Giao lưu CLB tiếng Anh - Hoạt động thiết thực, có ý nghĩa
Bắt đầu từ năm học 2009-2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chỉ đạo các trường phổ thông tổ chức Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Sau gần 2 năm, Câu lạc bộ tiếng Anh đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh ở hầu hết các trường học.
(Baonghean) - Bắt đầu từ năm học 2009-2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chỉ đạo các trường phổ thông tổ chức Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Sau gần 2 năm, Câu lạc bộ tiếng Anh đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh ở hầu hết các trường học.
Hình thức giao lưu tiếng Anh giữa học sinh các nhà trường THPT phát triển mạnh, nhiều trường đã duy trì thường xuyên sinh hoạt CLB như: trường THPT Phan Bội Châu, THPT Nguyễn Xuân Ôn, THPT Phan Đăng Lưu, THPT Bắc Yên Thành...
Trao cờ lưu niệm cho các đội tham dự giao lưu.
Mới đây, 19 đội với gần 100 học sinh được lựa chọn từ các cuộc giao lưu cấp cơ sở đã về tham dự Giao lưu CLB tiếng Anh cấp tỉnh tại thành phố Vinh. Để chuẩn bị cho cuộc giao lưu này, từ đầu năm 2011 đến nay, 90 trường trung học phổ thông trong tỉnh đã tổ chức giao lưu câu lạc bộ tiếng Anh theo đơn vị huyện hoặc cụm huyện.
Cô Cao Thị Thủy, chuyên viên môn tiếng Anh – Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Cuộc giao lưu này chú trọng hình thức giao tiếp, giúp các em rèn luyện về khả năng nghe, nói và được trực tiếp đối thoại với người nước ngoài bằng tiếng Anh. Đây là nội dung chính của cuộc thi. Vì vậy giao lưu đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo giáo viên và học sinh.
Mỗi đội tham gia giao lưu gồm 5 thành viên, bằng ngôn ngữ tiếng Anh, các đội trải qua các phần thi: chào hỏi (tự giới thiệu về đội mình, giới thiệu về một lễ hội của địa phương mà mình quan tâm); vẽ tranh và miêu tả tranh vẽ; trò chuyện với nhau, với thầy cô giáo dạy tiếng Anh là người Việt và người nước ngoài; trao đổi với khán giả; hội thoại theo tình huống; biểu diễn các tiết mục văn nghệ và hùng biện.
Học sinh nói chuyện với người nước ngoài.
Phần giới thiệu lễ hội của địa phương đòi hỏi các đội đầu tư khá nhiều thời gian tìm hiểu và diễn đạt. Bằng sự sáng tạo, sự hiểu biết của mình, đặc điểm của các vùng miền, các đội đã đem đến hội thi nhiều điều thú vị, giới thiệu được những nét đặc sắc lễ hội địa phương. Ví như đội Đô Lương giới thiệu về đền Quả Sơn, Quỳ Châu giới thiệu về lễ hội hang Bua, huyện Nghi Lộc giới thiệu về lễ Giáng sinh, trường THPT Dân tộc nội trú giới thiệu về hội Lim và THPT chuyên Phan Bội Châu giới thiệu về lễ hội hóa trang,...
Em Nguyễn Thị Nhung, huyện Nghi Lộc chia sẻ: Thông qua cuộc giao lưu này giúp chúng em tự tin hơn trong khả năng nghe nói, giao lưu với các bạn. Với phần thi lễ hội không chỉ giúp cho người thi hiểu hơn về lễ hội trong vùng, trong tỉnh mà còn giúp cho người nước ngoài hiểu hơn về văn hóa, tập tục của quê hương, đất nước mình.
Ghi dấu ấn với Ban tổ chức là các đội đến từ các huyện miền núi như: Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp. Dù ở xa xôi, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, nhưng bằng nỗ lực, sự sáng tạo, các đội đã thực sự để lại ấn tượng bằng những câu trả lời sắc sảo, giải quyết tình huống xuất sắc...
Thuyết minh nội dung tranh vẽ bằng tiếng Anh.
Sau 2 ngày tổ chức giao lưu, Ban tổ chức trao 4 giải nhất tập thể cho các đội Diễn Châu, Quỳnh Lưu (bảng 1), Đô Lương, Vinh (bảng 2), 2 giải nhì cho đội Nghi Lộc và THPT chuyên Phan Bội Châu. Trao 2 giải đặc biệt cho hai em Nguyễn Văn Nam (Yên Thành) và Nguyễn Thị Thương (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu).
Thảo Nhi