳnh Lưu) và trường THPT Tương Dương 1 với lý do số lượng tuyển sinh giảm, nguồn thu không đủ chi. Mức bình quân chung của tất cả các trường là 666.000 đồng, con số này so với mọi năm có nhỉnh hơn, riêng các trường trực  thuộc phòng giáo dục  mức thưởng cũng sẽ giao động từ 400 – 1.000.000 đồng. Tại huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu sẽ không có thưởng Tết. Ông Lang Quốc Vương, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Quỳ Châu cho biết, các trường đều rất muốn thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên nhưng không có nguồn thu ngoài kinh phí ngân sách cấp cho sự nghiệp giáo dục, nên đành chịu; có tiết kiệm các khoản chi thì các trường cũng chỉ có túi quà gồm hương trầm, gói bột ngọt, gói bánh kẹo để mang chút hương vị Tết gọi là...
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Chi Khê 2 (Con Cuông). 	Ảnh: M.H
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Chi Khê 2 (Con Cuông). Ảnh: M.H
Để chia sẻ khó khăn với giáo viên, ngay từ đầu năm 2014,  hoạt động chăm lo và tự chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên được công đoàn các cấp quan tâm thông qua nhiều hình thức phong phú như thành lập các loại quỹ tại công đoàn cơ sở nhằm tạo điều kiện về vốn giúp đoàn viên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống nhất là những đoàn viên công đoàn gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong dịp kỷ niệm ngày 20/11,  Công đoàn Giáo dục tỉnh đã trực tiếp thăm hỏi tặng quà cho 95 cán bộ giáo viên nghỉ hưu, ốm đau đang điều trị tại các bệnh viện và nhiều hoạt động thiết thực đó.  Cũng với tinh thần đó, dịp Tết Nguyên đán năm nay ngành Giáo dục đã lên kế hoạch hỗ trợ  giúp giáo viên ở vùng sâu vùng xa, giáo viên hoàn cảnh đặc biệt có thêm điều kiện để đón Tết.
Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 1, Công đoàn Giáo dục ngành sẽ trực tiếp đến tặng 261 suất quà cho một số giáo viên bị ốm đau bệnh tật hoặc trong gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo, mỗi suất quà 500.000 đồng. Bên cạnh đó, thông qua các nguồn kêu gọi hỗ trợ, ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình sẽ trực tiếp lên tặng quà cho giáo viên 6 trường thuộc các huyện Con Cuông, Anh Sơn,Thanh Chương, Tân Kỳ, Đô Lương.  Liên đoàn lao động tỉnh và một số đơn vị hảo tâm khác cũng sẽ trao tặng 72 suất quà cho những giáo viên neo đơn, ốm đau lâu dài. Đặc biệt, 8 suất quà sẽ gửi tặng đến những giáo viên đang có chồng, con đang làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, hàng nghìn món quà khác được trích từ phần thưởng Tết ít ỏi cũng đang được giáo viên và học sinh trong cả tỉnh quyên góp để hỗ trợ học sinh nghèo trong tết năm nay. 
Tết Nguyên đán đã cận kề. Dù rằng thưởng Tết đối với giáo viên trên địa bàn tỉnh ta còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực riêng của các nhà trường, của các cấp, các ngành, của các nhà hảo tâm, thì một Tết vui sẽ vẫn đến với giáo viên, học sinh nghèo trong cả tỉnh. Sự sẻ chia, đùm bọc đó thật ý nghĩa và đang một thành một hoạt động truyền thống tốt đẹp.
Mỹ Hà - Nhật Lân

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.