Giáo viên Nghệ An đề nghị chấm chéo ở Kỳ thi THPT Quốc gia
(Baonghean.vn) - Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đang là vấn đề được cán bộ, giáo viên công tác ở ngành giáo dục quan tâm, đặc biệt sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 6 giải pháp hạn chế tiêu cực.
Thầy giáo Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4:
Đề thi còn nặng đối với năng lực thực tiễn của học sinh
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 triển khai tương đối tốt. Tuy nhiên có một vài nhược điểm tồn tại, cần rút kinh nghiệm. Đó là khâu ra đề một số môn, đặc biệt là môn Toán tương đối nặng đối với năng lực thực tiễn của học sinh. Một số cán bộ làm công tác coi thi chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tổ chức kỳ thi. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, công nghệ để đáp ứng kỳ thi chưa đổi mới.
Từ những tồn tại này, tôi thấy rằng kỳ thi 2019 cần phải lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, cần phải thay đổi hình thức tổ chức thi để tạo sự yên tâm cho giáo viên, phụ huynh, học sinh; Thứ hai cần nâng cao nhận thức của những người làm công tác coi thi; Thứ ba, khâu ra đề thi phải phát huy được năng lực của học sinh. Không nên yêu cầu trong một thời gian ngắn (90 phút) mà học sinh phải xử lý hàng trăm phép tính.
Kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Thứ tư, cần thay thế công nghệ vào một số khâu tổ chức thi như khâu chấm thi để tạo sự chặt chẽ và công bằng, tránh tình trạng một số khâu thủ công trong năm 2018 trong các bài thi trắc nghiệm. Ở các bài thi tự luận cũng phải có sự giám sát của công nghệ ở một số khâu để tăng cường sự giám sát của Bộ (có thể không giám sát trực tiếp nhưng gián tiếp).
Thứ năm, khâu chấm thi. Hiện nay năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang định hướng chấm chéo. Đây là mô hình khá hay và đã từng được triển khai. Tuy nhiên, với sự đổi mới trong cách thi hiện nay thì việc chấm chéo là một thế mạnh, tạo ra sự công bằng ở các địa phương, các thí sinh. Cần chấm chéo ở các địa phương, ở các tỉnh với nhau để tạo ra sự khách quan.
Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng:
Việc chấm thi bài thi trắc nghiệm phải cách ly như làm đề thi
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của các sở về việc tổ chức kỳ thi THPT 2019. Trong các nhóm giải pháp đưa ra không ảnh hưởng nhiều đến học sinh và chủ yếu tập trung các giải pháp về kỹ thuật để đảm bảo kỳ thi được diễn ra nghiêm túc an toàn, chống gian lận thi cử.
Tôi cũng thấy, các nhóm giải pháp đã đi vào đúng những vấn đề đang tồn tại ở một số năm qua. Ví dụ, về công tác tổ chức thi, dù những năm qua đã làm khá tốt. Nhưng nếu chúng ta tăng cường công tác trách nhiệm của các trường đại học phối hợp với các địa phương. Trong trường hợp các địa phương không đảm nhận được Bộ có thể giao các trường đại học đứng ra chủ trì hoặc phối hợp giữa trường địa phương và các trường đại học đến từ Bộ. Điều này sẽ hạn chế được tiêu cực trong việc tổ chức thi.
Việc kiểm tra hồ sơ thí sinh là một khâu quan trọng trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Mỹ Hà |
Về chấm thi, trong bài thi trắc nghiệm nên bố trí chấm theo cụm và tập trung ở nhiều tỉnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự chính xác, nghiêm túc cần đảm bảo sự cách ly giống như quy trình làm đề thi. Bởi vì số trả lời trắc nghiệm có tên, có số báo danh nên cán bộ làm công tác này cần có sự cách ly hoàn toàn.
Với bài thi tự luận, chỉ cần rà soát các quy trình để làm sao chặt chẽ hơn từ quy trình làm phách đề thi, quy trình giao nhận bài và công tác chấm. Khi đó, không cần đảo bài từ địa phương này sang địa phương khác mà mỗi tỉnh chỉ cần 2 điểm chấm, đảm bảo giáo viên không chấm bài thi của học sinh mình, huyện mình...
