Giáo sư Phong Lê: 'Cần nhìn nhận đúng đặc trưng, cá tính của người Nghệ'

04/06/2017 10:03

(Baonghean) - Con người ta, càng về già thì càng muốn tìm cách lý giải về những thành công, những thất bại của cuộc đời mình, đặc biệt là việc tìm hiểu, tổng kết lại những yếu tố, những nguyên nhân đã làm cho cuộc đời mình trở nên riêng biệt. Đó cũng là những tâm sự mà GS Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học đã chia sẻ với phóng viên khi nói về quê hương với cuộc đời mình. Bên cạnh đó, ông cũng có những chia sẻ hết sức thú vị về người Nghệ và tính cách Nghệ.

P.V: Là một người con của quê hương xứ Nghệ đã rời quê từ hơn 60 năm trước, nhưng ông luôn hướng về quê nhà. Vậy xin ông chia sẻ vài nét về quê hương và gia đình mình vào thời điểm mà ông đang sinh sống trong đó?

GS Phong Lê: Tôi sinh ra ở xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là một miền quê nghèo, không thuộc vùng trung tâm. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp, do nhiều núi đồi bao quanh nên đất ruộng sản xuất cũng hạn chế. So với các xã khác của huyện Hương Sơn thì xã tôi cũng không có truyền thống học hành khoa bảng bằng. Mọi thứ ở đây đều không nổi trội, nó cứ êm êm vậy trong cái bình lặng của không gian sông núi.

Ông nội tôi là một cửu phẩm bá hộ nên bố tôi cũng được học một ít Nho học, một ít Tây học và làm thầy giáo ở làng. Mẹ tôi cũng là con một gia đình có điều kiện trong làng nên cũng được học hành nhiều. Vì là con cháu của các gia đình mà thế hệ trước là địa chủ, phú nông, dù bố mẹ không phải thành phần đó nhưng khi cải cách ruộng đất cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi may mắn khi được sinh ra trong một gia đình thầy giáo, nên từ bé được học hành tử tế và có điều kiện để được học lên cao hơn.

GS Phong Lê.
GS Phong Lê.

P.V: Người ta thường nói nhiều đến con người xứ Nghệ, đến những nét đặc trưng, đặc sắc của người Nghệ. Câu chuyện này đã được nói đến hàng chục năm trước, nhưng chưa bao giờ kết thúc được vì trong mỗi người luôn có sẵn một câu trả lời. Với ông, nét đặc trưng, đặc sắc nhất của người Nghệ để phân biệt với người của các xứ khác là gì?

GS Phong Lê: Nói đến người Nghệ nói chung là người ta nghĩ đến tinh thần cách mạng kiên cường, dũng cảm và không lùi bước trước kẻ thù. Người Nghệ cũng là dân cư chăm chỉ, cần cù lao động và hiếu học. Tuy nhiên, khi nói đến người Nghệ người ta cũng nghĩ đến hình ảnh “anh đồ gàn”, tức là nói đến tầng lớp tinh hoa hơn của xứ Nghệ.

Anh đồ Nghệ với hình ảnh con cá gỗ cũng là biểu hiện cho tinh thần hiếu học, cũng là biểu hiện của tính gàn. Tôi nghĩ tính gàn không phải là một cái gì đó xấu xa, nó là một cá tính đặc trưng của người Nghệ, đó là cái ngông của kẻ sĩ, của người có học. Người Nghệ ngông, gàn nhưng lại được nhiều người quý mến vì họ cũng là người sống thẳng thắn, khẳng khái và nhiều khi cũng hào phóng, không hay tính toán lợi ích cho bản thân.

Nói chung, người Nghệ có nhiều nét đặc trưng như kiên cường, dũng cảm, yêu nước, có tinh thần cách mạng cao, chăm chỉ, chịu khó, phóng khoáng, thẳng thắn, trung thành... Nhưng để lựa chọn thì tôi nghĩ đặc trưng nhất của người Nghệ là hiếu học, là gàn, là ngông, dựa trên nền tảng tài năng và tử tế, được người các vùng khác rất quý trọng.

P.V: Xứ Nghệ là một vùng văn hóa chung, trong đó lại có Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo ông nhận thấy thì giữa hai tiểu vùng này có sự khác nhau không? Và khác nhau như thế nào?

GS Phong Lê: Trong các đặc trưng chung của con người xứ Nghệ đã nói trên thì nếu nhìn hẹp lại, con người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng có những nét khác nhau. Sự khác nhau lớn nhất là người Nghệ An tính kiên cường hơn, mạnh mẽ, thẳng thẳn quá nên nhiều khi dễ rơi vào cực đoan, cứng nhắc. Đức tính này là thế mạnh trong các cuộc cách mạng khi người dân sẵn sàng hy sinh để tranh đấu, nhưng trong quá trình xây dựng, cần sự kiên trì nhẫn nại thì lại gặp khó khăn.

Do vậy, người Nghệ An làm cách mạng giỏi hơn, có nhiều lãnh tụ cách mạng. Trong khi đó, người Hà Tĩnh mềm mại, nhẹ nhàng hơn và có nét uyển chuyển hơn. Họ vẫn kiên trì con đường mà họ lựa chọn nhưng cách làm thì khéo léo hơn, vì vậy mà người Hà Tĩnh giỏi làm trong các lĩnh vực văn hóa hơn, có nhiều người thành công trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật hơn.

Nếu lấy một hình tượng có thể coi là điển hình của người Nghệ, trung hòa được các phẩm chất của cả hai tỉnh thì đó là Nguyễn Công Trứ: tài giỏi, ngông nghênh nhưng cũng mềm mại, uyển chuyển, chấp nhận được những thăng trầm...

P.V: Ông nhiều lần nói rằng, quê hương và gia đình đã tạo nên con người ông. Vậy, ảnh hưởng lớn nhất của quê hương và gia đình đối với cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học của ông là những gì?

GS Phong Lê: Sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, tôi nghĩ mình cũng có được một số phẩm chất đặc trưng của người Nghệ như sự chăm chỉ, ham học hỏi, chịu khó chịu khổ được, và nhiều khi cũng là người muốn bứt phá ra khỏi các khuôn khổ bình thường. Nhưng những đức tính đó cũng có thể làm cho tôi đi theo một hướng khác nếu như không phải sinh ra trong một gia đình có cha làm thầy giáo và từ bé đã yêu thích văn học và được đọc nhiều sách vở.

Có một điều quan trọng ảnh hưởng lớn đến cuộc đời nghiên cứu văn học của tôi là sự tác động của các thầy, các bậc đàn anh trong lĩnh vực này mà tôi theo đuổi. Lúc tôi vào học Ngữ văn khóa I của Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã được học nhiều người thầy giỏi và là người Nghệ như GS Cao Xuân Huy, GS Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu Hoài Thanh...

Khi tốt nghiệp, như một cơ duyên tôi trở thành sinh viên duy nhất lúc đó được nhận về là việc tại Viện Văn học do GS Đặng Thai Mai và Hoài Thanh làm lãnh đạo. Chính những người thầy này đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng để đi vào con đường nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi bước đi của tôi luôn có các thầy, đồng nghiệp là người Nghệ bên cạnh. Các viện trưởng Viện Văn học, liên tục từ GS Đặng Thai Mai, sang nhà thơ Hoàng Trung Thông, rồi GS Hoàng Trinh và đến tôi đều là người Nghệ. Và gần đây, khi Hội Kiều học được thành lập thì tôi có tham gia vào Ban Chấp hành hội.

Từ 2 năm nay, tôi được tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội để tiếp tục nghiên cứu về danh nhân văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ở tuổi 80 nhìn lại, tôi thấy dù sống ở quê không nhiều nhưng những gì mình tâm huyết trong cả đời người đều có bóng hình của quê hương xứ Nghệ, người Nghệ.

P.V: Đó là ông đang nói đến tác động tích cực của truyền thống quê hương, con người xứ Nghệ đến cuộc đời mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu được, cũng chấp nhận được cái ngông, cái gàn của các ông đồ Nghệ. Vậy thưa ông, có khi nào chính cá tính của người Nghệ trong ông lại gây khó khăn cho công việc của ông hay không?

Tuổi cao, nhưng GS Phong Lê vẫn luôn miệt mài viết và nghiên cứu. Ảnh: Thiên Trang
Tuổi cao, nhưng GS Phong Lê vẫn luôn miệt mài viết và nghiên cứu. Ảnh: Thiên Trang

GS Phong Lê: Cuộc đời đúng là như vậy. Khi có người thích thì cũng sẽ có người ghét, có người chấp nhận được nhưng cũng có người không chịu chấp nhận. Những ai quý mến người Nghệ thì họ cũng có cái gì đó khẳng khái, có chút gàn giống người Nghệ. Tôi nghĩ người ở đâu cũng luôn có người ghét và người quý. Quan trọng là mình ứng xử và sống thế nào để cảm thấy thoải mái, vẫn giữ được những phẩm chất riêng của mình và vẫn làm tốt công việc đã được giao phó. Người Nghệ luôn là những người anh dũng, muốn lên trước, đi đầu trong mọi việc, kể cả những việc nguy hiểm, gian khổ. Họ không trốn tránh nhiệm vụ và cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với việc mình làm. Nhưng làm gì cũng cần phải biết giới hạn để đạt được kết quả tốt nhất. Tôi luôn suy nghĩ vậy với công việc của mình. Và điều đó cũng là một phần làm nên con người tôi, không quá cực đoan với mọi việc.

P.V: Theo ông, chúng ta có nên tiếp tục gìn giữ và phát huy những cá tính riêng của người Nghệ trong thời đại hội nhập này không? Và phát huy nó như thế nào?

GS Phong Lê: Cá tính của con người ở địa phương và vùng miền là một thứ không dễ gì bỏ được. Và càng không thể bỏ đối với cá tính của người Nghệ khi nó mang nhiều sự tốt đẹp như tinh thần hiếu học, chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ, dũng cảm, kiên cường… Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái, và mặt trái của người Nghệ là dễ cực đoan, dễ gây bè kết phái theo địa phương chủ nghĩa. Hội nhập là tham gia vào sân chơi lớn, phải chấp nhận luật chung, cái chung và như vậy thì phải điều hòa lại cái riêng của mình cho phù hợp. Chúng ta thể hiện cá tính của mình vừa phải để nhiều bên chấp nhận lẫn nhau. Nếu máy móc, cực đoan quá thì sẽ dễ tự cô lập mình giữa muôn người và lúc đó muốn làm việc gì cũng khó. Chúng ta phải nhận thức lại những đặc trưng, cá tính của người Nghệ, từ đó phát huy các mặt tích cực, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của nó để phát triển. Chúng ta cần phải hội nhập để phát triển, để làm giàu cho quê hương, cho đất nước, nhưng quá trình phát triển đó, chúng ta cũng phải giữ gìn được những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Nghệ.

P.V: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Thiên Trang

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Giáo sư Phong Lê: 'Cần nhìn nhận đúng đặc trưng, cá tính của người Nghệ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO