Giáo viên Nghệ An 'ngược núi', ủng hộ máy tính giúp sĩ tử lớp 12 ôn thi
Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ngoài mục tiêu nâng cao điểm số cho học sinh có học lực khá thì việc phụ đạo cho học sinh yếu kém để chống trượt cũng được nhiều trường quan tâm, chú trọng.
"Ngược núi" hỗ trợ học trò vùng cao
Những ngày đầu tháng 6, ngay sau khi vừa tổng kết năm học, nhóm giáo viên 7 người đến từ Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu) đã có chuyến công tác đặc biệt lên với học sinh Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông).
“Chúng tôi chỉ có 2 ngày ở trường thôi nhưng nhiệm vụ lại không dễ dàng”, thầy giáo Đào Xuân Tấn - giáo viên dạy Địa lý, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn chia sẻ.
Cũng theo thầy Tấn, các giáo viên tham gia chuyến công tác đặc biệt này đều đang ôn tập cho học sinh lớp 12. Vì thế, khi đến với Trường THPT Mường Quạ, họ sẽ trực tiếp đứng lớp, phụ đạo thêm cho các học sinh cuối cấp đang ôn tập để chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
"Thời gian rất ngắn nên chúng tôi không thể dạy lại toàn bộ chương trình. Thế nên, trước khi tham gia lớp học này, tất cả giáo viên đều đã kết nối giáo viên ở trường sở tại để tìm hiểu kỹ đối tượng học sinh.
Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ dạy những kiến thức căn bản nhất, hướng dẫn các em cách làm bài hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ động viên, khích lệ để các em nỗ lực cố gắng, về đích thuận lợi trong năm học này. Cá nhân tôi là giáo viên dạy Địa lý, trong các buổi phụ đạo tôi sẽ tập trung vào các câu hỏi sử dụng Át lát địa lý hoặc biểu đồ. Mục đích để học sinh có phương pháp nhìn vào đó có thể giải được bài tập và trả lời các câu hỏi", thầy Đào Xuân Tấn chia sẻ.
Đến giờ học của cô giáo Phạm Thị Thu Dung – giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, có thể thấy được sự hào hứng của các học sinh với tiết học khá lý thú này. Tranh thủ đầu buổi, cô Dung dành khá nhiều thời gian khích lệ học sinh, động viên các em cố gắng. Bản thân học sinh dường như cũng như được tiếp thêm động lực khi nhận được lời khen của cô giáo.
Có lẽ các bạn nghĩ rằng, mình chỉ học ở một trường miền núi khó có thể theo kịp các bạn ở dưới xuôi. Nhưng thực tế, trước khi lên đây, cô đã nói với học sinh của mình phải lên xem các bạn Mường Quạ học thế nào mà điểm thi thử môn Giáo dục công dân cao vậy.
Cô nghĩ là các em đã phấn đấu rất nhiều. Nếu em nào điểm chưa cao thì hãy tiếp tục vươn lên, đừng đánh mất cơ hội của mình.
Cô giáo Phạm Thị Thu Dung
Sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch Covid – 19, năm học này là năm thứ 2, giáo viên Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn được tăng cường lên hỗ trợ học sinh Mường Quạ ôn thi.
Hoạt động này nằm trong chương trình “phòng giúp phòng, trường giúp trường”. Mường Quạ là ngôi trường được Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn nhận hỗ trợ.
Ngoài việc giúp đỡ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho nhà trường và học sinh thì việc tăng cường hỗ trợ về chuyên môn được 2 trường đặc biệt chú trọng, như hỗ trợ bồi dưỡng học sinh giỏi, chia sẻ kế hoạch môn học, kế hoạch bài giảng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kế hoạch ôn thi tốt nghiệp, giáo án ôn thi tốt nghiệp…
Riêng việc hỗ trợ để phụ đạo thêm cho học sinh lớp 12 được tăng cường thực hiện khi năm nay tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh cùng thực hiện việc đảm bảo chất lượng giáo dục và nhiệm vụ của nhà trường, đó là phải đạt đầu ra theo như cam kết với sở, với phụ huynh, học sinh.
Thầy giáo Trần Cao Thế - giáo viên Toán, Tổ trưởng Tổ Toán – Tin Trường THPT Mường Quạ chia sẻ thêm: Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực của các đồng nghiệp. Thực tế, dù kiến thức giống nhau nhưng mỗi giáo viên sẽ có một cách dạy, cách truyền thụ riêng. Vì thế, được giáo viên ở trường khác về hỗ trợ, chúng tôi được học tập thêm về chuyên môn. Trong khi đó, các em học sinh cũng sẽ được học thêm nhiều phương pháp làm bài mới. Ngoài ra, giáo viên mới, cách dạy mới cũng tạo thêm sự hứng thú cho học sinh khi làm bài.