Thầy giáo Trần Bá Tiến - Trưởng phòng Đào tạo - Đại học Vinh:
Các trường đại học cần tham gia khâu chấm thi bởi trường đại học chịu trách nhiệm hưởng thụ kết quả
Tôi nghĩ rằng, trong các nhóm giải pháp để cải tiến trong kỳ thi năm 2019 thì có ba vấn đề cần quan tâm. Đó là khâu ra đề, khâu tổ chức thi và tổ chức chấm thi. Về phía chúng tôi, ủng hộ giải pháp chấm theo cụm bởi lẽ điều đó sẽ có sự tham gia tích cực của các trường đại học và các sở giáo dục và đào tạo và đảm bảo sự khách quan.
Đồng thời, việc chấm thi theo cụm sẽ tạo tiền đề sau này bởi định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hình thành các trung tâm khảo cứu quốc gia. Việc các tổ chức chấm thi theo cụm sẽ từng bước để chúng ta rút kinh nghiệm chấm thi và kiểm tra đánh giá thi quốc gia trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, ngoài khâu tổ chức cần tăng cường bảo mật để đảm bảo chấm thi khách quan đúng quy chế.
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: Mỹ Hà |
Việc chấm cụm phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và các Sở Giáo dục và Đào tạo. Điều này, cũng tăng trách nhiệm của các đơn vị liên quan bởi trường đại học là đơn vị nhận kết quả tuyển sinh, chịu trách nhiệm hưởng thụ kết quả đó, tránh sự liên kết.
Việc chấm theo cụm có thể giao cho các trường đại học có kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh có uy tín thì sẽ giảm thiểu, thậm chí được loại trừ tiêu cực được quá trình chấm thi.
Thầy giáo Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2:
Yếu tố con người quyết định thành công của kỳ thi
Việc giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia với hình thức 2 trong 1 là điều hợp lý và đúng đắn vì tránh được sự xáo trộn trong tâm lý của học sinh và phụ huynh. Nếu mỗi năm lại thay đổi một hình thức, cách thức thi khác nhau thì gây hoang mang, khiến các em không kịp ôn tập, chuẩn bị.
Bản thân của kỳ thi 2 trong 1 vừa đảm bảo mục đích công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhưng sau sự việc của Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình có thấy những tồn tại, hạn chế về mặt kỹ thuật tổ chức kỳ thi. Vì thế, giải pháp của Bộ đưa ra tập trung vào điều chỉnh, thay đổi kỹ thuật tổ chức kỳ thi là đúng.
Giờ học ngoại ngữ của học sinh lớp 12 - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Mỹ Hà |
Đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đi cùng với đó là cần tập huấn kỹ càng hơn nữa về nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của mỗi con người ở mỗi khâu của kỳ thi. Dù thi với hình thức nào, sử dụng bao nhiêu kỹ thuật, máy móc, công nghệ thì yếu tố con người vẫn là quyết định nhất, vì chính con người sẽ sử dụng, triển khai các quy trình kỹ thuật đó.
Quá trình tổ chức thi cần tăng thêm các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định phương thức thi THPT quốc gia nhưng sẽ có những điều chỉnh, giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực trong kỳ thi với sáu nhóm giải pháp:
Thứ nhất: Bộ sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.
Thứ hai: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.
Thứ ba: Hoàn thiện, củng cố ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của các kỳ thi. Trong đó sẽ hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận.
Thứ tư: Nghiên cứu, xem xét tổ chức việc chấm thi. Bộ đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình.
Thứ năm: Việc lựa chọn nhân sự tham gia công tác kỳ thi sẽ được xem trọng. Đồng thời sẽ tập huấn kỹ hơn về công tác thi cho đội ngũ nhân sự.
Thứ sáu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả phòng thi. Đặc biệt, trong kỳ thi năm 2019 sẽ nâng cao vai trò tham gia của các trường đại học.