Giáo dục từ gia đình
(Baonghean.vn) - Một con người sinh ra trong văn hóa gia đình, bài học đầu tiên từ ăn, nói cũng trong gia đình và bài học cuối cùng trước khi nhắm mắt cũng là gia đình.
Giáo dục gia đình gần như gắn liền với cả đời người và mỗi người đều đóng vai trò là học trò sau đó thành giáo viên. Thế nên, sự trưởng thành của một con người luôn có vai trò quan trọng của giáo dục gia đình. Nhưng giáo dục gia đình đang ở đâu trong cuộc sống hiện nay?
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục gia đình đang có những vấn đề cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Nhất là trong việc tôi rèn, hình thành và phát triển các năng lực quan trọng, cơ bản của trẻ nhỏ để con trẻ hình thành và phát triển được những phẩm chất, năng lực cốt lõi của mình và vững vàng hơn khi bước chân ra khỏi gia đình.
5 tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ảnh minh hoạ: Tư liệu |
Ngày trước, có lẽ các cụ cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy bảo con cái. Nhất là liên quan đến lòng tự trọng.
Ở xứ Nghệ ta, có nhà giáo Cao Thế Lữ là một người rất quan tâm đến việc dạy con trẻ về lòng tự trọng và ông thể hiện điều đó trong nhiều bài viết của mình. Trước hết, để hình thành lòng tự trọng thì phải dạy con trẻ biết xấu hổ. Phải biết xấu hổ khi mình thua kém bạn bè, khi mình hèn nhát, khi mình sai trái. Nếu không biết xấu hổ thì là vô liêm sỉ và sẽ không hiểu, không có lòng tự trọng. Người lớn trong gia đình phải chịu trách nhiệm với việc trẻ con không biết xấu hổ bởi “một số không ít người lớn lại không biết hổ thẹn, thiếu gương mẫu…”.
Cao Thế Lữ cũng cho rằng “giáo dục lòng tự trọng, lòng tự ái cần thiết, lòng tự tôn chừng mức cho thế hệ trẻ là để ổn định và phát triển xã hội, xây dựng tương lai đất nước”. Cả đời hoạt động giáo dục, ông dạy học trò như vậy, và dạy con cái trong gia đình thì còn nghiêm khắc hơn trong chuyện này.
Còn nhà giáo kỳ cựu Nguyễn Quang Tuyên, khi nói về việc dạy con trẻ trong gia đình hiện nay cũng nhận xét rằng cha mẹ đang quá dễ dãi với con cái, nhất là về phương diện đạo đức, ứng xử. Ở tuổi cửu tuần ông vẫn chưa quên được bài học từ cách đây mấy chục năm trời. Ông kể lại rằng trước cách mạng tháng 8/1945, ông còn nhỏ và sống cùng ông nội ở quê. Ông nội ông rất nghiêm khắc trong chuyện lễ nghĩa. Chỉ một sai phạm nhỏ là có thể ăn roi. Có lần mưa gió, cây sắn trà nhà bên cạnh có cành tỏa sang vườn nhà ông nên quả rơi xuống. Ông đội mưa ra nhặt vào và lỡ ăn đi một vài quả thì bị ông nội đánh cho một trận. Sau đó ông nội gọi lại bắt mang những quả nhặt được sang trả cho nhà láng giềng với lý do là dù cây ngả bóng qua vườn nhà mình nhưng là do họ trồng lên nên quả là của họ. Về nhà ông nội ông còn phân tích rõ ràng rằng, dù mình không đi hái trộm nhưng kể cả việc nhặt được mà không được sự đồng ý của người trồng cây thì đó cũng là hành vi ăn chặn, ăn cướp thành quả lao động của người khác. Đó là lòng tự trọng. Người có lòng tự trọng không ăn cướp, ăn bám vào thành quả lao động của người khác...
Cuộc sống hiện đại, con người phải quay cuồng với chuyện cơm áo gạo tiền nên ít quan tâm đến việc dạy con trẻ qua những hành xử để hình thành lòng tự trọng. Chẳng có gì khó hơn khi dạy cho người khác sự tự trọng bởi người dạy trước hết phải có lòng tự trọng. Cha mẹ lo lao đầu vào làm việc. Trong công việc nhiều khi cũng có những ứng xử chưa được minh bạch cho lắm, chưa được trung thực cho lắm nên cũng ít quan tâm đến những việc như vậy đối với con cái. Thậm chí chính cha mẹ đã làm ảnh hưởng đến nhân cách của con cái qua những ứng xử hàng ngày. Một đứa trẻ thường xuyên chứng kiến người khác đến biếu quà, tặng phong bì cho cha mẹ nó thì nó sẽ suy nghĩ khác đi về sự ứng xử và có hành vi khác.
Một nhà giáo già đã đầy tâm trạng lo âu khi chính đứa cháu đích tôn của mình phàn nàn với ông rằng, nó rất buồn vì năm nay tiền mừng tuổi của nó ít hơn năm trước. Từ đó nó kể vanh vách chuyện những cô chú nào đến tặng quà, tặng phong bì cho bố mẹ nó nhân dịp Tết. Rồi chuyện nó bảo bố nó phải tặng quà cho cô giáo nhiều hơn năm trước vì học kỳ vừa rồi điểm nó kém hơn… Chính Giáo sư xã hội học Tô Duy Hợp cũng phải thốt lên rằng chính cha mẹ đang làm hư, làm hèn con cái khi cổ súy những thói hư tật xấu của xã hội từ hối lộ, đút lót, bán điểm, mua chức… Nó nhiễm vào đầu trẻ suy nghĩ vị lợi và làm mất đi sự tự trọng đáng cần có.
Giáo dục gia đình đang ở chỗ nào trong sự hình thành của trẻ em hiện nay, khi mà hầu như các vấn đề liên quan đến giáo dục đều “bị” đẩy qua cho nhà trường? Cần thấy, có nhiều giá trị quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ chỉ có thể hình thành trong môi trường giáo dục gia đình. Vậy nên, cần có những định hướng để phục hưng, hồi sinh các giá trị giáo dục gia đình để tạo ra môi trường để trẻ phát triển hài hòa và bền vững hơn.