Trường học không đóng cửa giữa mùa Hè
Lộc Tuấn Khang là một trong số ít học sinh của Trường THPT Tương Dương 2 đăng ký thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển đại học.
Nhà ở xã Yên Thắng, cách trường hơn 15 km, mỗi ngày Tuấn Khang vẫn đều đặn đến trường tham gia ôn thi. Buổi trưa, em ở lại trong lớp tự pha mì gói ăn để tiếp tục học buổi chiều.
Tuấn Khang chia sẻ: “Em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Địa lý của Trường Đại học Vinh. Đây là một trong những ngành có số lượng học sinh xét tuyển đông nên cơ hội không nhiều. Vì thế, những ngày nước rút, em đang cố gắng tận dụng tối đa thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức, trau dồi kỹ năng làm bài”…
Trường THPT Tương Dương 2 là một trong những trường miền núi, nằm ở khu vực khó khăn của tỉnh Nghệ An. Học sinh ở trường hầu hết điều kiện học tập còn kham khổ, học sinh có ý thức tự giác như Tuấn Khang không nhiều. Hiện, hầu hết học sinh trong trường đều ở xa gia đình, nhiều em thuê trọ trong suốt 3 năm THPT để đi học. Việc phải sống tự lập trong khi không có người thân bên cạnh khiến các em chểnh mảng, không tập trung vào việc học.
Nói thêm về điều này, thầy giáo Nguyễn Đình Tứ - giáo viên môn Toán cho biết: Đầu vào ở trường chúng tôi rất thấp nên việc ôn thi tốt nghiệp đối với các học sinh rất khó khăn. Ngoài bổ sung kiến thức, chúng tôi còn phải rèn kỹ năng làm bài cho các em. Nhiều em đến nay vẫn chưa có máy tính nên việc học rất vất vả.
Để tăng cường ôn tập cho học sinh, hiện nay, Trường THPT Tương Dương 2 đã phân luồng học sinh, trên cơ sở đó bố trí dạy học theo từng đối tượng.
Ngoài dạy đại trà, nhà trường còn tăng cường các giải pháp để chống trượt đối với học sinh trung bình, yếu. Hơn 1 tháng trở lại đây, các lớp học buổi tối được mở thường xuyên để dạy phụ đạo cho học sinh.
Giáo viên dù đã nghỉ Hè nhưng vẫn ở lại để tình nguyện dạy miễn phí cho các em. Đặc biệt, biết được hoàn cảnh khó khăn của học sinh, nhiều giáo viên còn đứng ra vận động hỗ trợ học sinh máy tính, giúp các em có phương tiện học tập.
Chưa năm nào những lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh lớp 12 lại được tổ chức đồng loạt như năm học này và được triển khai tới nhiều trường học, từ miền ngược tới miền xuôi. Các lớp học không chỉ mở vào ban ngày, cuối các buổi học mà còn kéo dài sang buổi đêm và liên tục kể cả ngày nghỉ.
Tại Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương), thầy giáo Lê Văn Thành – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước đây các lớp phụ đạo thường tổ chức vào cuối học kỳ II. Tuy nhiên, năm học này trường đẩy lên sớm hơn, ngay từ khi hoàn thành khảo sát chất lượng học kỳ I dành cho khối 12.
Theo hiệu trưởng nhà trường, năm 2024 là năm cuối cùng học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi về phương thức, nội dung kiến thức tương ứng với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, nếu học sinh bị trượt, các em rất dễ “bị bỏ lại phía sau. Do đó, trong kế hoạch dạy học và ôn thi, ban giám hiệu nhà trường đã phát động giáo viên bộ môn dạy phụ đạo miễn phí cho nhóm học sinh trung bình yếu, thời gian đến hết ngày 25/6.
Để kịp thời động viên giáo viên và học sinh, vào đầu tháng 6, đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo đã đến tất cả các trường THPT tại 6 huyện miền núi cao để động viên, thăm hỏi và trao tặng những hộp sữa dinh dưỡng để hỗ trợ các em đang ôn tập.
Chúng tôi rất cảm phục sự cố gắng của các nhà trường, sự hy sinh của các thầy giáo, cô giáo và sự nỗ lực của các em học sinh.
Vì thế, tôi tin tưởng mùa thi này, các nhà trường sẽ về đích thành công, giúp các học sinh có thêm nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và đi xa hơn nữa trong chặng đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An