Giáo viên, học sinh loay hoay tìm chỗ dạy thêm, học thêm
Ngoài cấm dạy thêm trong nhà trường, việc dạy thêm ngoài nhà trường cũng đang gặp một số khó khăn. Điều này cũng khiến phụ huynh “đứng ngồi không yên”, nhất là khi các kỳ thi đang đến gần.
Mong "phụ huynh, học sinh thông cảm"
“Trước Tết, ngoài học thêm ở trường, em còn học 12 buổi học thêm ở ngoài cho 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Tuy nhiên, từ ra Tết đến nay, đã có 2 lớp tạm dừng dạy thêm và em chưa tìm được lớp học mới”, đó là chia sẻ của học sinh Võ Thị Yến Bình - lớp 9A1, Trường THCS Nghi Kim (thành phố Vinh).
![Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Kim - thành phố Vinh. Ảnh - Mỹ Hà](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-nghi-kim-thanh-pho-vinh.-anh-my-ha.jpg)
Yến Bình là học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn và em đang đặt 2 mục tiêu cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, đó là thi đậu vào trường chuyên và đậu nguyện vọng 1 vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, lâu nay, mỗi môn, em đăng ký 2 giáo viên (vừa học nền, vừa học môn chuyên), trong đó có cả giáo viên dạy chính khóa của em trên lớp. Thực hiện theo Thông tư 29, trong đó có quy định “giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”, nên hiện các giáo viên này đều đang tạm dừng việc dạy thêm. Việc dừng đột ngột khiến Yến Bình và nhiều học sinh khác gặp khó khăn vì phía trước các em còn nhiều kỳ thi quan trọng.
Cùng lúc dừng học thêm ở trong và ngoài nhà trường khiến chúng em rất lúng túng và chưa tìm được giáo viên khác phù hợp. Cá nhân em vẫn thích học giáo viên ở trường vì cô dạy sát với chương trình và phù hợp với năng lực của em.
Học sinh Võ Thị Yến Bình - lớp 9A1, Trường THCS Nghi Kim (thành phố Vinh)
Tin nhắn với nội dung "mong phụ huynh, học sinh thông cảm" cũng được giáo viên chủ nhiệm gửi đến phụ huynh, học sinh của một lớp 12 ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng với lý do "không được phép dạy thêm đối với những học sinh thầy dạy chính khóa trên trường”.
Qua tin nhắn, thầy giáo này cũng cho biết, thực hiện Thông tư 29, thầy đã hợp đồng với một trung tâm giáo dục trên địa bàn thành phố để cơ sở này đảm bảo về cơ sở vật chất và giúp thầy chịu trách nhiệm về thủ tục hành chính. Mặc dù vậy, lớp học này cũng chỉ được dạy học với một số đối tượng và thầy sẽ không dạy học sinh do thầy chủ nhiệm hoặc giảng dạy trên lớp.
![bna_nhu-cau-hoc-them-o-ngoai-nha-truong-dang-tang-cao-do-siet-chat-day-them-trong-nha-truong.-anh-pv(1).jpeg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/13/bna_nhu-cau-hoc-them-o-ngoai-nha-truong-dang-tang-cao-do-siet-chat-day-them-trong-nha-truong.-anh-pv(1).jpeg)
Chị Ngọc Hương, có con đang học ở lớp cho biết: Dù thầy có hứa với phụ huynh sẽ dạy bù cho học sinh vào thời điểm thích hợp để học sinh ôn thi cuối kỳ, ôn thi tốt nghiệp nhưng chúng tôi không thể yên tâm. Tôi rất tiếc vì con không được học thầy nữa dù cháu đã theo học gần 3 năm, thầy rất tận tụy, trách nhiệm và góp phần nâng chất lượng môn học của lớp nằm trong tốp đầu của trường.
Do việc nghỉ học thêm diễn ra khá đột ngột nên hiện nay, các phụ huynh trong lớp chưa biết xoay xở ra sao khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang đến rất gần. Trong khi đó, môn học của giáo viên chủ nhiệm lại là môn chính, môn xét tuyển của đại đa số học sinh trong lớp.
Giáo viên xoay xở tìm chỗ dạy thêm
Cho đến thời điểm này, Nghệ An vẫn chưa có hướng dẫn về dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường. Điều này đang khiến cho nhiều giáo viên gặp khó khăn khi tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, dù điều này hoàn toàn là được phép.
Một giáo viên dạy Tiếng Anh ở một huyện miền núi cho biết: Ở thành phố hoặc khu vực trung tâm, phụ huynh có rất nhiều lựa chọn và học sinh có thể học giáo viên ở trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, lâu nay đa phần học sinh đều học giáo viên dạy trên trường và nếu cấm thì các em không có lựa chọn nào khác. Bản thân chúng tôi cũng rất muốn dạy các em nhưng hiện nay vướng Thông tư 29 nên đang rất lúng túng khi tổ chức.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương khác. Tìm hiểu tại Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND thành phố Vinh, ông Chu Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng cho biết: Quy trình đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm được thực hiện theo Thông tư số 02/2023/TT-BKH ĐT theo hình thức đăng ký hộ kinh doanh và thành phố sẽ xử lý hồ sơ nếu đúng các quy trình, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, qua thống kê đến thời điểm này, chỉ mới có khoảng 7 hồ sơ xin đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm và người đứng ra đăng ký đều là giáo viên đã nghỉ hưu, một số có thể là bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình.
Ngoài việc tự đứng ra đăng ký kinh doanh, một số giáo viên có tiếng ở thành phố Vinh cho biết, họ nhận được không ít lời mời của một số trung tâm mới thành lập với mục đích tổ chức các trung tâm dạy thêm để các giáo viên vào cùng tham gia giảng dạy.
Ngoài ra, nhiều giáo viên khác đã tự liên hệ với các trung tâm dạy thêm để thuê địa điểm giảng dạy và các trung tâm sẽ thay giáo viên đảm nhận các thủ tục pháp lý khác nếu có. Tuy nhiên, cũng qua tìm hiểu, dù đã liên hệ nhưng hiện nay nguồn "cung" rất ít vì cơ sở vật chất của các trung tâm có giới hạn và lâu nay đều đã kín phòng.
![Giờ học của học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong. Ảnh - Mỹ Hà](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-pho-thong-dtnt-thcs-que-phong.-anh-my-ha.jpg)
Trước đó, qua tìm hiểu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, dù việc dạy thêm, học thêm liên quan trực tiếp đến đối tượng học sinh, nhưng lâu nay đây lại là loại hình kinh doanh không có điều kiện. Vì thế, ngoài đăng ký kinh doanh theo quy định, việc quản lý chất lượng ở các trung tâm dạy thêm đang bị bỏ ngỏ. Đồng nghĩa với đó, việc kiểm tra, giám sát đang gặp nhiều khó khăn.
Với khó khăn trên, việc ban hành Thông tư 29 với một số nguyên tắc cụ thể kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý nhằm góp phần tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường. Theo quy định, khi tổ chức dạy thêm, học thêm, giáo viên không được cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thông tư 29 cũng quy định thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh.
Giáo viên phải tuân thủ quy định của pháp luật về thời gian làm việc, giờ làm thêm, quy định về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.