Giáo sư Vũ Khiêu - một trí tuệ và tài hoa hiếm biệt

vov.vn 02/10/2021 08:33

Ngày 30/9, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ông hưởng thọ 106 tuổi. Một nhà văn hóa lớn đã ra đi...

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo nên từ nhỏ học thuộc lòng "tứ thư", "ngũ kinh". Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Trường Bonnal (Ngô Quyền, Hải Phòng), năm 1935, ông về Hà Nội dạy học và đi theo cách mạng. Ông hoạt động trên các lĩnh vực: công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại…

Giáo sư Vũ Khiêu qua đời ở tuổi 106.

Ông từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội... Ông là người xây dựng, tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam; Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học,…

Không chỉ là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, Giáo sư Vũ Khiêu còn là một học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam và là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành khoa học xã hội nước nhà. Giáo sư đã xuất bản hàng trăm bộ sách đồ sộ, công trình nghiên cứu về giáo dục, kinh tế, tôn giáo, trang phục, lễ hội, công trình văn hóa, truyện kể dân gian, thần tích, văn chương của vùng đất Thăng Long,...

Các tác phẩm tiêu biểu của ông là “Đẹp” (1963), “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Anh hùng và Nghệ sỹ” (1972), “Cách mạng và Nghệ thuật” (1979), “Nguyễn Trãi” (1980), “Bàn về Văn hiến Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập “Ngàn năm văn hiến Thăng Long”...

Với những đóng góp của mình, Giáo sư Vũ Khiêu được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Đầu năm 2017, Giáo sư Vũ Khiêu vinh dự đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Tình yêu văn hóa dân tộc

Dành trọn cuộc đời với sự nghiệp nghiên cứu, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội... Đóng góp lớn ở nhiều phương diện như vậy nhưng một trong những điều ông tâm đắc là xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trưởng thành và phát triển từ môi trường triết học nên những công trình nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung ở hệ thống tư tưởng, lý luận văn hóa. Giáo sư Vũ Khiêu là một trong những người đặt nền móng nghiên cứu lý luận, tư tưởng văn hóa Việt Nam.

Giáo sư Vũ Khiêu - một trí tuệ và tài hoa hiếm biệt.

Những công trình nghiên cứu của ông góp phần tạo ra nền tảng nghiên cứu văn hóa so sánh phương Đông, trong đó so sánh văn hóa Việt Nam với các nước cùng khu vực. Đây là đóng góp rất lớn khi chỉ ra vai trò, vị trí của Việt Nam trong nền văn hóa Đồng Văn ở khu vực Đông Nam Á,… đặc biệt trong thời kỳ mở cửa hội nhập của đất nước. Các công trình của ông trong các lĩnh vực này không phải là những lý luận giáo điều, tư biện mà là những gì đã được kiểm nghiệm trong cuộc sống.

“Đây là điều không phải nhiều người làm được bởi khi nghiên cứu về lý luận văn hóa, phải đi tìm nền tảng tư tưởng, để làm nên văn hóa đó, không phải biểu hiện qua hành vi giao tiếp, trang phục,… Những cuốn sách của ông chú trọng nghiên cứu đường lối, tư tưởng phát triển văn hóa Việt Nam để xây dựng nền tảng đủ vững để triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước qua thực tiễn được hiệu quả. Đây là những đóng góp rất lớn của giáo sư Vũ Khiêu”, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang, Giám đốc không gian văn hóa Phạm Văn Đồng nhận định.

Không những thế, tình yêu văn hóa dân tộc còn thấm đẫm trong những áng văn cổ, câu đối, văn tế văn bia,... của ông. Cổ văn là thể loại rất khó, đòi hỏi sự tề chỉnh về niêm luật. Người viết phải chứa đựng vốn kiến thức lịch sử, văn học sử phong phú, từ vựng dồi dào, nhạc điệu trầm hùng, khí phách… Nhận thấy giá trị to lớn của các thể văn biền ngẫu cổ, ông quyết làm sống lại nó trong cuộc sống hiện đại với những tác phẩm xúc động.

Những áng văn được đánh giá là đạt độ tuyệt hảo của trí lực, thần thái, cuốn hút như những bài văn bia, nghe văn tế Giỗ tổ Hùng Vương hay những bài như tráng ca mà mỗi con chữ đều “ứa tràn nước mắt” như văn tế những người chết đói năm 1945, bài cầu siêu cho linh hồn các liệt sĩ thời chống Mỹ...

Thông thạo Hán Nôm là thế, ông lại thường viết câu đối bằng tiếng Việt, thêm một cách thể hiện, phát triển quốc ngữ. “Đọc Vũ Khiêu, thấy tiếng Việt thật trù phú và đẹp làm sao! Cùng Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng và những văn sĩ tài danh khác, ông là một trong các nhà văn đã góp phần làm giàu, đẹp thêm tiếng Việt”, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Lấy tri thức là lẽ sống

Tri thức là nguồn cội của văn hóa, văn hóa là linh hồn của dân tộc. Đây cũng là lẽ sống, mục tiêu phấn đấu cả đời của giáo sư Vũ Khiêu. Không phải ngẫu nhiên mà trong căn phòng làm việc ở nhà của ông có treo chữ “Tri” ở vị trí trang trọng. Bên dưới là câu nói của Khổng Tử: “Sinh nhi Tri, học nhi Tri, khốn nhi Tri. Câu đó có nghĩa con người sinh ra đã khao khát tri thức, học hành là để có tri thức, rồi khốn khổ cũng vì tri thức. Niềm vui của ông là cống hiến học vấn, trí tuệ, tài năng sáng tạo cho cuộc đời.

Trong buổi lễ mừng thượng thọ 98 tuổi tổ chức tại Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2013, Giáo sư Vũ Khiêu từng hào hứng chia sẻ: "Trước sự tin yêu của Đảng và Nhà nước, trước tình cảm của lãnh đạo Hà Nội vinh danh tôi là Công dân ưu tú số 1 của Thủ đô, trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của trời. Tôi chỉ biết hứa với bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó".

Giáo sư đã vượt qua những giới hạn của thể chất, đời người để cống hiến trọn vẹn cho nền văn hóa dân tộc.

Ở ngưỡng cửa của cõi trăm năm, Giáo sư vẫn bền bỉ những chuyến đi trong Nam, ngoài Bắc, miệt mài viết, dịch, nghiên cứu học thuật. Với tinh thần lao động phi thường, không quản ngày đêm, ông hoàn thành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập “Ngàn năm văn hiến Thăng Long” (gồm 4 tập).

Ông còn tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm “Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội”; đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử “Ngàn năm Thăng Long” gồm hơn 100 cuốn.

Gần đây nhất, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản bộ sách 3 tập “Văn hiến Thăng Long”, dày tới 2.400 trang mà ông lặng lẽ chấp bút trong suốt 15 năm trong sự vui mừng và cảm phục của các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ học và đông đảo bạn đọc.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Sau khi bộ sách 3 tập “Văn hiến Thăng Long” được xuất bản, tôi mang sách đến tận giường, đặt vào tay nhà đại trí thức. Mắt nhắm nghiền, bàn tay Giáo sư run run vuốt nhẹ cuốn sách. Và thật bất ngờ, ông tự nâng bàn tay lên, lấy hai ngón tay, vạch hai mí như đã đóng kín lại để chống mắt lên nhìn từng bìa sách của cả 3 tập “Văn hiến Thăng Long”. Dường như đã nhìn được gương mặt đứa con tinh thần yêu quý nhất của đời cầm bút gần suốt thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, Giáo sư như mỉm cười mãn nguyện. Nhìn thấy cánh tay ấy, lòng tôi trào dâng xúc động và không cầm được nước mắt”.

Phải có một nghị lực đáng kinh ngạc, tinh thần lấy chữ làm trọng và say mê lao động, ông mới có thể vượt qua những giới hạn của thể chất, đời người để cống hiến trọn vẹn cho nền văn hóa dân tộc.

Có thể nói, cuộc đời cống hiến đầy sáng tạo và sự nghiệp vinh quang của Giáo sư là tấm gương truyền cảm hứng về lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, tinh thần trách nhiệm, năng lượng sống và niềm tin hướng tới tương lai./.

Giáo sư Vũ Khiêu - một trí tuệ và tài hoa hiếm biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO