Giáo viên mầm non cần được xem là nghề 'nặng nhọc, độc hại'

Mỹ Hà 05/03/2024 20:18

(Baonghean.vn) - Giáo viên mầm non được xem là công việc với những đặc thù riêng. Chính vì thế, việc mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại đang nhận được sự quan tâm.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Nghệ An ghi lại một số ý kiến của các giáo viên và cán bộ quản lý đang trực tiếp giảng dạy và phụ trách bậc học này.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân - Giáo viên Trường Mầm non Nam Giang - Nam Đàn:

Tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là phù hợp, bởi thực tế như chúng tôi hiện nay, một giáo viên mầm non phải làm rất nhiều việc, từ sáng đến tối.

bna-2-3195.jpg
Ngoài 50 tuổi, cô giáo Nguyễn Thị Vân là một trong những giáo viên nhiều tuổi nhất ở Trường Mầm non Nam Giang - Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà

Chúng tôi vừa là một giáo viên nhưng có khi là một người mẹ, chăm sóc các cháu tỉ mỉ, cẩn thận, nhất là khi các cháu bị ốm, bị đau. Nhưng chúng tôi có khi cũng như một công nhân vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp làm miệt mài trong ngày.

Hơn 30 năm gắn bó trong nghề, tôi cảm nhận rất rõ nỗi vất vả của công việc này. Nhiều lúc chúng tôi vẫn mong Nhà nước nên có chính sách về hưu sớm cho những giáo viên mầm non vì công việc này quá áp lực.

Hơn nữa, như vậy cũng sẽ tạo điều kiện cho những giáo viên trẻ vào ngành, phù hợp với công việc trong điều kiện hiện nay.

img-7801-6477-3658.jpg
Giáo viên mầm non ngoài đứng lớp còn phải thay phụ huynh chăm sóc các cháu hàng ngày ở trường. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế, dù đã cố gắng nhưng những người có tuổi việc tiếp thu công nghệ thông tin rất khó khăn và chậm hơn so với lớp trẻ. Việc hát múa với những người đã ngoài 50 tuổi như chúng tôi cũng không còn phù hợp.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Giang - Nam Đàn:

Mầm non là ngành “đi sớm về muộn”. Như ở trường chúng tôi, chỉ riêng việc bố trí giáo viên cho các lớp đã hết sức khó khăn. Với đặc thù, hầu hết phụ huynh đang làm công nhân cho các nhà máy may trên địa bàn.

Để đảm bảo thời gian đón trẻ, giáo viên phải đến rất sớm. Trong khi đó, cuối buổi chiều nhiều phụ huynh lại tăng ca đến đón rất muộn, nhiều khi giáo viên phải đưa các cháu về trả tận gia đình.

img-7790-379-3930.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Giang - Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà

Từ thực tế này tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà tất cả giáo viên mầm non trên cả nước đang chờ mong chính sách này đi vào thực tiễn. Với nhiều nhiệm vụ như hiện nay, giáo viên mầm non áp lực cả về thời gian, cả về công việc. Nếu có sự quan tâm, sẽ động viên các giáo viên có thêm động lực để cống hiến, để gắn bó lâu dài.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò:

Chúng tôi rất mừng khi nghe được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, chúng tôi rất đồng ý với chủ trương trên.

Đúng thật, giáo viên mầm non là nghề rất vất vả, không chỉ làm 10 tiếng mà có khi 12 tiếng trên một ngày. Ngoài làm công tác chuyên môn, nhiệm vụ quan trọng khác đó là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh buộc giáo viên phải tập trung cao độ, không được chểnh mảng.

img-8153-7533-8700.jpg
Nguyễn Thị Hồng Nga – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Hòa – Thị xã
Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Điều đáng nói, hiện nay các trường mầm non thiếu giáo viên rất nhiều. Ở trường chúng tôi đang thiếu đến 7 giáo viên, nên số giáo viên đứng lớp theo quy định không đảm bảo. Các giáo viên đều làm việc quá tải, thậm chí có những lớp chỉ có 1 giáo viên đứng lớp.

Nếu được quan tâm, chúng tôi cũng mong Quốc hội xem xét nên giảm độ tuổi về hưu của giáo viên mầm non xuống 55 tuổi. Ở lứa tuổi này với đặc thù riêng, giáo viên mầm non thường rơi vào tình trạng uể oải, khó làm việc hiệu quả.

Cô giáo Lê Thị Lợi - Giáo viên Trường Mầm non Nghi Hòa - Thị xã Cửa Lò:

Hiện nay, tôi đang dạy lớp 4 - 5 tuổi. Vì thiếu giáo viên nên chỉ có một giáo viên đứng lớp và chúng tôi phải cáng đáng rất nhiều công việc từ giáo dục, chăm sóc trẻ, vệ sinh lớp học.

bna-3-7081.jpg
Cô giáo Lê Thị Lợi – giáo viên Trường Mầm non Nghi Hòa – Thị
xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Tôi thấy hiện nay công việc của một giáo viên mầm non chiếm thời gian rất nhiều. Chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, chúng tôi đi làm việc khi “mặt trời chưa mọc” và trở về khi mặt trời đã tắt, thời gian rất eo hẹp, không có thời gian để quan tâm gia đình. Mong ước lớn nhất của giáo viên mầm non là được đảm bảo chế độ chính sách, được quan tâm, ưu tiên trong công việc để các giáo viên có thể yên tâm công tác.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo:

Mầm non là bậc học thiếu nhiều giáo viên và hầu hết giáo viên ở các nhà trường đang làm việc quá tải. Vì những đặc thù riêng, những năm qua, không ít giáo viên mầm non đã nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác sang ngành nghề khác. Ở trên góc độ quản lý, chúng tôi rất buồn khi nhận được những thông tin này.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có chính sách riêng cho giáo viên mầm non là một sự ưu ái. Nhưng tôi cho rằng, điều này là phù hợp bởi đã đánh giá đúng những khó khăn, vất vả, nặng nhọc mà giáo viên mầm non đang gặp phải.

bna-4-4523.jpg
Với những giáo viên mầm non lớn tuổi, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Ảnh: Mỹ Hà

Cá nhân tôi cũng cho rằng, cần đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề độc hại bởi nhiều lý do như: Giáo viên mầm non đang làm việc ít nhất 10 tiếng/1 ngày và không được nghỉ trưa, vì rất nhiều trường thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, trẻ mầm non nhỏ cần phải được chăm sóc, quan sát hướng dẫn trẻ chơi, học, ăn, ngủ nên rất vất vả. Thực tế, giáo viên ở các cấp học khác có tiết và nghỉ giữa giờ nhưng giáo viên mầm non gần như không có đặc quyền này và các giáo viên rất thiệt thòi./.

Mới nhất

x
Giáo viên mầm non cần được xem là nghề 'nặng nhọc, độc hại'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO